📞

Bầu cử Mỹ tác động thế nào tới quan hệ kinh tế Trung - Mỹ (Kỳ 1)

14:48 | 14/10/2016
Khuynh hướng cánh hữu bảo thủ và chủ nghĩa biệt lập trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay sẽ có những tác động gì tới quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, vốn được coi là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới? 

Nền kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, những thay đổi về chính trị và kinh tế ở Mỹ và châu Âu đều có tác động đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc. Như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay hay sự kiện nước Anh rời khỏi châu Âu, ít nhiều đều có tác động tới Trung Quốc.

Sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn đang được tiến hành một cách khó khăn, vẫn đang chịu áp lực trên các phương diện ngoại thương, dòng vốn và chính sách tỷ giá hối đoái.

Xoay quanh vấn đề này, trên Tạp chí Ngoại hối Trung Quốc số 11/2016, ông Chung Vĩ, Phó Tổng biên tập đã có cuộc thảo luận với hai vị khách mời là chuyên gia kinh tế Hà Phàm thuộc Tập đoàn truyền thông Tài Tân và nhà nghiên cứu Mai Tân Dục thuộc Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc.

Báo TG&VN đăng tải nội dung cuộc thảo luận này trong hai kỳ, mời quý độc giả cùng theo dõi.

Thị trường chứng khoán - một hàn thử biểu của nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: ForbesN

Ông Chung Vĩ: Mỗi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đều sẽ tác động đến chính sách trong nước Mỹ. Hiện nay, Tổng thống Obama đang bận rộn với việc đặt một dấu chấm hoàn hảo cho nhiệm kỳ của mình, còn cả hai ứng cử viên tổng thống đang ở những chặng đua nước rút. Qua các bài diễn văn của Hillary Clinton và Donald Trump, các vị thấy họ sẽ sửa đổi chính sách tài chính và tiền tệ của nước Mỹ ra sao? Liệu có khả năng kích thích tài chính tăng trở lại, hoặc điều chỉnh ứng cử viên Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), từ đó tác động đến giọng điệu ôn hòa trong chính sách tiền tệ? Điều này có thể có những tác động gì tới sự phục hồi kinh tế Mỹ?

Ông Hà Phàm: Dù ứng cử viên nào đắc cử, vấn đề đầu tiên gặp phải là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Mặc dù năm nay kinh tế Mỹ có xu hướng tốt hơn, nhưng vẫn còn phải đối mặt với các vấn đề như tăng trưởng yếu, chưa thực sự phục hồi.

Nếu xét từ góc độ kích thích kinh tế tăng trưởng, điều cần làm nhất là đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và nghiên cứu phát triển. Nó không những đặt nền tảng cho sự tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn, mà còn cho sự phát triển liên tục trong dài hạn. Nhưng một chính sách như vậy rất khó được thực thi.

Từ góc độ chính sách tài chính, ở Mỹ có rất nhiều người phản đối việc mở rộng chi tiêu công. Một mặt, rất nhiều người cho rằng mở rộng chi tiêu công chẳng khác nào với việc chính phủ can thiệp. Mặt khác, người dân tỏ ra hết sức lo ngại về tính bền vững của nợ công, Đảng Trà (Tea Party - là một phong trào cực đoan bao gồm phần lớn thành viên là những đảng viên “siêu bảo thủ” của phe Cộng hòa và người ủng hộ việc đưa đảng này thiên hữu hơn nữa - TG&VN) luôn phản đối mọi chính sách tăng thuế.

Từ góc độ chính sách tiền tệ, Mỹ cần từng bước rút lại chính sách nới lỏng định lượng. Nhưng rút lại như thế nào, chưa ai có một chính sách phù hợp. Chủ tịch FED Janet Yellen sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018, trước đó, các cuộc đọ sức xoay quanh việc đề cử và bổ nhiệm cho chức vụ này sẽ rất khốc liệt.

Ông Mai Tân Dục: Theo tôi, chính sách của Hillary Clinton chỉ là sự sửa chữa đối với chính sách của Chính quyền Obama. Còn Donald Trump lại muốn “mổ xẻ” chính sách của Chính quyền Obama. Hillary Clinton chủ trương can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế, duy trì phúc lợi ở trong nước, dự đoán vấn đề thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục xấu đi.

Từ một số tuyên bố chính sách của Trump cho thấy ông có khuynh hướng cắt giảm chi tiêu và thâm hụt tài chính bằng cách giảm chi tiêu quân sự như: giảm bớt sự hiện diện ở nước ngoài, để các nước đồng minh chia sẻ chi phí bảo vệ an ninh quân sự, giảm bớt chi tiêu phúc lợi theo hướng đảo ngược sự phân biệt đối xử, đồng thời tăng đầu tư thích hợp cho các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược và trang thiết bị tiên tiến. Những điều này có lẽ đều có lợi cho kinh tế Mỹ, về lâu dài sẽ giúp giảm bớt thâm hụt thương mại, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Về chính sách tiền tệ, chủ trương của Trump chưa được rõ ràng.

Ông Chung Vĩ: Mặc dù ông Obama đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, nhưng Mỹ vẫn đang nỗ lực định hình lại quy tắc thương mại toàn cầu. Hiện nay, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến triển tốt, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đối với châu Âu mặc dù gặp trắc trở những vẫn đang được liên tục đẩy mạnh. Đồng thời, vòng đàm phán Doha của WTO vẫn có triển vọng khó lường. Obama cho biết trong tương lai quy tắc thương mại nên do Mỹ viết ra. Theo hai vị, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, liệu hệ thống thương mại toàn cầu có dần dần lệch khỏi WTO mà chuyển sang các hiệp định khu vực do Mỹ dẫn đầu? Điều này sẽ có những tác động gì tới thương mại toàn cầu và Trung Quốc?

Ông Hà Phàm: Tình hình hiện nay cho thấy chỉ khoảng 50% là TPP có thể được thông qua thuận lợi. Nếu Donal Trump trúng cử, TPP có thể chết yểu; nếu Hillary Clinton trúng cử, bà sẽ thúc đẩy thông qua TPP. Tuy nhiên, do sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự thay đổi chính sách cũng như tính khó lường gia tăng, sẽ làm cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu ngóc đầu dậy, ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá hối đoái. Nhìn chung, toàn cầu hóa đang thoái trào.

Các cuộc đàm phán gia nhập WTO rất khó khăn, các hiệp định thương mại tự do khu vực cũng ít tiến triển, chính sách thương mại đơn phương sẽ được phổ biến hơn. Điều này sẽ có tác động tiêu cực tới một nước thương mại lớn như Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ gặp phải chính sách bảo hộ thương mại nhiều hơn.

Ông Mai Tân Dục: TPP hiện đang thực sự phải đối mặt với một sự rất khó đoán định tại Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, tất cả các ứng cử viên đều công khai phản đối TPP, trong đó có cả Hillary Clinton từng dốc sức thúc đẩy thông qua TPP.

Một trong những mục đích quan trọng khiến Obama thúc đẩy TPP là muốn không để Trung Quốc tham gia quá trình vạch ra quy tắc, chèn ép thị phần của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ đối với các quy tắc thương mại; trong khi các nhà lãnh đạo chính trị khác của Mỹ lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng, ảnh hưởng đến sự ổn định tỷ giá của đồng USD.

Trump ra sức phủ định Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), chưa kể đến TPP. Mỹ không thể rút khỏi WTO, nhưng hiệp định thương mại khu vực có thể bị loại bỏ, sửa đổi. Nếu Donal Trump lên nắm quyền, tiến triển của các hiệp định thương mại tự do khu vực có thể chậm lại hoặc thậm chí ngừng lại.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động tới quan hệ kinh tế Mỹ - Trung. (Nguồn: ABC News)

Ông Chung Vĩ: Sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, Mỹ đã đi đầu thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, hiện đã ở vào bước ngoặt của nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Nhưng chu kỳ kinh tế và chu kỳ tiền tệ của châu Âu và các nền kinh tế mới nổi lại tụt hậu sau Mỹ. Liệu điều này có khiến Mỹ can thiệp nhiều hơn vào chính sách tỷ giá hối đoái của các nước khác? Gần đây, một số chính trị gia trong đó có cả Bộ Tài chính Mỹ và Donal Trump thậm chí còn dùng từ “cướp đoạt” để chỉ trích chính sách tỷ giá của đồng NDT. Theo hai chuyên gia, trong môi trường chính trị của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, liệu tỷ giá đồng NDT sẽ trở thành mục tiêu nhạy cảm hay không?

Ông Hà Phàm: Vấn đề tỷ giá luôn là chủ đề chính trị nhạy cảm. Từ góc độ kinh tế học, độ co giãn thu nhập từ xuất khẩu của Trung Quốc lớn hơn so với độ đàn hồi của giá cả. Điều đó có nghĩa rằng, yếu tố tác động tới xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là mức độ tăng thêm thu nhập ở nước ngoài cũng như mức độ sẵn sàng mua sản phẩm của Trung Quốc, còn sự cạnh tranh về giá do tác động về mặt tỷ giá chỉ là yếu tố tương đối thứ yếu.

Có thể nhận định rằng Mỹ sẽ luôn coi vấn đề tỷ giá là một mục tiêu. Một hiện tượng mới xuất hiện gần đây là không chỉ Trung Quốc tồn tại “nỗi lo sợ thả nổi tỷ giá” mà ngay các nước khác cũng lo ngại đồng NDT bị thả nổi. Thái độ của Mỹ đối với tỷ giá đồng NDT hiện nay là: Vừa yêu cầu đồng NDT thị trường hóa hơn, vừa không muốn để đồng NDT mất giá. Có lẽ, hệ thống tiền tệ toàn cầu trong tương lai sẽ dần thay đổi theo hướng cơ chế tỷ đoái ổn định hơn, nhưng điều này cần phải có những cải cách lớn.

Ông Mai Tân Dục: Trong thời kỳ bầu cử, các chính trị gia Mỹ chắc chắn sẽ nói nhiều đến tỷ giá của đồng NDT và các đồng tiền khác; đồng thời, do các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, do chính sách tiền tệ bị suy yếu trong sự đảo chiều của dòng vốn xuyên biên giới vì sự không đồng bộ dẫn đến, Mỹ cũng có khả năng buộc các nền kinh tế khác chấp nhận các yêu cầu của họ.

(theo Tạp chí Ngoại hối Trung Quốc, số 11/2016)