Những lá phiếu của người Mỹ gốc Á đóng vai trò như thế nào trong việc xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? (Nguồn: Los Angeles Times) |
Người Mỹ gốc Á là nhóm dân số tăng nhanh nhất ở Mỹ và chiếm 4% tổng số cử tri của nước này. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, hiện có khoảng hơn 20 triệu người gốc Á sống ở Mỹ. Các cử tri gốc Á có thể tạo ra những đột phá lớn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, đặc biệt là ở các bang “chiến địa”.
Đa số cử tri châu Á có khả năng bỏ phiếu cho ông Joe Biden
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi APIAVote (Cộng đồng người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình Dương) với hơn 1500 người Mỹ gốc Á, hơn một nửa nói rằng họ đang bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và gần một phần ba cử tri châu Á đang bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa. Trong khi đó, 15% cử tri châu Á chưa quyết định.
Nhưng các cử tri gốc Á không phải lúc nào cũng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, họ cũng từng yêu thích đảng Cộng hòa hơn. Trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, người Mỹ gốc Á chủ yếu bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Theo các cuộc khảo sát, hồi năm 1992, 6/10 người Mỹ gốc Á đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Hai thập kỷ sau, 7/10 người Mỹ gốc Á lại lựa chọn ứng cử viên đảng Dân chủ. Đây là sự “đảo chiều” số phiếu lớn nhất so với bất kỳ cộng đồng nào khác.
Người sáng lập AAPI Data, Karthick Ramakrishnan, cho rằng nguyên nhân của sự thay đổi này là do sự gia tăng luận điệu chống người nhập cư và chủ nghĩa bảo thủ trong đảng Cộng hòa. Trong khi đó, vào những năm 1990, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã xây dựng nên một hình ảnh ủng hộ doanh nghiệp cho đảng Dân chủ khiến đảng này thu hút nhiều doanh nhân Mỹ gốc Á.
Đặc biệt, các chính sách về việc làm, chăm sóc sức khỏe và phân biệt chủng tộc là "cực kỳ quan trọng" đối với nhiều người Mỹ gốc Á. Còn các vấn đề khác như an ninh quốc gia và kiểm soát súng đạn thì không phải mối quan tâm của họ.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tập trung sự chú ý của cử tri người Mỹ gốc Á đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và việc làm. Đồng thời, các cuộc biểu tình Black Lives Matter gần đây cũng đã khuấy động sự tranh luận trong cộng đồng người Mỹ gốc Á về phân biệt chủng tộc và kỳ thị. Đa số các cử tri gốc Á có xu hướng đồng tình với đảng Dân chủ về các vấn đề quan trọng.
Quan điểm không đồng đều trong các nhóm người châu Á. (Nguồn:The Straits Times) |
Quan điểm không đồng đều trong các nhóm người châu Á
Trong số các cử tri Mỹ gốc Á, nhóm người Mỹ gốc Ấn có sự ủng hộ cựu Phó tổng thống Biden cao nhất, 2/3 trong số họ có khả năng bỏ phiếu cho ông Biden. Mặt khác, chỉ hơn 1/3 người Mỹ gốc Việt thích ông Biden hơn ông Trump.
Nhà nghiên cứu Đỗ Nguyên Mai của AAPI Data nhận xét rằng sự yêu thích đối với ông Trump trong cộng đồng Việt Nam có sự khác biệt giữa các thế hệ. Theo bà Mai, những người lớn tuổi có khả năng bỏ phiếu cho Tổng thống Trump hơn vì lo ngại về mối liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
Trong khi những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nhận thức được những tổn thương của gia đình họ do chiến tranh và tái định cư, họ trở thành những nhà hoạt động về các vấn đề như mất an ninh việc làm, chênh lệch trình độ học vấn và nhập cư. Bởi lẽ đó, những người Mỹ gốc Việt trẻ này lại lựa chọn ủng hộ ông Biden.
Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, sự thay đổi này thể hiện rõ ràng ở quận Cam thuộc bang California, nơi gần 7% dân số là người Mỹ gốc Việt. Năm 2004, các khu vực bầu cử nơi người Mỹ gốc Việt chiếm ít nhất 1/5 dân số đã bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, vào năm 2016, các khu vực này chuyển sang bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là Hillary Clinton. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1936, một ứng cử viên đảng Dân chủ đã giành chiến thắng tại quận Cam.
Người Mỹ gốc Việt đã giúp Quận Cam bang California chuyển sang màu xanh lam vào năm 2016. (Nguồn: The Straits Times) |
Nhiều cử tri người Mỹ gốc Ấn đóng vai trò quan trọng ở một số bang “chiến địa” như Texas, Michigan hay Pennsylvania, nơi khả năng chiến thắng sít sao giữa hai đảng.V
Người Mỹ gốc Ấn có khuynh hướng ủng hộ đảng Dân chủ và sức ảnh hưởng của nhóm này cũng ngày càng lớn mạnh. Từ năm 2000 đến năm 2018, dân số người gốc Ấn tại Mỹ đã tăng gần 150%. Đây cũng là nhóm người có thu nhập cao nhất trong cả nước.
Sự ưa thích của nhóm người gốc Ấn đối với đảng Dân chủ đã từng giúp quận Fort Bend ở bang Texas, nơi có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, chuyển sang màu xanh lam vào năm 2016. Tại quận Fort Bend, người Mỹ gốc Á chiếm 20% dân số, trong đó chủ yếu là người Mỹ gốc Ấn và người Mỹ gốc Hoa.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 và 2016, các khu vực nơi người Mỹ gốc Á chiếm một phần không nhỏ dân số cũng chuyển phiếu bầu của họ từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút và hai ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ sít sao. (Nguồn: IN) |
Sự hào hứng của các cử tri châu Á trong cuộc bầu cử năm nay
Khi được hỏi so sánh với các cuộc bầu cử trước, 54% cử tri châu Á cho biết họ hào hứng hơn với cuộc bầu cử năm nay.
Những thành tích gần đây về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu của người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 và sự gia tăng kỷ lục của số cử tri gốc Á mới trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cử tri gốc Á tham dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Thêm vào đó, việc nữ nghị sĩ Kamala Harris của bang California, một người gốc Ấn Độ, là đối tác tranh cử của ông Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, có thể là một yếu tố thúc đẩy nhiều người Mỹ gốc Á bỏ phiếu cho ông Biden hơn.
Sự nhiệt tình tham gia bỏ phiếu của các cử tri châu Á có thể sẽ là nhân tố quyết định kết quả cuộc bầu cử, đặc biệt là ở các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania, Florida và Wisconsin, nơi mà chỉ một sự thay đổi nhỏ về số cử tri đi bỏ phiếu cũng có thể đem lại kết quả đáng kể.
Khi mà cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút và hai ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ sít sao, những lá phiếu của người Mỹ gốc Á có thể tạo ra đột phá lớn.
| Tổng thư ký LHQ gửi điện thăm hỏi về tình hình lũ lụt miền Trung TGVN. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) António Guterres đã gửi điện thăm hỏi tới nhân dân miền Trung Việt Nam vừa bị ... |
| Tiếp tục đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn TGVN. Ngày 29/10, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và hãng Hàng không Quốc gia Việt ... |
| Trung Quốc cấm cửa than Australia, than Mông Cổ lập tức 'chiếm sóng' TGVN. Lệnh cấm nhập khẩu đối với than Australia của Trung Quốc đã làm gia tăng nhập khẩu than từ Mông Cổ. |