Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Liệu ông Joe Biden sẽ trở thành một Barack Obama thứ 2 hay sẽ tiếp nối di sản của Tổng thống Donald Trump nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020? Đây là những câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang đặt ra trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới tại Mỹ.
Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây, ông sẽ phải đối phó với những cơn dư chấn bởi chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump theo lập trường đối đầu với Trung Quốc trên mọi phương diện, từ thương mại, công nghệ, đại dịch Covid-19 đến vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Tổng thống Trump đã gây căng thẳng với các đồng minh châu Á bằng cách đe dọa giảm quân Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xây dựng mối quan hệ trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Sự chia tách tài chính và công nghệ với Trung Quốc cũng đang được tiến hành. Bằng chứng là Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và TikTok. Nếu ông Biden trở thành người đứng đầu nước Mỹ sẽ thừa hưởng Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 trong bối cảnh Bắc Kinh chưa thực hiện lời hứa mua hàng và mối quan hệ thương mại với châu Á bị lung lay bởi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong quá trình tranh cử, lập trường của ông Biden với Trung Quốc có vẻ gần gũi với đối thủ của mình hơn là của ông Obama. Thậm chí trong một cuộc tranh luận, ông đã không ngần ngại gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “kẻ côn đồ”. Nhiều nhà phân tích tin rằng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump sẽ tiếp tục được kế tục ngay cả dưới thời một tổng thống đến từ đảng Dân chủ.
Công nghệ và Trung Quốc
Chiến dịch tranh cử của ông Biden đề cập rằng vị cựu Phó Tổng thống sẽ dẫn dắt Mỹ “giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh vì tương lai chống lại Trung Quốc”. Ông Biden cũng cam kết sẽ đầu tư mạnh vào các công nghệ mới trong chương trình nghị sự kinh tế “Mua hàng Mỹ”. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD đầu từ vào các công nghệ mới như xe điện, vật liệu nhẹ, 5G hay trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Trung Quốc đang ganh đua để đạt vị trí dẫn đầu.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden không đưa ra những chi tiết cụ thể về các biện pháp mà ông sẽ áp dụng nhằm đối phó với các công ty công nghệ Trung Quốc hay việc liệu ông có giữ các lệnh trừng phạt cứng rắn của ông Trump đối với các công ty như Huawei hay không. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Biden đã từng đề cập tới.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell và cố vấn Jake Sullivan của ông Biden đã viết trong một tạp chí ngoại giao năm 2019 rằng Mỹ cần phải “bảo vệ lợi thế công nghệ của mình khi đối mặt với hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ, các chính sách công nghiệp có mục tiêu và sự xâm nhập vào các lĩnh vực kinh tế và an ninh của Trung Quốc”. Đây cũng chính là các điểm mấu chốt dẫn đến xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Chính quyền ông Biden cũng ủng hộ “những hạn chế tăng cường đầu tư và thương mại công nghệ theo cả hai chiều” nhưng những hạn chế đó phải có chọn lọc, đặc biệt là những công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và nhân quyền, chứ không phải tất cả. Bởi việc quá lạm dụng các hạn chế công nghệ có thể khiến các nước khác chuyển hướng hợp tác với Trung Quốc.
Đa số các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ đối đầu với công nghệ của Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, 71% các nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng Huawei và các công ty Trung Quốc nên bị cấm tham gia vào thị trường 5G của Mỹ. Hơn một nửa ủng hộ Washington cấm tất cả mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mong đợi chính quyền Biden (giả thuyết trúng cử) sẽ “kết hợp giữa hợp tác và gây áp lực nhưng đồng thời cũng phối hợp tốt hơn với các chính phủ khác”. “Ông Biden có thể sử dụng một số chiến thuật tương tự như chính quyền ông Trump, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng cách thực hiện sẽ rất khác”, ông Kennedy nhận định.
Theo ông Kennedy, chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề bởi những động thái từ Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc tiếp tục các chính sách như hiện nay sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ và các quốc gia khác”, ông Kennedy nhấn mạnh.
Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. (Nguồn: AP) |
Cuộc chiến thương mại
Ứng cử viên Tổng thống Biden cũng từng bày tỏ mong muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực tập thể lên Bắc Kinh.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bất chấp Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, thuế suất Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức trung bình 19,3%, cao gấp 6 lần so với trước khi xung đột thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018. Trong khi đó, thuế suất trung bình Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu Mỹ là 20,3%.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của ông Trump cũng xa rời các đồng minh và rút khỏi các hiệp định quốc tế như TPP, Thỏa thuận chung Paris (PA), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), Thỏa thuận Hạt nhân Iran, đồng thời đe dọa rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng tư vấn về Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, đánh giá ông Biden nếu thắng cử sẽ tập trung hơn vào vấn đề Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh. Đồng thời, ông Edward Alden tin rằng ông Biden sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc sử dụng công cụ thuế quan nhưng cũng không có nghĩa là thuế quan ngay lập tức sẽ được dỡ bỏ.
Trên trang mạng chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden gọi thỏa thuận giai đoạn 1 của ông Trump với Trung Quốc là “vô nghĩa” vì vẫn chưa giải quyết được các hoạt động thương mại bất công và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ. Ông Biden cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh nhằm thay đổi động thái của Trung Quốc.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng cạnh tranh giữa Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách mà chính quyền Mỹ ứng phó mới chính là chìa khóa để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong quan hệ song phương.
Ông Clayton Dube, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Mỹ-Trung thuộc Đại học Nam California (USC), tin rằng Mỹ muốn đối phó với Trung Quốc cần phải dựa trên thực tế chứ không nên mất thời gian vào những điều bất khả thi chẳng hạn như yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính phủ.
“Bằng cách hợp tác với các đồng minh đáng tin cậy và cho Bắc Kinh thấy rằng thay đổi sẽ có lợi cho Trung Quốc và không thay đổi sẽ gây hại cho Trung Quốc, lãnh đạo Mỹ có thể khiến Bắc Kinh chấp thuận với các điều khoản của mình”, ông Clayton Dube nói.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính quyền Biden sẽ ngay lập tức tham gia CTTPP nếu đắc cử. Trong quá trình tranh cử, ông Biden hầu như không đề cập đến TPP, hiệp định vốn cựu Tổng thống Obama thúc đẩy. Thay vào đó, ông vị cựu Phó Tổng thống Mỹ cho rằng Washington cần đầu tư nhiều hơn ở trong nước trước khi thực hiện các thỏa thuận thương mại lớn.
Trong khi đó, bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á thì cho rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ phải xây dựng lại niềm tin tại châu Á, đồng thời hợp tác với các đồng minh đáng tin cậy trong CTTPP để giải quyết lỗ hổng trong chính sách của người tiền nhiệm.