📞

Bảo vệ môi trường: Nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thu Ngân 14:07 | 09/08/2022
Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm hàng đầu cho các vấn đề về bảo vệ môi trường - một trong các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường. (Nguồn: baotainguyenmoitruong)

Bảo vệ môi trường trong pháp luật Việt Nam

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được coi trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về những vấn đề này tiếp tục được hoàn thiện và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả.

Việt Nam đã ba lần ban hành Luật bảo vệ môi trường (BVMT) vào năm 2005, 2014 và 2020 cùng với một số Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BVMT, quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển, hải đảo…

Trong đó, Luật BVMT 2020 đặt ra các nguyên tắc bảo vệ môi trường và các chính sách về việc thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; chính sách xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược được phê duyệt với quan điểm BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng. BVMT phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đảng và Nhà nước xác định phải tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên tinh thần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết, tham gia; tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

Các nhiệm kỳ đại hội của Đảng ta thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm nhất quán, xuyên suốt, phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại.

Ở Việt Nam, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, chất lượng môi trường xuống thấp.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đóng góp vào tăng trưởng xanh. (Nguồn: baochinhphu)

Một hướng phát triển được đặt ra là kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này đã được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg 2022 về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một xu thế, một tư duy mới trong thời đại ngày nay.

Đây cũng chính là hành động góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, tiến tới mục tiêu phát thải bằng “0”- Net Zero vào năm 2050, hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí Metan, phục hồi tài nguyên rừng,…

Kinh tế tuần hoàn là một nguyên lý phát triển để có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là cách để Việt Nam giải bài toán khó về môi trường. Kinh tế tuần hoàn sẽ dẫn dắt việc thực hiện thay thế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn đúng đắn để tìm đến một mô hình kinh tế bền vững hơn.