Không đầy 7 tuần trước thời điểm được hoặc bị cử tri Mỹ quyết định tương lai chính trị trong cuộc Bầu cử Mỹ 2020, cả hai ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hoà, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, và của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đều bắt đầu sử dụng đến những chiêu thức cuối cùng để giành giật lá phiếu bầu của cử tri. Họ đều tìm mọi cách để thuyết phục cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu mình vì tin tưởng vào năng lực lãnh đạo đất nước của mình và vì những ứng cử khác không có được năng lực ấy.
Các ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump trong Bầu cử Mỹ 2020. Cuộc bầu cử Tổng thống năm nay ở nước Mỹ đặc biệt rất hiếm thấy trong lịch sử đất nước này. (Nguồn: AP/TTXVN) |
Quyết sách cầm quyền và hiệu ứng dân túy
Trên phương diện làm cho cử tri tin tưởng vào năng lực lãnh đạo đất nước của mình, ông Trump hiện vẫn có ưu thế nổi trội hơn hẳn ông Biden nhờ cương vị của tổng thống đương nhiệm. Trong khi ông Biden chỉ có thể cam kết sẽ làm và phê phán những gì ông Trump đã và đang làm thì ông Trump lại có thể dùng những quyết sách cầm quyền để thể hiện cụ thể, nhờ đấy có thể dễ dàng thu hoạch được hiệu ứng dân tuý hơn hẳn ông Biden.
Sách lược vận động tranh cử này của ông Trump thể hiện cụ thể ở những biện pháp chính sách mới như gia hạn việc cấm khai thác dầu lửa ở ngoài khơi bờ biển bang Florida - bang này với 29 đại cử tri đóng vai trò rất quyết định tới kết cục cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm nay như đã từng đóng vai trò ấy trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2000 - hay công bố danh sách những ứng cử viên cho các vị trí trong toà án tối cao một khi có vị trí nhân sự cần thay thế.
Tin liên quan |
Bầu cử Mỹ 2020 và Covid-19: Hoả mù đắc dụng |
Cả việc ông Trump thôi thúc và quả quyết nước Mỹ sẽ có vaccine phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm nay cũng nhằm mục đích tương tự. Thời gian tới, người này chắc chắn sẽ còn tung ra những quyết sách kiểu như thế, cụ thể và đơn giản thôi nhưng lại có thể có được tác động rất mạnh mẽ tới tâm lý cử tri Mỹ, nhất là ở những bang mà cử tri có truyền thống chao đảo giữa hai đảng và ở diện cử tri chưa quyết định dứt khoát lần này sẽ bỏ phiếu bầu ai.
Chuyện đối ngoại xưa nay rất hiếm khi đóng nổi vai trò lớn trong bầu cử tổng thống ở Mỹ. Dù vậy, hiện vẫn có thể thấy là ông Trump rất chăm chỉ tích điểm trên phương diện này, cụ thể theo ba hướng là làm găng với Trung Quốc, triệt thoái quân Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan cũng như thúc đẩy việc các nước Ả rập thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Không thể không khách quan và công bằng để xác nhận rằng những hoạt động và thành quả đối ngoại của ông Trump gây được ấn tượng nhất định ở cử tri Mỹ. Con ruồi tuy nhỏ bé nhưng lại có thể đậu chỗ làm lệch cán cân. Một giọt nước có thể làm tràn ly và phá vỡ thế cân bằng. Cả chiêu thức thể hiện là "Tổng thống của luật pháp và trật tự" cũng được ông Trump tiếp tục sử dụng triệt để.
Khai thác những "Gót chân Achille" mới
Tin liên quan |
PHÂN TÍCH Bầu cử Mỹ 2020. Cuộc đuổi vượt bắt đầu! |
Sách lược đối phó của ông Biden là thể hiện mình có thể làm được gì chứ không chỉ có phê phán ông Trump không làm được gì, xuất hiện nhiều hơn trước công chúng chứ không chỉ có trực tuyến và không để ông Trump độc thế ở những điểm nóng về chính trị xã hội nội bộ như ở Kenosha hay New York vừa rồi. Và ông Biden tập trung khai thác hai "Gót chân Achille" mới của ông Trump là những phát biểu hàm ý không tôn trọng binh lính Mỹ mà tờ The Atlantic đã công bố và chủ định che dấu mức độ tác động nguy hiểm của dịch bệnh như đã thổ lộ với nhà báo Bob Woodward. Rất có thể ông Trump đã gây vạ miệng cho chính mình.
Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ đặc biệt rất hiếm thấy trong lịch sử đất nước này. Nếu ông Trump tái đắc cử thì sẽ lại một lần nữa nhờ vào hệ thống bầu cử chứ không phải bởi giành được đa số phiếu bầu phổ thông. Nếu ông Biden thắng cử thì không phải bởi khiến cử tri Mỹ tâm phục khẩu phục mà chủ yếu bởi cử tri Mỹ không muốn ông Trump tiếp tục cầm quyền.
Thời gian từ nay cho tới ngày bầu cử đã bắt đầu trở nên quá ngắn và gần như không thấy triển vọng gì cho kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Ông Trump dẫu có quả quyết thế nào thì cũng vẫn không thể làm cho dân Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào vaccine phòng ngừa dịch bệnh ngay trước ngày bầu cử. Thực tế này có lợi cho ông Biden.
Nhưng ông Trump vẫn có cơ hội xoay chuyển tình thế bằng hai cách là tận dụng 3 cuộc tranh luận trực tiếp với ông Biden trên truyền hình và bằng cách thái cực hoá các hình thức vận động tranh cử. Trên cả hai phương diện ấy, ông Biden đều quá ôn hoà trước mức độ cực đoan của ông Trump. Ông Trump bây giờ bị chi phối bởi phương châm "Mục đích thần thánh hoá công cụ" nên sẵn sàng bất chấp tất cả mà ông Biden dường như chưa có được đối sách thích hợp.
Trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội hiện tại ở nước Mỹ, thực trạng này có lợi cho ông Trump. Cũng bởi thế, ai thắng ai thua phụ thuộc vào việc có hay không xảy ra điều bất ngờ gì nữa trong tháng Mười tới.
| Bầu cử Mỹ 2020: Cuộc đua sít sao tại các 'bang chiến trường' TGVN. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump và ông Joe Biden gần ngang ngửa ở các "bang chiến trường" như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. |
| Điều khác thường trong cuộc bầu cử Mỹ 2020 TGVN. Mùa bầu cử Mỹ năm nay là một mùa bầu cử khác thường, thiếu hẳn những sự kiện tập trung đông người và những ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Đã rõ ai là người trung thành nhất với Tổng thống Trump TGVN. Việc ông Mike Pence tiếp tục được xác nhận làm ứng cử viên liên danh tranh cử của Tổng thống Trump là một bằng ... |