Người dân Pháp tụ tập tại thủ đô Paris trong ngày bầu cử 7/7. (Nguồn: PBS.News) |
Bởi thế, cuộc bầu cử trước hạn vào ngày 7/7 thu hút sự chú ý lớn không chỉ ở Pháp. Kết quả sau bầu cử như thế nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nước Pháp mà còn là các quyết sách, đường lối của Liên minh châu Âu (EU).
Quyết định khó của ông Macron
Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Macron và Đảng trung dung Những người cộng hòa tiến bước mang lại hy vọng mới cho nước Pháp và nhận được sự ủng hộ của người dân. Việc nắm số phiếu đa số quá bán tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017 khẳng định sự tin tưởng của cử tri dành cho một đảng mới thành lập. Tuy nhiên, uy tín đảng cầm quyền của Tổng thống Macron nhanh chóng suy giảm sau hàng loạt cuộc khủng hoảng như dịch Covid-19, biểu tình Áo vàng, khủng bố…. Đặc biệt, việc không còn nắm đa số tuyệt đối tại Quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2022 gây khó cho liên minh cầm quyền của ông Macron trong việc thông qua các quyết định, chính sách tại Quốc hội.
Là nước theo chế độ bán Tổng thống – Nghị viện, ông Macron mong chờ cơ hội giành lại đa số tuyệt đối bằng việc giải tán Quốc hội. Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào đầu tháng Sáu vừa qua với sự phản ứng mạnh mẽ của người dân Pháp chính là thời điểm thích hợp để ông chủ Điện Elysee thực hiện mục tiêu trên. Đây cũng là dịp để ông Macron lấy lại uy tín với hình ảnh một người luôn lắng nghe ý kiến người dân. Bên cạnh đó, ông Macron còn hy vọng rằng, quyết định bầu cử Quốc hội trước thời hạn khiến các đối thủ không kịp chuẩn bị và trong trường hợp bị ép phải lựa chọn, cử tri sẽ không bỏ phiếu cho đảng cực hữu và dồn phiếu cho các đảng còn lại, trong đó có Đảng Phục hưng cầm quyền.
Thế “kiềng ba chân” sau bầu cử
Với tỷ lệ cử tri đi bầu đông nhất kể từ cuộc bầu cử năm 1997 với khoảng 28,8 triệu người, kết quả cho thấy, ba liên minh đảng phái lớn nhất tại Quốc hội đã thắng thế. Đó là Liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) giành được 182 ghế, tăng 51 ghế so với năm 2022. Liên minh Chung sức của Đảng cầm quyền Tổng thống E. Macron đứng thứ hai với 168 ghế, giảm 77 ghế và không còn giữ đa số tương đối trong Quốc hội. Trong khi đó, Liên minh đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) và đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) tuy về thứ ba nhưng giành được kỷ lục 143 ghế, tăng 54 ghế trong Quốc hội.
Kết quả trên cho thấy sự thất bại hoàn toàn của ông Macron khi quyết định bầu cử trước thời hạn bởi ông không những không giành được đa số tuyệt đối mà còn mất đi đa số hiện nay của Đảng Phục hưng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1997, một Tổng thống Pháp thất bại khi không giành được đa số ghế quá bán sau khi giải tán Quốc hội. Thất bại của liên minh Macron cho thấy sự thoái trào của đảng cầm quyền, cũng như sự đi lên của các đảng cực tả và cực hữu trong khi các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống ngày càng suy yếu bởi sự già cỗi.
Ngay sau khi kết quả được công bố, bà Marie Le Pen, nguyên Chủ tịch đảng cực hữu RN đã tuyên bố “Thủy triều đang dâng”. Phát biểu của bà Le Pen ám chỉ thực tế sự trỗi dậy của đảng cực hữu tại Pháp ngày càng rõ rệt sau các cuộc bầu cử từ tám ghế năm 2017 đến 89 ghế năm 2022 và hiện nay là 143 ghế với liên minh đảng cánh hữu LR.
Điều này cho thấy Đảng cực hữu RN và cá nhân bà Marie le Pen đã thành công trong thực hiện những thay đổi nhằm thích ứng với xu hướng “dân túy” của người dân Pháp. Tuy nhiên, các đảng chính trị khác và Chính phủ Pháp cũng đã thành công trong việc ngăn chặn chiến thắng của đảng cực hữu RN thông qua kêu gọi người dân thành lập “mặt trận Cộng hòa”, cũng như liên minh và dồn phiếu cho nhau.
Tương lai nhiều bất ổn
Với sự phân chia sâu sắc trong chính trường Pháp hiện nay, Tổng thống Macron buộc phải có những tính toán phù hợp để thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Gabriel Attal đệ đơn từ chức ngày 8/7. Một trong những kịch bản khả thi nhất là việc thành lập Chính phủ liên minh quốc gia gồm nhiều đảng phái chính trị khác nhau. Trong trường hợp này, nước Pháp sẽ chứng kiến tình trạng “sống chung” khi Tổng thống và Thủ tướng thuộc hai đảng đối lập. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thế và lực của Pháp trên trường quốc tế khi phải tập trung giải quyết các vấn đề đối nội.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Tổng thống Macron sẽ thực hiện các kịch bản khác như thành lập chính phủ kỹ thuật, bao gồm các thành viên không thuộc đảng phái nào nhưng là chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể hoặc chính phủ thiểu số ở Quốc hội nhằm giải quyết từng trường hợp cụ thể thông qua đàm phán với các đảng phái chính trị khác.
Cho dù ông Macron chọn kịch bản nào, tình hình nội trị Pháp sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều bất ổn. Bởi cho dù Tổng thống Macron có liên minh với đảng phái nào thì Điện Elysee cũng phải tiếp tục xử lý các vấn đề nóng bỏng hiện nay trong khi phải chia sẻ quyền lực với các đảng đối lập.
Ngay sau bầu cử, đã diễn ra hàng loạt các cuộc biểu tình với quy mô lớn tại Paris, Lyon và Marseille nhằm phản đối sự gia tăng của đảng cực hữu RN. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế nước Pháp, nhất là trong bối cảnh Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra vào cuối tháng này và Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ vào tháng 10 tới.