📞

Bầu cử tổng thống Pháp: Câu chuyện không chỉ là tìm chủ nhân Điện Élysée

Vy Anh 13:30 | 19/04/2022
Thủ đô nước Pháp ở cách xa miền Đông Ukraine, song những gì xảy ra tại các điểm bầu cử ở Pháp trong tháng này có thể làm ảnh hưởng đến cục diện của xung đột ở quốc gia Đông Âu.
Hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP)

Ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen thuộc phe cực hữu có mối quan hệ thân thiết với Nga, muốn làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này có thể sẽ góp phần làm suy giảm các nỗ lực của phương Tây nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Bà Le Pen đang nỗ lực thế chỗ Tổng thống ôn hòa Emmanuel Macron, người dẫn trước với tỷ lệ chênh lệch sít sao trong các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm vòng đối đầu của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 24/4 tới.

Vậy cuộc bầu cử ở Pháp có thể làm ảnh hưởng đến cuộc xung đột Nga-Ukraine như thế nào?

Viện trợ quân sự cho Ukraine

Những tuần gần đây, chính phủ của ông Macron đã gửi lượng vũ khí trị giá 100 triệu Euro cho Ukraine, đồng thời tuyên bố ngày 13/4 rằng, Pháp sẽ tiếp tục gửi thêm vũ khí trong khuôn khổ một nỗ lực viện trợ quân sự của phương Tây.

Kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Pháp là một nguồn viện trợ quân sự lớn cho Ukraine.

Trong khi đó, ngày 13/4, bà Le Pen bày tỏ sự dè dặt về việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.

Bà cho biết, nếu trở thành tổng thống, bà sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ quốc phòng và tình báo (cho Ukraine), nhưng sẽ “thận trọng” với việc gửi vũ khí bởi theo bà, động thái này có thể kéo các quốc gia khác vào cuộc xung đột với Nga.

Nới lỏng các biện pháp trừng phạt

Chiến dịch tranh cử của bà Le Pen đã thành công trong việc khai thác tâm lý thất vọng của cử tri đối với tình trạng lạm phát.

Vấn đề này đang ngày càng trầm trọng hơn do hệ quả từ quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và những lệnh trừng phạt chống lại Moscow - nhà cung ứng khí đốt quan trọng, đối tác thương mại lớn của Pháp và châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự đồng lòng hiếm hoi khi nhất trí áp đặt 5 vòng trừng phạt nghiêm khắc chưa từng có với Nga. Nếu trở thành tổng thống, bà Le Pen có thể sẽ nỗ lực cản trở hoặc hạn chế EU áp đặt thêm các lệnh trừng phạt do các hành động này đòi hỏi sự ủng hộ tuyệt đối từ tất cả 27 thành viên của khối.

Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai và là nhân tố chủ chốt trong quá trình hoạch định chính sách của EU, đồng thời hiện là Chủ tịch luân phiên của liên minh.

Vì vậy, nhà lãnh đạo tiếp theo của Pháp sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong việc đưa ra quyết định về vấn đề này.

Bà Le Pen đặc biệt phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trước đây, bà cũng từng tuyên bố sẽ nỗ lực để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga vì đã sáp nhập Crimea, đồng thời công nhận Crimea là một phần của Nga.

"Lấy lòng" Tổng thống Putin

Thời gian đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ông Macron đã nỗ lực xích lại gần người đồng cấp Nga Putin khi mời nhà lãnh đạo này đến Versailles và một khu nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải. Ông Macron mong muốn đưa các chính sách của Nga quay trở lại "đồng điệu hơn" với phương Tây.

Tổng thống Pháp còn tìm cách khôi phục các cuộc đối thoại hòa bình giữa Moscow và Kiev liên quan đến cuộc xung đột dai dẳng về vấn đề ly khai ở miền Đông Ukraine.

Vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), ông Macron đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Điện Kremlin và vẫn tiếp tục đối thoại với nhà lãnh đạo Nga trong suốt quá trình xảy ra chiến sự. Nhưng đồng thời, ông Macron cũng ủng hộ hàng loạt vòng trừng phạt của EU.

Trong khi đó, đảng của bà Le Pen có mối quan hệ thân thiết với Nga.

Trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2017, bà cũng đã gặp gỡ ông Putin và trong quá khứ cũng từng ca ngợi ông.

Bà được chào đón trong các sự kiện của Đại sứ quán Nga tại Paris, và đảng của bà đang có một khoản vay trị giá 9 triệu Euro từ ngân hàng Nga-Czech do bà nói rằng các ngân hàng Pháp từ chối cho đảng của bà vay tiền.

Mặc dù khẳng định xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi phần nào suy nghĩ của mình về ông Putin, nhưng ngày 13/4, bà Le Pen nói rằng, phương Tây cũng nên khôi phục quan hệ với Nga khi cuộc xung đột chấm dứt.

Bà đề xuất “thiết lập lại quan hệ một cách chiến lược” giữa NATO và Nga để ngăn Moscow trở nên quá thân thiết với Bắc Kinh.

Nguy cơ NATO và EU suy yếu

Trong khi ông Macron là một nhân vật kiên định ủng hộ EU và mới đây đã đẩy mạnh sự tham gia của Pháp trong các chiến dịch của NATO ở phía Đông châu Âu, thì bà Le Pen cho rằng Pháp nên giữ khoảng cách với các liên minh quốc tế và đi theo con đường riêng của mình.

Ứng viên đảng cực hữu ủng hộ việc rút Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của NATO.

Pháp đã từng rút khỏi cấu trúc chỉ huy của NATO năm 1966, khi Tổng thống thời đó là ông Charles de Gaulle muốn đất nước giữ khoảng cách với tổ chức do Mỹ chi phối này. Sau đó, vào năm 2009, dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, Paris đã tái hòa nhập với NATO.

Nếu được lựa chọn, bà Le Pen sẽ giảm chi tiêu của Pháp dành cho EU và nỗ lực làm suy yếu sức ảnh hưởng của khối bằng cách chia rẽ khối này từ bên trong, đồng thời không công nhận rằng luật châu Âu được ưu tiên hơn luật quốc gia.

(theo AFP)