Bất động sản mới nhất: Thời gian tới, giá căn hộ sẽ tăng còn giá nhà ở thấp tầng sẽ chững vì đã tăng quá mạnh. (Nguồn: Vietnamnet) |
Theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, các phân khúc đất nền "nóng" lên, thanh khoản tăng vọt, giao dịch diễn ra sôi nổi hồi đầu năm là nhờ vào dòng tiền ồ ạt đổ vào, thổi giá. Đến khi thị trường ghi nhận các yếu tố không mấy tích cực từ giữa năm thì dòng tiền dần suy yếu, từ đó giá bán xảy ra hiện tượng dần rơi tự do về mức "giá trị thực".
Báo cáo quý III mới đây của một đơn vị nghiên cứu cũng đã cho thấy một bức tranh ảm đạm của thị trường đất nền phía Bắc khi giá đất và mức độ quan tâm của người tiêu dùng giảm mạnh so với quý trước.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá đất nền và mức độ quan tâm ở huyện Quốc Oai giảm lần lượt 1% và 39%, ở huyện Thanh Trì giảm 9% và 24%, ở huyện Đông Anh giảm 1% và 8%, ở quận Long Biên giảm 10% và 21%... Các tỉnh lân cận Hà Nội cũng có giá đất nền suy giảm so với quý trước như Bắc Ninh giảm 6%, Quảng Ninh giảm 7%, Bắc Giang giảm 5%...
Theo đơn vị này, tại Đà Nẵng, khu vực phía tây bắc thành phố hiện ghi nhận sự sụt giảm rất mạnh của giá đất nền tại các khu Golden Hills, tái định cư Hòa Liên.
Diễn biến ảm đạm cũng xuất hiện tại khu vực miền Nam. Theo Báo cáo thị trường TPHCM và vùng phụ cận của một đơn vị khác thì từ quý III vừa qua, thanh khoản đất nền diễn biến ngày càng xấu.
Sức cầu của thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 52%, là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Mặc dù giá thứ cấp tăng 2-4% so với đầu quý trước tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.
Không có gì khác biệt, phân khúc nhà ở thấp tầng giai đoạn hiện tại cũng chung kịch bản khi ghi nhận giá bán hạ nhiệt, thanh khoản giảm mạnh. Lượng tiêu thụ phân khúc ở mức thấp, chỉ đạt 47%, giảm 3,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, thị trường thứ cấp kém sôi động.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, thời gian tới, các dự án nhà ở xã hội sẽ được khởi động mạnh mẽ. Do đó, giá căn hộ sẽ tăng còn giá nhà ở thấp tầng sẽ chững vì đã tăng quá mạnh. Không ít khách hàng lo ngại việc mua đất nền thời điểm này vẫn đang là "đu đỉnh".
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, nhà đầu tư từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng đến hiện tại, việc nới room tín dụng gần như không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn mới.
Đồng thời, ông kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn.
Vị chuyên gia này dự báo, cuối năm nay và sang năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Từ đó, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Chi tiết loạt dự án nhà ở giá rẻ cho công nhân và người lao động ở Bắc Ninh
Theo Tienphong, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa công bố danh mục 52 dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.
Đáng chú ý, trong danh sách này có hàng loạt dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người lao động trong khu công nghiệp đủ điều kiện mở bán như: Tòa nhà CT3 tại dự án Khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp tại thị trấn Hồ; Khu nhà ở xã hội tại phường Đình Bảng, thị xã từ Sơn (tòa nhà CT1); Khu nhà ở xã hội Thống Nhất, tại phường Võ Cường, thành phố BN (tòa nhà N3, N4 tại ); Khối nhà B thuộc dự án Khu nhà ở xã hội kết hợp dịch vụ thương mại tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong; Dự án khu nhà ở xã hội Sao Hồng, tại xã Việt Hùng, huyện Quế Võ (khối nhà chung cư 11 tầng);
Khu nhà ở và dịch vụ cho cán bộ, công nhân viên KCN Yên Phong (lô đất BT10, Lô đất BT2, BT3); Khu nhà ở xã hội Cát Tường Smart city; Khu nhà ở xã hội Thống Nhất Smart city; Khu nhà ở xã hội Golden Park (tòa nhà G1, G2, G3) Khu nhà ở xã hội, siêu thị bán lẻ hàng điện máy và đồ điện gia dụng, tạp hóa tại thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ…
Hồi tháng 9, UBND tỉnh Bắc Ninh đã bổ sung mới 7 dự án công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện, thành phố. Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh bổ sung 7 dự án, bao gồm 5 khu công nghiệp (KCN) và 2 cụm công nghiệp (CCN).
Cụ thể, các KCN bao gồm: KCN VSIP Bắc Ninh II (82 ha, Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh); KCN Quế Võ II giai đoạn 1 (Idico, 30 ha); KCN Yên Phong II-A (CTPC Hạ tầng Western Pacific, 30 ha); KCN Thuận Thành 1 (Tổng Công ty Viglacera - CTCP, 40 ha); KCN Thuận Thành III - khu B (CTCP Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh, 130 ha).
Các CCN bao gồm: CCN Vạn Ninh - Cao Đức (CTCP Đầu tư Xây dựng Kết cấu Hạ tầng Nam Bắc Ninh, 44 ha) và CCN đa nghề Đông Thọ giai đoạn 2 bổ sung (Công ty Địa ốc Sông Hồng, 7,5 ha).
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có 4 dự án được đăng ký bổ sung mới, bao gồm: khu thương mại dịch vụ của CTCP Thương mại Dịch vụ Ample Sun (0,5 ha, Thuận Thành); Khu chợ và dịch vụ thương mại của Công ty TNHH Khánh Sơn Bắc Ninh (1,4 ha, Gia Bình); khu thương mại dịch vụ tổng hợp của CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tổng hợp Tiến Đạt (4,6 ha, Yên Phong); khu thương mại dịch vụ do UBND huyện Quế Võ làm chủ đầu tư (1 ha)...
Nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng mắc kẹt
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng tình trạng nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản khá phổ biến hiện nay.
"Trước đây, khi thị trường bất động sản sôi động, nhiều nhà đầu tư lấy lợi nhuận có được từ bất động sản này để đầu tư bất động sản khác. Nhưng khi thị trường chững lại, dòng tiền của nhiều nhà đầu tư khó khăn. Tôi cho rằng có quá nửa số khách hàng đầu tư bất động sản dự án đang kẹt vốn", ông Quang nhận định.
Theo ông, xu thế chung của thị trường là trầm lắng, càng khó khăn với bất động sản xa trung tâm hay sản phẩm hình thành trong tương lai. Ngay cả khi nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, thanh khoản vẫn kém.
Chuyên gia cho rằng, việc mua đầu tư bất động sản xa trung tâm nên được cân nhắc thận trọng vì thanh khoản chủ yếu vẫn là nhóm sản phẩm hướng tới nhu cầu ở thực. Còn ở các dự án hình thành trong tương lai, sản phẩm xây dựng dở dang, khách hàng lại e ngại khi thị trường trầm lắng, thanh khoản khó thì chủ đầu tư có thể khó đảm bảo tiến độ.
Chia sẻ tại buổi họp báo về thị trường bất động sản quý III vừa diễn ra, bà Dương Thùy Dung - Trưởng Bộ phận Định giá, Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam - cũng cho biết, quan ngại nhất đối với nhiều khách hàng hiện nay là nguồn vốn lấy từ đâu khi ngân hàng siết tín dụng. Chưa kể, có nhiều nhà đầu tư đang vay vốn dở dang sẽ gặp nhiều áp lực khi lãi suất tăng cao.
Bà Dung nói, có tới hơn 50% các nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản và tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tiếp tục vay thì chi phí vốn sẽ tăng rất cao nhưng muốn bán cũng không được.
Họ có lựa chọn trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt rất lớn nên buộc phải đi vay tiếp để duy trì. Nếu không thể vay được, nhà đầu buộc phải bán cắt lỗ.
Ông Trần Khánh Quang thì cho rằng, các nhà đầu tư "mắc kẹt" về vốn nên tìm cách cắt lỗ thay vì xoay xở bằng mọi cách. Bởi thị trường sẽ còn trầm lắng trong khoảng thời gian dài. Việc "gồng" quá sức sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư hiện cắt lỗ vẫn khó bán. Ông Quang lý giải, sau nhiều đợt sốt nóng, nhà đầu tư mua vào với mức giá quá cao. Do vậy khi cắt lỗ, thị trường vẫn khó hấp thụ bởi mức giá vẫn còn "ảo".
Một số chuyên gia khác cho rằng thị trường bất động sản trong giai đoạn dành cho những người mua để ở thực và nhóm có "tiền tươi thóc thật", không dành cho nhà đầu tư lướt sóng và sử dụng đòn bẩy tài chính.
Theo nhiều báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nhu cầu tìm kiếm bất động sản giảm, thanh khoản kém trong quý III năm nay. Các phân khúc giảm mạnh nhất được chỉ ra như đất nền, nhà riêng, biệt thự liền kề… Thị trường bắt đầu xuất hiện hiện tượng "ngộp" từ những người mua phụ thuộc vốn vay lớn.
Công ty TNHH Hải Minh xin dừng dự án du lịch trên đảo Hòn Miễu, thuộc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa. |
Chấm dứt hoạt động Khu du lịch sinh thái đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa
Ngày 3/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Khánh Hòa đã có văn bản về việc chấm dứt hoạt động dự án Khu du lịch sinh thái đảo Trí Nguyên Resort & Spa trên đảo Hòn Miễu do Công ty TNHH Hải Minh (Công ty Hải Minh) làm chủ đầu tư.
Ngày 27/10, Sở KH&ĐT nhận hồ sơ thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái đảo Trí Nguyên Resort & Spa của Công ty Hải Minh.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 06/04/2012 có tổng vốn đầu tư là 80 tỷ đồng, với mục tiêu của dự án là xây dựng khu liên hợp sinh thái cao cấp, gần gũi thiên nhiên, nhằm phục vụ lưu trú du lịch, cho thuê và phục vụ nhân dân tắm biển. Dự án có diện tích đất khoảng 15ha, gồm 8ha mặt đất và 7ha mặt nước, thời gian thực hiện dự án là 40 năm.
Đến đầu tháng 10/2022, chủ đầu tư mới cải tạo nhà bếp, cải tạo nhà đón tiếp, hoàn thiện 04 căn bungalow, xây nhà tắm nước ngọt, cải tạo 500m bờ biển (giai đoạn 1); mua sắm các thiết bị, nội thất phục vụ khách du lịch; mua sắm ca nô và mô tô nước; xây 1 cầu tàu, nhà hàng.
Trong thông báo gửi Sở KH&ĐT, Công ty Hải Minh thông báo chấm dứt hoạt động dự án do tình hình dịch bệnh, suy thoái kinh tế diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 khách du lịch ít, doanh thu không đủ để trang trải dẫn đến nguồn vốn đầu tư bị eo hẹp, không có điều kiện tiếp tục thực hiện dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy Công ty Hải Minh chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái đảo Trí Nguyên Resort & Spa như trên thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư (Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư). Công ty Hải Minh tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 48 Luật Đầu tư.
Cụ thể, việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thực hiện theo quy định về đất đai. Sau khi chấm dứt hoạt động, diện tích đất 15ha mà Công ty Hải Minh sử dụng cũng sẽ được xử lý theo quy định của Luật Đất đai.