TIN LIÊN QUAN | |
Nhạc phim “Me Before You” có vi phạm bản quyền? | |
Bản quyền từ góc nhìn Mỹ |
TG&VN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên bên lề một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này vừa qua.
Xin Thứ trưởng chia sẻ những đánh giá của ông về vai trò của bản quyền trong sự phát triển của văn hóa và kinh tế Việt Nam hiện nay?
Trước hết, trong thời đại công nghiệp xã hội phát triển, sở hữu trí tuệ, chất xám, sự sáng tạo con người là điều quan trọng. Sáng tạo đó gắn với mỗi cá nhân và quyền lợi của người ta được đảm bảo, được bảo vệ và được khuyến khích, hỗ trợ thì càng hưng phấn đi đôi với quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên. (Nguồn: Bộ VHTT&DL) |
Ví dụ như tôi là một họa sỹ thì tôi lo ngại rằng triển lãm của tôi, một tác phẩm của tôi sau khi được công bố liệu có ai “đạo” ý tưởng đó không, hoặc ở dạng tinh vi thì gọi là hàng nhái. Điều đó hại đến uy tín người nghệ sỹ, đồng thời làm mất luôn giá trị của tác phẩm. Tác phẩm có giá trị một phần bởi sự độc bản. Cho nên, trong thời buổi xã hội đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì việc bảo vệ tác quyền càng quan trọng.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền tác giả, Thứ trưởng có thể chia sẻ những đánh giá của mình về thực trạng công tác bảo vệ bản quyền tác giả hiện nay và thực tế là cơ quan quản lý nhà nước có vấp phải những bất cập nào?
Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đây cũng là lĩnh vực khá mới nên cần nâng cao nhận thức của ngay bản thân cán bộ các cơ quan nhà nước, sau đó mới phổ biến tới toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ sở hữu trí tuệ… các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta từ rất lâu. Trước tiên, chúng ta cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và sau đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải có lộ trình. Bên cạnh đó, chúng ta rất cần có sự hỗ trợ từ phía quốc tế, như các chuyên gia - tư vấn về luật pháp, văn bản, chế tài và các phương tiện kỹ thuật…
Trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì việc bảo vệ tác quyền rất quan trọng. (Ảnh: Thiều Quang) |
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của quốc tế đối với Việt Nam trong hợp tác chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác bảo vệ bản quyền?
Tôi cho là sự hỗ trợ quốc tế rất cần thiết bởi vì họ đi trước chúng ta, họ sẽ giúp chúng ta từ nhận thức đến hoàn thiện các văn bản pháp quy, hệ thống luật, các cơ quan có năng lực về bảo hộ quyền tác giả. Hiện nay, Cục bản quyền tác giả mới chỉ có ở cấp trung ương, mà lẽ ra cán bộ làm công tác bảo hộ bản quyền phải hiện diện tới tận các sở, ngành địa phương. Tuy nhiên, để giải quyết được những bất cập đó cần có thời gian. Chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn.
Có thể nói, một trong những khó khăn của công tác bảo hộ bản quyền chính là sự chồng chéo. Vậy, theo Thứ trưởng, phải làm sao để các cơ quan hữu quan làm tốt phần công việc của mình trong việc bảo hộ bản quyền tác giả - một vấn đề rất nóng hiện nay?
Thực tế là có việc chồng chéo trong quản lý và giải quyết, nhưng ở nước ngoài người ta vẫn xử lý được. Chúng ta cần học họ, nhưng trên thực tế nghệ thuật hiện đại liên quan đến nhiều lĩnh vực. Tức là một nghệ sỹ có thể kết hợp mấy lĩnh vực nghệ thuật liền trong một tác phẩm, một triển lãm của mình. Vậy chúng ta phải chấp nhận thực tế phát triển đó của cuộc sống. Chính vì vậy, những người làm luật bảo vệ tác quyền phải bám vào cuộc sống, không thể máy móc áp dụng những luật cũ không phù hợp.
Đất nước càng phát triển thì chúng ta lại phải học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, học kinh nghiệm xử lý của họ. Tôi nghĩ rằng, bản thân kinh nghiệm quốc tế buộc chúng ta phải điều chỉnh qua quá trình thực tiễn. Còn khi có sự liên quan giữa các cơ quan thì tất cả phải ngồi lại với nhau để tính xem chỗ nào chồng lấn và chồng lấn như thế nào để có phương án giải quyết cho thỏa đáng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế. (Ảnh: Thiều Quang) |
Thưa Thứ trưởng, vừa rồi ông chia sẻ điều khó nhất là những vụ việc đưa nhau ra tòa án bởi trên thực tế có nhiều cán bộ của tòa án không có nhiều kiến thức về bản quyền. Vậy, trong giai đoạn sắp tới, Bộ VH-TT&DL cần chủ động như thế nào để đưa ra các giải pháp cụ thể cho vấn đề đó, thưa ông?
Thực ra, trong bối cảnh hiện tại, đòi hỏi phải có ngay một kết quả cụ thể là hơi khó. Phương hướng của chúng tôi là kết hợp khai thác các tổ chức bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, quốc tế, học hỏi những kinh nghiệm của họ để áp dụng vào Việt Nam, bởi trong nước không chỉ có những nhà sáng tạo của Việt Nam mà còn có nhiều nhà sáng tạo quốc tế sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Họ cũng phải được bảo vệ bình đẳng như công dân Việt Nam.
Làm nghệ thuật cũng giống như đá bóng. Chúng ta đưa cầu thủ ngoại vào để góp phần nâng cao kỹ thuật của các cầu thủ trong nước, buộc các cầu thủ nội phải phấn đấu bằng các cầu thủ ngoại. Ở lĩnh vực nghệ thuật, trong môi trường rộng như thế, phức tạp như thế, bản thân những nghệ sỹ, những nhà sáng tác cũng phải dần dần hình thành ý thức tự bảo vệ mình. Cùng với đó, hệ thống luật pháp, các cơ quan bảo vệ tác quyền cũng dần hoạt động hiệu quả hơn, nhận thức của nhân dân được nâng lên… thì tình hình sẽ được cải thiện.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
“Bội thực” phiên bản Việt Chưa bao giờ truyền hình Việt lại trở nên phong phú như hiện nay. Chỉ có vài năm mà hàng loạt chương trình giải trí ... |
FIFA vớ bẫm từ bản quyền truyền hình World Cup Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa thông báo đã hoàn tất được các gói hợp đồng bản quyền truyền hình có tổng trị ... |
Tôn trọng bản quyền phần mềm: Khẳng định đẳng cấp doanh nghiệp “Hãy tránh sai lầm như chúng tôi. Hãy dừng ngay việc sao chép bất hợp pháp phần mềm. Hành động của chúng tôi đã làm ... |