Bất động sản mới nhất: Đất vườn Hà Nội ăn theo làn sóng ‘bỏ phố về quê’. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Bùng nổ trào lưu về vùng ven Hà Nội săn lùng đất vườn
Theo Lao Động, trong những tháng gần đây, các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên ven Hà Nội như Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với 1-2 tháng trước.
Sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Theo Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%.
Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường BĐS thêm trầm lắng. Dữ liệu của một trang tin BĐS trong tháng 5/2021 cho thấy mức độ quan tâm đến BĐS, đặc biệt là phân khúc đất/đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh.
Ở một diễn biến khác, thị trường BĐS vẫn ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng “bỏ phố về quê” khi dịch bệnh xuất hiện.
Xu hướng này phát triển suốt năm 2020 và có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền “sốt” ở nhiều khu vực.
Tuy nhiên, sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên ven Hà Nội như Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với 1-2 tháng trước.
Tin liên quan |
Covid-19: Bạn biết gì về biến thể Delta - ‘kẻ gian xảo’ đang ‘thống trị’ thế giới? |
Tại một số vùng ven ở Hà Nội, thị trường đất vườn được rao bán khá sôi động. Đơn cử, một khuôn viên nghỉ dưỡng ở Sơn Tây được giới thiệu có sẵn nhà cửa, vườn cây, bể bơi… với đầy đủ tiện nghi có tổng diện tích hơn 1.000m2 với 100m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, đang được rao bán giá 8,5 tỷ đồng. Đưa ra mức giá này, người bán lưu ý khuôn viên nghỉ dưỡng này có view rất đẹp.
Vì sao giá nhà tăng mạnh?
Hiện tượng đô thị hóa phát triển nhanh là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi, khiến cho nhà ở bình dân luôn là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn, điển hình là TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên theo chuyên gia JLL, tỷ lệ giá bán căn hộ bình dân so với thu nhập không ngừng tăng lên trong 5 năm qua.
Các dự án được phát triển gần đây cũng không ngừng thúc đẩy sự lạc quan về khả năng chi trả với mức lãi suất và hạn mức tối thiểu hàng tháng tương đối thấp, thời hạn vay cho phép kéo dài hơn bao giờ hết. Điều này làm gia tăng tỷ lệ sẵn lòng vay vốn của người dân cho cả mục đích chi tiêu tiêu dùng và thế chấp.
Theo báo cáo của ngân hàng HSBC năm 2020, tỷ lệ các khoản vay hộ gia đình do Top 4 ngân hàng bao gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank nắm giữ đã tăng từ 28% năm 2013 lên 46% năm 2020.
"Nhìn vào tỷ lệ giá bán so với thu nhập ngày càng tăng có thể thấy không có dấu hiệu dư cung trên thị trường. Tuy nhiên, con số này dự báo thị trường BĐS đang phát triển không đồng đều và thị trường đang cần có sự điều chỉnh về cấu trúc", bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của JLL Việt Nam nhận định.
Bà Trang cho biết, có nhiều lý do tác động đến mức tăng giá trung bình toàn thị trường. Thứ nhất, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, quỹ đất có tiềm năng phát triển nhà ở bình dân khá khan hiếm.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn dự án tiềm năng cũng vì thế mà hạn chế khiến các nhà phát triển khó có thể tính được bài toán căn hộ giá rẻ. Tiếp đến là thủ tục phê duyệt các dự án mới bắt đầu vào cuối năm 2018 bị trì hoãn đã cản trở khả năng khởi động dự án của theo kế hoạch.
"Do đó, các chi phí phụ phát sinh như lãi vay hoặc chi phí hoạt động cuối cùng được tính vào giá bán. Nguồn cung hạn chế trong bối cảnh nhu cầu vẫn lành mạnh làm gia tăng sự tự tin của chủ đầu tư, cộng thêm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch đã dẫn đến chi phí vật liệu xây dựng cao hơn cũng một lần nữa cũng tác động đến giá bán", bà Trang nhận định.
Theo chuyên gia JLL, đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, khả năng giá bán quay trở lại mốc trước thời kỳ tăng giá sẽ khó xảy ra.
"Tuy nhiên, đáng chú ý là mặt bằng giá chung hiện đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng của các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu trong đó đại diện và nổi bật nhất là mức tăng thu nhập. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng giá trong thời gian sắp tới sẽ có sự điều chỉnh chậm lại cho đến khi các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu bắt kịp nhịp tăng này", bà Trang khẳng định.
Không căn hộ nào dưới 20 triệu đồng/m2 được bán ra tại TP. Hồ Chí Minh suốt 6 tháng
Căn hộ cao cấp và trung cấp tiếp tục "đè bẹp" căn hộ bình dân. Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay, không có căn hộ nào có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 được bán ra.
. Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay, không có căn hộ nào có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 được bán ra. (Nguồn: NLĐ) |
Theo Sở Xây dựng, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn hình thành trong tương lai của 14 dự án với 11.948 căn hộ; tổng diện tích sàn là hơn 1,23 triệu m2. Trong đó, căn hộ chung cư là 11.038 căn, diện tích sàn hơn 1 triệu m2; nhà ở thấp tầng là 910 căn, diện tích sàn hơn 225.400 m2.
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) chiếm đến gần 59% thị phần với 7.040 căn. Phân khúc tầm trung (giá từ 20-40 triệu đồng/m2) chiếm hơn 41% với 4.908 căn. Phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) đã "biến mất" trên thị trường.
So sánh với thị trường của năm 2020, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm hơn 69% với 3.163 căn được bán ra thị trường. Phân khúc căn hộ trung cấp chiếm hơn 27% với 1.243 căn; có 3,6% căn hộ bình dân với 163 căn được bán ra thị trường. Tuy nhiên, đến đầu năm nay thì căn hộ bình dân đã hoàn toàn vắng bóng.
Việc căn hộ bình dân "mất hút" tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm cho thấy sự "lệch pha" cung - cầu vẫn đang tiếp diễn trên thị trường, trong khi nhu cầu mua nhà giá rẻ của người dân còn rất lớn.
"Nguồn cung căn hộ cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quá dư thừa. Trong khi nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp lại rất thiếu" - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - nhận định.
Hà Nội sẽ công khai loạt dự án nhà ở vướng mắc về pháp lý
UBND TP Hà Nội yêu cầu công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ do có vướng mắc về vấn đề pháp lý…
Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; Công an TP Hà Nội và 8 sở về việc thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021.
Thành phố yêu cầu các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
Giao Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư, kinh doanh BĐS.
Đồng thời Sở chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ do có vướng mắc về vấn đề pháp lý; các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng; các dự án không thực hiện bảo lãnh; các dự án chậm tiến độ; các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng; các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở cho người dân.