Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: PTI) |
Về mặt đối ngoại, tuyên bố chung đã báo hiệu rằng một "khối lượng quan trọng" đã phát triển thông qua cuộc thảo luận trong 3 giờ đồng hồ giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai bên.
Đồng thuận 5 điểm
Báo cáo của phía Trung Quốc đánh giá ông Jaishankar và ông Vương Nghị đã tạo ra "những điều kiện thuận lợi cho một cuộc gặp có thể diễn ra trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo hai nước". Việc sẽ không có chiến tranh khiến điều này trở thành một bước đột phá lớn.
Tuyên bố chung đã vạch ra một sự đồng thuận gồm 5 điểm sau:
Thứ nhất, hai nước tái khẳng định "một loạt sự đồng thuận" mà Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đạt được tại các cuộc gặp ở Astana (tháng 6/2017), Vũ Hán (tháng 4/2018) và Chennai (tháng 10/2018), trong đó cam kết mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thứ hai, dự tính các binh sĩ ở biên giới rút lui nhanh chóng để quân đội hai nước duy trì một khoảng cách thích hợp và giảm bớt căng thẳng.
Thứ ba, các hiệp định và nghị định thư hiện có trong các vấn đề biên giới song phương sẽ được tuân thủ, quân đội hai nước sẽ duy trì hòa bình và sự yên tĩnh ở các khu vực biên giới, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang các vấn đề.
Thứ tư, các đại diện đặc biệt của hai nước sẽ tiếp tục "đối thoại và trao đổi" về vấn đề biên giới và cơ chế làm việc để tham vấn và phối hợp các vấn đề biên giới Trung-Ấn.
Thứ năm, một khi căng thẳng dịu đi, các biện pháp xây dựng lòng tin mới sẽ được ký kết để duy trì và tăng cường hòa bình cũng như sự yên tĩnh ở các khu vực biên giới.
Sức ép với Ấn Độ
Đáng chú ý, Tuyên bố chung này không đề cập đến Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Thay vào đó, cụm từ được sử dụng là "khu vực biên giới". Điều này cho thấy sẽ không có bất kỳ sự trở lại nguyên trạng nào kể từ đầu tháng 5 - vốn là nhu cầu của Ấn Độ.
Quân đội Ấn Độ được cho là đã chiếm một số điểm cao ưu thế nhất định trong tuần qua. Tuy nhiên, không có gì được đề cập trong Tuyên bố chung về vấn đề này. Có thể hình dung "kẻ thù truyền kiếp" của quân đội Ấn Độ ở những điểm cao ưu thế đó sẽ không phải là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mà là mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần.
Việc duy trì sự hiện diện quân sự ở địa hình khắc nghiệt như vậy đòi hỏi phải trả giá đắt về tính mạng và của cải, đồng thời sẽ gây ra sức ép không thể chấp nhận được đối với các nguồn lực của Ấn Độ.
Nói một cách ngắn gọn, điều nổi lên từ Tuyên bố chung là mong muốn của hai bên không làm leo thang xung đột và quan điểm cho rằng việc xuống thang căng thẳng là vì lợi ích chung. Tuy nhiên, vẫn còn sự không chắc chắn liên quan đến lộ trình phía trước.
Việc tạo ra một vùng đệm (khu phi quân sự) vào thời điểm này sẽ là cách tốt nhất để đảm bảo hòa bình và yên tĩnh ở biên giới trên cơ sở lâu dài. Ông Modi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người có thể đưa ra những quyết định khó khăn và giải quyết nhanh vấn đề hóc búa.
Rõ ràng, Ấn Độ đã chuyển sang lập trường nếu PLA không rút khỏi "lãnh thổ Ấn Độ", các mối quan hệ song phương không thể hoạt động như bình thường. Ấn Độ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tuyên bố chung lại nhấn mạnh rằng hai nước tiếp tục duy trì "một loạt sự đồng thuận" đạt được ở cấp lãnh đạo, trong đó khuôn mẫu chính là niềm tin chung của họ rằng Trung Quốc và Ấn Độ không phải là đối thủ cạnh tranh hoặc mối đe dọa với nhau mà là các đối tác hợp tác trong những cơ hội phát triển của nhau.
Đưa quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc về quỹ đạo
Thông tin của Tân Hoa xã từ Moscow cho biết, "ông Jaishankar nói rằng phía Ấn Độ không coi sự phát triển của quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề biên giới và Ấn Độ không muốn bị thụt lùi".
Ngoại trưởng Jaishankar nói: "Sự thật là quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc đã đạt được những tiến triển ổn định trong những năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ đã gặp nhau nhiều lần và đạt được một loạt sự đồng thuận quan trọng về sự phát triển của quan hệ song phương".
Tờ Asia Times nhận định, rõ ràng, các biện pháp trừng phạt phải bị xóa bỏ bởi điều này sẽ làm tổn thương người Ấn Độ nhiều hơn người Trung Quốc. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại là hữu ích và vô cùng cần thiết, đặc biệt là vào những thời điểm như vậy để tạo đòn bẩy cho việc thiết lập lại mối quan hệ.
Tuy nhiên, quan điểm này đi ngược lại với bộ phận dư luận Ấn Độ vốn tin rằng Trung Quốc đã gây hấn bằng cách xâm phạm "lãnh thổ Ấn Độ" và phải bị trừng phạt.
Có thể một phần nào đó, ông Jaishankar đã yếu thế trong việc đàm phán. Lợi ích lớn nhất là chiến tranh đã được ngăn chặn và một giai đoạn mới quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, với tinh thần chủ nghĩa hiện thực, trở nên khả thi. Đây là một khoảnh khắc của sự thật để xem xét lại toàn bộ quỹ đạo chính sách đối ngoại mà Chính phủ Ấn Độ đã theo đuổi trong những năm gần đây.