Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. (Ảnh: TG&VN/Đức Khải) |
Kết thúc hai ngày thảo luận, hội nghị đã nhất trí thông qua Văn kiện cuối cùng phản ánh quan điểm và những định hướng lớn của Phong trào Không liên kết trên các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền con người, các vấn đề quốc tế và khu vực. Theo Văn kiện, tình hình thế giới hiện nay đặt ra nhiều thách thức lớn về hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Trong bối cảnh đó, Phong trào Không liên kết khẳng định tiếp tục kiên định các Nguyên tắc sáng lập của Phong trào và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Văn kiện khẳng định trong hơn 50 năm qua, Phong trào Không liên kết đã đóng vai trò then chốt trên các vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với các nước thành viên như xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải trừ quân bị. Phát huy truyền thống đó, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là tăng cường vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và tôn trọng pháp quyền trong đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, Văn kiện đề cao chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp, hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức tổ chức Cuộc họp cấp cao về Tôn trọng pháp quyền (9/2012) và Phiên họp kỷ niệm 30 năm Công ước Luật biển Liên hợp quốc (12/2012).
Để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và các lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển, Văn kiện kêu gọi tiến hành cải tổ cơ bản và toàn diện hệ thống các cấu trúc ra quyết định ở cấp độ toàn cầu theo hướng dân chủ, minh bạch, công bằng hơn và có sự tham gia nhiều hơn của các nước đang phát triển. Theo đó, Phong trào Không liên kết cần tập trung nỗ lực đẩy mạnh cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an và các cơ chế nhân quyền, cũng như các định chế Bretton-Woods.
Bên cạnh đó, Văn kiện đề cập tình hình tại các khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á. Nội dung phần Đông Nam Á được cập nhật trên cơ sở Văn kiện Hội nghị Cấp cao 15 (2009), nêu những diễn biến mới ở khu vực, hoan nghênh việc thông qua Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Bali, 2011), đồng thời khẳng định lại lập trường của Phong trào về giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm thực hiện hiệu quả DOC như một bước quan trọng tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đức Khải (từ Iran)