Ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tới đây sẽ tác động lớn tới chính sách của Mỹ ở Trung Đông. (Nguồn: AP) |
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho biết, khác với thời Tổng thống hiện tại Donald Trump, nước Mỹ trong tương lai sẽ không còn “đánh đổi các giá trị của mình lấy việc bán vũ khí hoặc mua dầu lửa nữa”. Cảnh báo này ám chỉ tới Saudi Arabia và các quốc gia khác trong khu vực.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 nhiều khả năng sẽ mang lại thay đổi lớn trong những vấn đề quan trọng dưới đây.
Đưa Iran trở lại "khuôn khổ"?
Tổng thống Trump đang áp dụng chiến lược “gây áp lực tối đa” để buộc giới lãnh đạo Iran phải khuất phục. Hai năm trước, được sự ủng hộ của phe cứng rắn với Iran ở Mỹ và các đồng minh như Israel và Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Bằng các lệnh trừng phạt mới liên tiếp áp đặt lên Iran, ông Trump muốn giới lãnh đạo nước này phải tuân theo các quy định ngặt nghèo hơn trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Với quyết định ám sát tướng cấp cao Qassem Soleimani của Iran hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Trump cho thấy ông không hề né tránh bạo lực quân sự đối với Iran.
Khác với ông Trump, ông Biden muốn đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận JCPOA, nếu Tehran chấm dứt những hành vi vi phạm thỏa thuận này. Đại diện đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng việc đưa nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trở lại với các liên kết quốc tế sẽ tốt hơn, giúp cho việc dự đoán về các hành động, bước đi của nước này dễ dàng hơn.
Vì vậy, Tehran đang hy vọng vào sự thay đổi quyền lực ở Washington. Thông tin từ các phương tiện truyền thông cho biết, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei đã ra lệnh cho các lực lượng dân quân thân Iran ở nước láng giềng Iraq ngừng tấn công vào các lực lượng Mỹ, để Tổng thống Trump không có cớ phát động các cuộc tấn công quân sự mới chống Iran.
Với ông Biden, việc chấm dứt lập trường cứng rắn của Mỹ với Iran không phải không có rủi ro chính trị bởi một chính sách Iran mới sẽ làm cho những người Mỹ theo đường lối cứng rắn và các đồng minh như Israel và Saudi Arabia, vốn ủng hộ chính sách Iran của Tổng thống Trump, thiếu tin tưởng vào Tổng thống Mỹ.
Tương lai quan hệ Israel-Palestine
Đối với chính phủ cánh hữu ở Israel, Tổng thống Donald Trump được coi như là người bảo trợ hào phóng. Ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đó, đồng thời không phản đối kế hoạch xây dựng các khu định cư Do Thái mới.
Còn người Palestine, ngay từ đầu họ đã hiểu rằng, với ông Trump, sẽ không có một nhà nước Palestine nào cả. Thậm chí còn nhiều điều hơn thế. Ông Trump đã chấm dứt hỗ trợ tài chính cho chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas và rút khỏi chương trình viện trợ của Liên hợp quốc cho Palestine.
Vì thế, không ngạc nhiên khi người Palestine đặt hy vọng vào ông Biden. Họ mong chờ rằng ứng cử viên Biden sẽ hành động “tốt bụng” như cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama, người đã nhiều lần kêu gọi sự thỏa hiệp từ Israel.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Biden sẽ khó có thể thay đổi được thực tại do Tổng thống Trump tạo ra. Từ lâu nay, xung đột Israel-Palestine đã đạt đến trạng thái như hiện tại. Đàm phán với ai và đàm phán về điều gì? Người Palestine khó có thể quay ngược bánh xe trở lại, bất kể ai sẽ là người đứng đầu Nhà Trắng tới đây.
Xung đột trong khu vực, Mỹ sẽ ở đâu?
Một trong những câu hỏi quan trọng nhất về vấn đề Trung Đông đối với bạn bè cũng như đối thủ của nước Mỹ là nếu như ông Biden thắng cử và trở thành Tổng thống, Mỹ có tiếp tục rút quân khỏi khu vực hay không?
Ông Trump thì đã hứa với cử tri rằng sẽ rút quân khỏi các quốc gia như Syria và Afghanistan. Những người chỉ trích cáo buộc rằng ông Trump đã tạo ra một khoảng trống quyền lực ở Trung Đông, tạo cơ hội cho các đối thủ như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc thay thế vai trò của Washington, về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho Mỹ và các đối tác của Washington trong khu vực.
Những người ủng hộ ông Biden cho rằng, dưới thời ông, chính sách tích cực hơn của Mỹ ở Syria, Libya hoặc trong tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng phía Đông Địa Trung Hải có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của Nga và làm cho toàn bộ khu vực ổn định hơn. Cựu chuyên gia về Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ Alan Makovsky mới đây nói rằng “Mỹ cần phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đối với các vấn đề khu vực”.
Các mối quan hệ cá nhân
Nhà báo Harwood của tờ The Independent cho rằng một điểm quan trọng khác cũng có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đó là các mối quan hệ cá nhân.
Trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, các mối quan hệ cá nhân của Tổng thống Mỹ thường quan trọng hơn các thể chế và các chuyên gia. Ở Trung Đông, điều đó có thể thấy được qua quan hệ thân thiện giữa con rể Tổng thống Trump là Jared Kushner với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Các chính trị gia như Thủ tướng Israel Netanyahu hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường sử dụng đường dây liên lạc trực tiếp với Tổng thống Mỹ.
Còn dưới thời ông Biden, nước Mỹ được cho là sẽ quay lại chính sách đối ngoại theo trật tự nhiều hơn. Ở Washington, các bộ, ngành và các cơ quan như Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong việc định hình chính sách Trung Đông của nước Mỹ. Những lãnh đạo nước ngoài ở Trung Đông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo ảnh hưởng tới Mỹ để có lợi cho họ.