📞

Bệnh nhân thứ 59 cho xét nghiệm âm tính vào thời điểm ủ bệnh

14:27 | 17/03/2020
TGVN. Nữ tiếp viên có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nhưng sau 8 ngày thì bị sốt, ho, xét nghiệm lại dương tính. Theo chuyên gia thời điểm xét nghiệm trước đó bệnh nhân ở vào giai đoạn ủ bệnh. 
Nhân viên y tế xịt khử trùng trên máy bay của Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài, Hà Nội. (Nguồn: Vietnam Airlines)

Tối ngày 16/3, Bộ Y tế công bố ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong đó có một trường hợp là nữ tiếp viên trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài ngày 2/3 (đã ghi nhận 14 ca dương tính trước đó).

Trường hợp trên có xét nghiệm âm tính lần 1 vào ngày 7/3. Sau đó bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm. Tại đây, bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt nên được chuyển lại về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 14/3. Ngày 15/3 lại cho kết quả dương tính.

Như vậy sau 8 ngày có xét nghiệm âm tính, bệnh nhân lại cho kết quả dương tính. Quận Long Biên đã phối hợp với các đơn vị đã rà soát lại toàn bộ các trường hợp trước đây cho là F2 giờ chuyển lên F1.

Lý giải điều này, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu. Mỗi loại xét nghiệm có ngưỡng phát hiện nhất định. Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm Covid-19 hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Realtime PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao.

“Trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường. Vì thời điểm lấy mẫu, bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh, chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm”, PGS Mai nói.

Cũng theo chuyên gia, vì được quản lý tốt nên bệnh nhân mới được xét nghiệm nhiều lần. Việc cho kết quả dương tính lần này đã khẳng định việc cách ly 14 ngày là hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết thêm, bệnh nhân xét nghiệm âm tính tức là trong dịch họng không tìm thấy virus. Tại thời điểm đó không lây cho người khác. Nhưng nếu trong thời kỳ ủ bệnh thì sau vài ngày bệnh nhân phát bệnh và lại trở thành dương tính. Khi đó sẽ có khả năng lây cho người khác

Vì thế, trong trường hợp F1 (những người tiếp xúc gần với bệnh nhân F0) âm tính vẫn cần cách ly tập trung vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành dương tính.

“Cần y tế theo dõi sát và phát hiện kịp thời những trường hợp F1. Với các trường hợp F2 (những người tiếp xúc gần với F1) thì hạn chế đi xa vì bất cứ lúc nào F1 thành F0 thì F2 lại thành F1 và phòng khi F1 triệu chứng không rõ (khoảng 40%) tức là họ đã là F0 mà không biết”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Đến sáng ngày 17/3, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 61 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong số này 16 trường hợp đã điều trị khỏi ra viện. 45 ca mới phát hiện từ ngày 6/3 đến nay và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 18 người nước ngoài, 27 người Việt.

(theo Dân trí)