Tiếp tục thực hiện Kế hoạch đào tạo năm 2018, trong khuôn khổ Đề án bồi dưỡng công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016-2021, Cục Ngoại vụ và Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia (BPDQG) chủ trì, phối hợp với các Vụ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Học viện Ngoại giao và một số đơn vị, cá nhân liên quan, tổ chức Khóa bồi dưỡng kỹ năng biên phiên dịch 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Lào, và Khmer cho cán bộ, công chức cơ quan ngoại vụ và các sở, ban, ngành khác của các địa phương trong cả nước.
Khóa Bồi dưỡng được tổ chức tại Học viện Ngoại giao từ ngày 11/6 - 6/7/2018.
Ông Nguyễn Thành Huy, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (trái) và ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung Tâm BPDQG phát biểu tại buổi bế giảng khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Rèn kỹ năng về biên phiên dịch đối ngoại
Toàn bộ thời lượng khoá học là 40 buổi (trong vòng 20 ngày) và tập trung vào luyện các kỹ năng chủ chốt trong biên phiên dịch đối ngoại như, dịch nối tiếp, dịch tiếp cận, dịch thầm; dịch có ghi và không ghi; và chuẩn bị sơ phiên dịch.
Các học viên đã thực hành 4 chủ điểm: Dịch Hội đàm tiếp xúc; Dịch Họp báo; Dịch Chiêu đãi; và Hội thảo mẫu. Mỗi tuần học, cùng sự hỗ trợ của giáo viên (GV) các học viên (HV) hoàn thành một Danh mục tài liệu ứng với Chủ điểm của tuần đó.
Cuối tuần thứ 3, HV hoàn thiện Bộ Hồ sơ Phiên dich phục vụ thi Hội thảo mẫu ở tuần thứ 4. Chủ đề Hội thảo mẫu đã được lựa chọn ngay trong tuần thứ 1 và kịch bản được hoàn thiện dần trong các tuần học tiếp theo. Hội thảo mẫu được thực hiện giống như một cuộc đi dịch trong thực tế, nhằm giúp HV có được trải nghiệm chân thực nhất.
Qua 4 tuần học, ngoài những kỹ năng cơ bản về phiên dịch, học viên có điều kiện tăng cường kỹ năng tóm tắt, kỹ năng soạn thảo tài liệu phục vụ lãnh đạo tiếp khách quốc tế, kỹ năng biên dịch (qua các bài tập về nhà có sự hỗ trợ của GV) và nâng cao kỹ năng tiếng nền (đọc, viết, nghe, nói).
Toàn cảnh Lễ bế giảng khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Mặc dù, thời lượng khóa học vẫn được giữ nguyên trong 04 tuần, như những năm trước. Nhưng nội dung giáo trình đã được cập nhật, bổ sung so với năm 2017, cho phù hợp hơn với thực tế.
Giảng viên đều là các cán bộ biên phiên dịch đã có nhiều kinh nghiệm và đang công tác tại các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, như Trung tâm BPD, Vụ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Học viên Ngoại Giao. Ngoài ra, khóa học đã mời thêm một số biên phiên dịch viên nhiều kinh nghiệm tiếng Khmer, tiếng Lào và sự tham gia thỉnh giảng của các cán bộ công tác tại các Vụ Khu vực, có kinh nghiệm về nghiên cứu và xây dựng tài liệu phục vụ lãnh đạo cấp cao.
Hiệu quả thực tế
Tại buổi Bế giảng khóa học, Giám đốc Trung Tâm BPDQG, thầy Phạm Bình Đàm cho biết, khóa học đã đảm bảo được tiêu chí trên 70% thực hành đặt ra đối với chương trình. Trên thực tế, trong 40 buổi đã có 30 buổi thực hành, chiếm tỷ lệ 75%.
Tỷ lệ thực hành này được duy trì từ 4 năm trở lại đây. Đây là sự điều chỉnh có hiệu quả, duy trì được chất lượng học, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho học viên tham gia lớp.
Trong Khóa học năm nay, hoạt động kiến tập được chú trọng từ nội dung đến hình thức. Tổng cộng có 3 buổi kiến tập - tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Văn hóa tiếng Pháp l’Escape và Bảo tàng Dân tộc học. Qua những buổi kiến tập này, học viên được trải nghiệm môi trường phiên dịch trong không gian văn hóa, được thực hành một số kỹ năng của phiên dịch tháp tùng và tìm hiểu những thông tin văn hóa bổ ích.
Các học viên lên nhận Chứng chỉ của khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Giáo trình được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí học/luyện biên phiên dịch quốc tế hiện đại (tiêu chuẩn châu Âu) và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và nhu cầu của học viên, do vậy đã phát huy hiệu quả tốt, đưa ra phương hướng tiếp tục nâng cao kỹ năng biên phiên dịch cho học viên.
Ngoài các giáo trình cố định, mỗi giảng viên lên lớp đều chuẩn bị Giáo trình bài bản (theo mẫu Giáo án của Chương trình Đào tạo Giảng viên quốc tế) - thể hiện cụ thể nội dung lên lớp, các nguồn tài liệu sử dụng, các kỹ năng phiên dịch cho từng buổi học và bài thực hành cho HV.
Kết thúc khóa học, các học viên đều có phản hồi tốt và đánh giá khóa học đã đáp ứng mong muốn và có hiệu quả đối với công tác của người học. Học viên Vũ Thị Lan Phương đến từ Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết: “Nghề biên phiên dịch vừa là thử thách và cũng là cơ hội để những học viên chúng tôi phải trau dồi hơn nữa. Điều tôi và các bạn học viên ở đây đã học được rất hữu ích cho chúng tôi trong việc đón tiếp các đoàn khách ngoại giao đến làm việc với địa phương – nơi chúng tôi đang công tác.
Các giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm sau Lễ bế giảng khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu) |
"Khóa học là cơ hội tốt để bổ sung, trao dồi và hiểu biết thêm các kỹ năng cần thiết của người phiên dịch. Các thầy, cô giáo - những chuyên gia hàng đầu trong nghề biên phiên dịch - đã rất tận tình chỉ bảo học viên bằng những kinh nghiệm, những kiến thức thực tế”, chị Phương cho biết.
Kết quả kiểm tra đầu ra cho thấy toàn bộ học viên đều hoàn thành tốt khóa học, trong đó có 27% đạt chứng chỉ xuất sắc.