Chỉ số minh bạch thị trường ngày càng tăng
Theo báo cáo của tập đoàn nghiên cứu bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) công bố hồi tháng 9 vừa qua, trong phân khúc BĐS thương mại, những thị trường BĐS thuộc nhóm top 10 có tính minh bạch cao nhất đã thu hút 75% vốn đầu tư toàn cầu.
Điều đó chứng tỏ, những thị trường BĐS có tính minh bạch cao sẽ ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư hơn các thị trường kém minh bạch. Và đương nhiên, các thị trường BĐS muốn hút thêm nguồn vốn thì sẽ phải áp dụng các biện pháp để nâng cao tính minh bạch của chính mình.
Ngày 18/10, JLL tiếp tục công bố báo cáo Chỉ số minh bạch BĐS bền vững toàn cầu. Theo đó, tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia đã và đang tăng cường minh bạch BĐS để thu hút vốn đầu tư.
Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo này là việc Nhật Bản đã thăng hạng nhanh chóng và lần đầu tiên trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á về chỉ số minh bạch thị trường BĐS. Nhật Bản cũng trở thành dại diện duy nhất của châu Á được xếp vào nhóm có chỉ số minh bạch cao nhất thế giới (cùng với Anh, Pháp, Australia).
Cũng theo báo cáo trên, thị trường BĐS Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) đã được xếp vào nhóm “minh bạch thấp” (trước đây 2 thị trường này không được xếp hạng các nước có chỉ số minh bạch bền vững). Trong khi đó, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã rời nhóm “minh bạch thấp” để gia nhập nhóm “minh bạch trung bình”. Singapore, Hongkong (Trung Quốc) đã được xếp vào nhóm "minh bạch".
Thị trường BĐS châu Á ngày càng được đánh giá cao về tính minh bạch. (Nguồn: Hong Kong Business) |
Tiến sĩ Megan Walters, Trưởng bộ phận nghiên cứu JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, tại châu Á đã có sự gia tăng nhận thức về tính minh bạch của thị trường đồng thời áp dụng các thước đo chỉ số minh bạch như: các chuẩn tiêu thụ năng lượng tối thiểu hay giấy chứng nhận “công trình xanh” tùy theo từng thị trường.
Thu hút nguồn vốn ngoài châu lục
Bà Ada Choi, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: CBRE ) |
Tính minh bạch ngày càng được nâng cao khiến thị trường BĐS châu Á trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo thống kê mới nhất của công ty nghiên cứu BĐS Commercial Real Estate Services (CBRE), từ giữa năm 2015, BĐS châu Á đã nhận được nguồn vốn lớn từ các tổ chức khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Đông và Bắc Mỹ.
Ở phân khúc BĐS thương mại tại châu Á, riêng nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư quốc tế (bên ngoài châu Á) đã chiếm 57% tỉ trọng đầu tư, tăng đến 9% so với năm 2012. Trong hơn 2 năm kể từ giữa 2014, BĐS thương mại châu Á cũng đã huy động được một lượng vốn tương đối lớn từ ngoài khu vực, lên tới 22 tỉ USD.
Còn theo báo cáo “Great Wall of Money” xuất bản lần thứ 12 của tập đoàn tư vấn BĐS Cushman & Wakefield, hơn 40% số vốn trên toàn cầu đang nhắm vào châu Á - Thái Bình Dương và EMEA (châu Âu, Trung Đông, Châu Phi) đến từ bên ngoài các khu vực này, đa số đến từ khu vực Bắc Mỹ.
Bà Ada Choi, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương nhận định, hiện các tổ chức đầu tư ngoài khu vực vẫn chưa thực sự chú trọng đúng mức tới thị trường BĐS châu Á. “Nhưng với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và lâu dài, châu lục này sẽ tiếp tục là khu vực trọng điểm đối với các nhà đầu tư quốc tế, nhằm gia tăng sự đa dạng về mặt địa lý của các chi nhánh công ty, tập đoàn lớn”, bà Choi nhấn mạnh.
Malaysia cũng là một trong những thị trường BĐS hấp dẫn nhà đầu tư. (Nguồn: Knightfrank) |
Theo nghiên cứu của CBRE, một số nhà quản lý BĐS quốc tế đã thành công trong việc huy động nguồn vốn để tập trung cho thị trường châu Á. “Thành lập quỹ BĐS vẫn là con đường then chốt cho các nhà đầu tư quốc tế tìm cách đầu tư vào thị trường châu Á”, chuyên gia của CBRE đưa ra lời khuyên.
Thu hút nguồn vốn từ chính trong khu vực
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhu cầu đầu tư vào BĐS của các nhà đầu tư châu Á đã tăng lên. Thống kê của CBRE cũng cho thấy, khoảng 80% nguồn vốn của các nhà đầu tư BĐS châu Á được sử dụng tại thị trường nội địa. Các nhà đầu tư châu Á đã soán ngôi các nhà đầu tư phương Tây và trở thành nguồn đầu tư xuyên quốc gia chính trong khu vực.
Theo chuyên gia CBRE, yếu tố chính góp phần tạo nên xu hướng này là của cải tích lũy được từ các đơn vị tư nhân dẫn đến nhu cầu đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ những quy định về đầu tư BĐS nước ngoài cho các công ty bảo hiểm châu Á cũng góp phần khiến thị trường này trở nên sôi động.
Ông Marc Giufrida, Giám đốc điều hành Thị trường vốn đầu tư CBRE cho biết, đầu tư toàn cầu đã cho phép các nhà đầu tư châu Á thu nhận được những lợi ích đến từ sự ổn định, sự phân chia cân đối giữa các tài sản và giúp đa dạng hóa về mặt địa lý các danh mục đầu tư của họ.
Ông Marc Giufrida, Giám đốc điều hành Thị trường vốn đầu tư CBRE. (nguồn: CBRE) |
“Ngoài các tổ chức đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã rất tích cực trong những năm trở lại đây, chúng ta cũng có thể quan sát thấy các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản cũng đang bắt đầu xâm nhập thị trường, dù trước đây họ rất hạn chế, hay gần như không có sự mở rộng toàn cầu”, ông Marc Giufrida nhận định.
Các khối tài sản thương mại chủ chốt như những tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa tiếp tục là ưu tiên hàng đầu cho các nhà đầu tư châu Á và quốc tế bởi sự tăng trưởng không ngừng trong lĩnh vực dịch vụ.
Việc châu Á đang trở nên hấp dẫn cũng kéo theo những khó khăn đối với các nhà đầu tư BĐS. Theo CBRE, giữa sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nguồn vốn châu Á, các nhà đầu tư ngoài khu vực cần tạo ra những chiến lược sáng tạo hơn, có tính linh hoạt hơn. “Xây dựng giá trị cốt lõi” tiếp tục là chiến lược khả thi cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và có định hướng lâu dài tại châu Á.
Ông Tom Moffat, Giám đốc điều hành thị trường vốn tại châu Á của CBRE đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư cần nhìn vào những điểm yếu tạm thời của thị trường để nắm bắt được những cơ hội lội ngược dòng khi hồi phục trong tương lai.