Ông muốn chứng minh là chỉ có Chúa mới có chân lý, còn chân lý con người thay đổi theo từng địa phương. Câu nói của ông cũng có thể hiểu rộng ra là: phong tục tập quán thay đổi theo địa phương, nơi này cho là hay, nơi khác cho là dở. Mà hiểu như vậy thì quả là đúng, vì các nền văn hóa khác nhau tạo ra những ứng xử và giá trị khác nhau. Ta ăn mắm tôm, thịt chó, nhưng nông dân của ta nói chung không chịu được mùi pho mát, bơ; người phương Tây thì phản ứng ngược lại. Cái gì đó không quen thì cho là lạ, khó chấp nhận.
Tôi nghĩ đến điều này vì đã từng đọc ở báo nước Anh về một số đàn ông đòi quyền tự do trần truồng tại các nơi công cộng. Ông V.Bethel, 28 tuổi, cựu sinh viên nghệ thuật đang thất nghiệp, cùng 7 người bạn Anh đã cởi truồng biểu tình ngoài phố London để đòi quyền ấy. Một giờ sau, cảnh sát mới quyết định bắt hai người trong bọn họ.
Lễ hội chạy khỏa thân ở Đan Mạch. (Ảnh: Getty images)) |
Ông Bethel là một người nghiêm túc và lịch sự, vậy mà, ông gây phong trào đòi pháp luật phải công nhận quyền tự do ở truồng nơi công cộng. Ông đã từng cởi quần áo trước chỉ huy Sở cảnh sát London, dạo chơi trần truồng ở khu buôn bán, ở truồng trèo lên cột điện trước Tòa án khiến cho xe cộ bị nghẽn do đám đông tò mò tụ lại, bỏ hết quần áo trong phiên tòa xử. Ông tuyên bố sẵn sàng ở tù suốt đời vì “đây không phải là vấn đề tình dục, mà chỉ là vấn đề đối với một nhân quyền cơ bản”.
Hồi đó, công chúng Anh dửng dưng, tò mò mà không lên án. Có lần, có đám người ủng hộ công khai, sẵn sàng lột hết áo quần. Không ai cho là chướng mắt, trừ một số phụ nữ đạo Hồi có mạng che mặt sợ quá chạy tán loạn. Một người Ấn Độ bình luận: “Người Anh quả thật có trình độ giải phóng cao”. Một bà người Urugoay vừa đi vừa ăn xúc xích và nói: “Tôi thấy chuyện cũng thường thôi mà”. Còn một bà người Anh, cũng 60 tuổi nhận xét: “Tôi không cho việc đàn ông cởi truồng là hay, vì khi họ mặc quần áo thì trông họ đẹp hơn”.
Thế còn phụ nữ thì sao? Ở bãi tắm, ngoài chiếc áo tắm bikini gần như khỏa thân, tôi còn gặp ở Nice (Pháp) và Hawai (Mỹ) những phụ nữ chỉ mặc một mảnh slip mà để ngực trần.
Nam nữ được pháp luật cho phép trần truồng ở một số nơi qui định (đảo riêng, làng riêng, bãi tắm riêng, câu lạc bộ, trung tâm...) là những người theo phong trào bồi dưỡng sức khỏe của “chủ nghĩa thiên nhiên”, “chủ nghĩa khỏa thân” (nudism). Phong trào này chủ trương sống ở ngoài trời, không quần áo, vận động, thể dục, mát xa.
“Liên đoàn thiên nhiên chủ nghĩa quốc tế” được thành lập năm 1953. Vào đầu những năm 2000, ở Pháp có chừng 5 triệu người từ trước đến nay từng theo phong trào này tập hợp trong khoảng 200 hội và phân hội và 78 trung tâm nghỉ ngơi. Có những đợt tổ chức theo mùa, mỗi năm có tới 50 vạn người không phải là hội viên các hội chính thức tham gia: 80% trong số đó là các gia đình, gồm bố mẹ và con dưới 15 tuổi, tất cả sống trần truồng ở ngoài trời trong một thời gian tùy họ chọn.
Quả thật tập quán còn xa lạ với chúng ta, ít nhiều còn nhuốm màu Khổng học, mà kinh tế ta còn thấp. Đây là chuyện “bên kia dãy núi Pyrenees”.