📞

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam: Những nỗ lực không thể phủ nhận

Trang Trần 10:00 | 01/04/2023
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới, và công cuộc phát triển đất nước.
Những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc kể từ những năm 1990. Từ quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình nhờ các chính sách cải cách, sự cam kết của Chính phủ về tăng trưởng công bằng và xóa đói giảm nghèo.

Minh chứng rõ ràng nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại và các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương thực sự có những giai đoạn rất khó khăn nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược về tiến độ phát triển con người.

Ở bình diện quốc tế, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt, đồng thời thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có trách nhiệm các cam kết, nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam tích cực hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước.

Sự chủ động, nghiêm túc và trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là câu trả lời rõ ràng nhất.

Vậy mà, Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 20/3 nêu một số quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống”.

Về nội dung này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam “lấy làm tiếc” vì Báo cáo trên đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Với những nỗ lực bảo đảm quyền con người không thể phủ nhận, Việt Nam hoàn toàn tự tin để cung cấp, trao đổi thẳng thắn với các bên về các vấn cùng quan tâm, vì một mục tiêu chung là quyền con người cho mọi người dân trên thế giới.