Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tiếp Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 6/4/2021. (Nguồn: UBND tỉnh Bến Tre) |
Lợi thế đặc biệt
Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,18 %/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tối đa lợi thế kinh tế vườn và kinh tế biển.
Hiện Chính phủ đang triển khai đề án xây dựng tuyến giao thông ven biển từ TP. Hồ Chí Minh, đi qua Bến Tre và kết nối với Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong tương lai, Bến Tre sẽ nằm trên trục kết nối các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL.
So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào và đa dạng với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng và có thương hiệu trong và ngoài nước như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm… Đặc biệt, tỉnh có diện tích hơn 70.000 ha dừa, chiếm hơn 1/3 diện tích dừa cả nước, với sản lượng khoảng 550 triệu trái, là nguồn nguyên liệu đầu vào đa dạng cho ngành công nghiệp chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa.
Cây dừa có vai trò rất lớn trong đời sống cộng đồng người dân Bến Tre, được tỉnh xác định là “cây của sự sống”, cây chiến lược công - nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2021 đạt gần 400 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện sản phẩm dừa Bến Tre được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Anne Paul tham dự Lễ khởi công xây dựng khu phức hợp đa năng của Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre, ngày 4/3/2021. (Nguồn: UBND tỉnh Bến Tre) |
Ngoài ra, tỉnh cũng hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đặc sản đạt chứng nhận GLOBAL GAP, VIETGAP, trong đó Sầu riêng Cái Mơn cơm vàng hạt lép là thương hiệu từ lâu đã được công nhận.
Về thủy sản, ngoài 65 km bờ biển, Bến Tre có hơn 47.000 ha diện tích nuôi, trồng, với sản lượng đạt gần 540 ngàn tấn mỗi năm, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thủy sản xuất khẩu. Tỉnh đang tích cực triển khai phát triển sản phẩm thủy sản nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.
Với bốn con sông lớn chảy ra Biển Đông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, tỉnh có lợi thế rất lớn trong giao thông thủy. Thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Bến Tre đi các cảng lớn ở Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh chỉ mất năm giờ. Với tiềm năng sẵn có, tỉnh sẽ xây dựng cảng biển nước sâu để trở thành trung tâm vận tải biển - logistics mới của khu vực.
Song song đó, Bến Tre kết hợp phát triển du lịch biển khi kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch tại các vùng có tiềm năng ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại. Tỉnh đang xây dựng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu du lịch, ẩm thực… gắn với cây dừa. Đây được xem là giá trị nổi bật, khác biệt để xây dựng thương hiệu Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.
Tỉnh cũng có nhiều tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió, mặt trời đã và đang thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Theo quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2030, tiềm năng phát triển điện gió của Bến Tre được nghiên cứu ở vùng đất liền và bãi bồi ven biển, vị trí cách bờ xa nhất là 12km, tiềm năng nghiên cứu quy hoạch của Bến Tre diện tích gần 40.000ha, quy mô công suất 1.520MW.
Đến nay, tỉnh có 19/45 dự án đã được bổ sung vào quy hoạch. Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có ít nhất 1.500 MW điện gió được đưa vào khai thác; chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án điện khí tại tỉnh.
Với dân số gần 1,3 triệu người, hơn 70% trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, Bến Tre hiện có ba trường cao đẳng và trung cấp cùng nhiều cơ sở dạy nghề quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre, sắp tới cũng sẽ nâng cấp thành trường Đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đây là những thuận lợi để Bến Tre cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trung tâm thương mại, đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân cư. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới đã được cấp phép và đang được triển khai. Với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến phát triển mới ít nhất 500 ha các dự án khu đô thị mới tại TP. Bến Tre và các huyện.
Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tiếp Đoàn Đại sứ Tây Ban Nha. (Nguồn: UBND tỉnh Bến Tre) |
Cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của các tỉnh duyên hải phía Đông của khu vực Tây Nam Bộ, Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thể hiện qua cam kết đồng hành mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Bến Tre nhiều năm liền đứng trong top đầu cả nước, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Ngoài ra, khi đến Bến Tre, nhà đầu tư an tâm sống và kinh doanh trong môi trường an ninh trật tự (năm 2019, tỉnh có điểm số về chi phí thời gian và an ninh trật tự cao nhất các tỉnh ĐBSCL).
Các chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh xây dựng theo hướng ưu đãi cao nhất, đặc biệt, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ duy nhất một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp để được hỗ trợ.
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc xúc tiến, triển khai các dự án trên địa bàn. Bến Tre phấn đấu trở thành tỉnh khá cả nước (top 30); Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực, tập trung xây dựng nhân lực khoa học công nghệ, chuyển đổi; Đầu tư phát triển hạ tầng, logistics, các tuyến động lực ven biển nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư.
Các lĩnh vực tỉnh mong muốn kêu gọi đầu tư gồm: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch; du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch gắn với chăm sóc y tế; phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa, trái cây, nông - thủy sản xuất khẩu và các lĩnh vực khác gồm: đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư, chỉnh trang và nâng cấp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư trường học, bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao.
Đặc biệt ngay trong năm 2022, tỉnh sẽ có khoảng 230 ha đất sạch để kêu gọi nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Thuận. Hiện địa phương đang khẩn trương công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Đứng trước thời cơ và thách thức mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sáng tạo, phát triển đột phá công nghệ kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy sự phát triển về kinh tế và xã hội của tỉnh. Đây là một lĩnh vực mới hoàn toàn mới mà tỉnh đang thu hút các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.
| Covid-19: Cả nước đã tiêm hơn 77,4 triệu liều vaccine; Bến Tre tìm người liên quan đến đám tang Đến 13h ngày 28/10 cả nước đã tiêm 77.431.159 liều vaccine phòng Covid-19; Bến Tre tìm người liên quan đến đám tang ở xã Bình ... |
| Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19, đến 12h trưa ngày 26/10, cả nước đã tiêm 75.250.990 liều vaccine phòng Covid-19. |
| Đã phân bổ hơn 95,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19; các ca mắc mới tại Bến Tre và Quảng Ngãi Đến ngày 18/10, Bộ Y tế đã phân bổ 69 đợt vaccine với tổng số 95.254.726 liều vaccine phòng Covid-19. Cả nước đã tiêm trên ... |