Kinh tế Việt Nam quý I/2021 ước tính tăng 4,48%. (Nguồn: Baodautu) |
Phát biểu tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở một số địa phương cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế Việt Nam khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% (đóng góp 55,96%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%; khu vực dịch vụ tăng 3,34% (đóng góp 35,7%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%.
Theo thống kê, trong quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Con số này giảm giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức giảm này vẫn có một tín hiệu khả quan là tổng số vốn đăng ký của 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 447,8 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó ltổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 3 tháng đầu năm nay, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy, có 29,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn quý IV/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 51% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%).
Trong chiều ngược lại, quý I năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 15 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 36,7%).
Như vậy sau 3 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất siêu 2,03 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.
Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.