TIN LIÊN QUAN | |
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 thúc đẩy ủng hộ toàn cầu hóa | |
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017: Nhiều thách thức, một lựa chọn |
Toàn cầu hóa, Tăng trưởng, Cải cách và Kinh tế mới
Tổ chức ở Hải Nam, Trung Quốc, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 là một trong những sân đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi, nhằm làm rõ, nhìn thẳng vào vấn đề toàn cầu hóa, đồng thời kêu gọi cho tiến trình toàn cầu hóa mang tính bao dung hơn.
Với chủ đề “Tương lai của toàn cầu hóa và thương mại tự do”, BFA 2017 xoay quanh 4 chủ đề chính gồm: Toàn cầu hóa (tập trung vào “Một vành đai, một con đường”, hợp tác khu vực châu Á, vòng đàm phán Doha, xây dựng lại chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương); Tăng trưởng (giới hạn của chính sách tiền tệ, đầu tư xuyên biên giới, tinh thần người thợ, phục hồi đầu tư nhân dân…); Cải cách (cải cách kết cấu cung cầu, cải cách thị trường lao động, cải cách y tế, cải cách cơ chế đất đai, cải cách thương mại, cách mạng công nghiệp lần 4…); Kinh tế mới (thiết kế công nghiệp, kinh tế chia sẻ, sáng tạo thung lũng Silicon, khởi nghiệp và nguồn vốn, khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính…).
Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng. (Nguồn: BFA) |
4 chủ đề chính của BFA 2017 đã thể hiện rõ nhận thức của các nhà lãnh đạo châu Á trong bối cảnh đàm phán về thương mại toàn cầu bị đình trệ, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt từ các nước phát triển ngày một gia tăng. Cùng với đó, chủ nghĩa dân túy, quay lưng với liên kết khu vực và hợp tác kinh tế có xu hướng trở thành một trào lưu ở châu Âu và Mỹ. Do vậy, thông qua BFA 2017, Trung Quốc thể hiện mong muốn giữ vai trò tiên phong trong tiến trình thúc đẩy hợp tác toàn cầu và thương mại tự do.
Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng cho rằng, toàn cầu hóa kinh tế là yêu cầu khách quan của phát triển sức sản xuất xã hội và là kết quả tất yếu của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh tiến trình xóa đói giảm nghèo và việc chống lại xu thế này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của thế giới.
Tại diễn đàn, Chủ tịch BFA, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cho rằng, các quốc gia châu Á cần tăng cường đoàn kết nhằm đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa cũng như đạt được mục tiêu phát triển chung.
Chủ tịch Fukuda cho biết ông có thể hiểu được những lập luận chỉ trích toàn cầu hóa, song xét từ góc độ toàn cầu, toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích kinh tế cho rất nhiều người và điều đó cho thấy tiến trình này không phải là một điều xấu. Theo ông, vào thời điểm làn sóng chống lại toàn cầu hóa trên thế giới đang có xu hướng nổi lên, các nước châu Á nên đoàn kết cùng nhau.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần cho biết toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và những ý kiến trái chiều không thể đảo ngược tiến trình này. Chủ tịch AIIB khẳng định không có đối tượng bị thua thiệt trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Ông nhấn mạnh 57 thành viên sáng lập AIIB, cũng như của 13 thành viên mới và 15 thành viên khác đang hoàn tất tiến trình gia nhập, chia sẻ nhận thức chung rằng toàn cầu hóa là xu thế thời đại. Chủ tịch Kim Lập Quần cũng đề cập đến "tầm nhìn rộng lớn", theo đó, chú trọng tới các yếu tố kinh tế - xã hội toàn cầu trong thúc đẩy sự kết nối và thịnh vượng tại châu Á.
Toàn cảnh phiên khai mạc của BFA 2017. (Nguồn: BFA) |
Toàn cầu hóa kinh tế: Hướng đi không thể đảo ngược
Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã ra Tuyên bố BFA 2017 về thúc đẩy Toàn cầu hóa kinh tế. Theo đó, Diễn đàn đưa ra 6 đề xướng gồm:
Thứ nhất, Chính phủ các nước cần coi toàn cầu hóa kinh tế là lực lượng tích cực, cần thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác để cải cách và hoàn thiện trật tự kinh tế quốc tế cũng như hệ thống xử lý vấn đề toàn cầu dựa trên nguyên tắc bảo đảm công bằng về nghĩa vụ, quyền lợi và chủ quyền kinh tế. Chính phủ các nước cần cùng áp dụng chính sách tương ứng để bảo đảm gia tăng phạm vi lợi ích do toàn cầu hóa kinh tế mang lại.
Thứ hai, thương mại xuyên biên giới và tự do hóa đầu tư là động lực của sự phát triển bền vững của thế giới. Chính phủ các nước cần chung sức phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cùng kiên trì và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tự do hóa đầu tư thương mại, đồng thời không ngừng cải cách và hoàn thiện cơ chế đầu tư thương mại đa phương, nhằm bảo đảm sự thịnh vượng chung của toàn thế giới.
Thứ ba, các tổ chức quốc tế, khu vực như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) … cần chung tay giải quyết vấn đề phân tách hóa trong sắp xếp thương mại tự do, cần bàn thảo, xây dựng cơ chế thương mại song phương cũng như đa phương rộng mở, bao dung và công bằng, hợp lý hơn.
4 chủ đề chính của BFA 2017 đã thể hiện rõ nhận thức của các nhà lãnh đạo Châu Á trong bối cảnh đàm phán về thương mại toàn cầu bị đình trệ. (Nguồn: BFA) |
Thứ tư, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) bên cạnh việc tăng cường cải cách chính mình cần đẩy mạnh, hoàn thiện việc quản lý, giám sát tài chính, qua đó phát huy hết mức vai trò của việc luân chuyển nguồn vốn xuyên quốc gia đối với tăng trưởng kinh tế, nhằm phòng ngừa hiệu quả và giảm nhẹ tác động tiêu cực của dòng vốn lưu động kiếm lời và sự đầu cơ đối với các thực thể kinh tế.
Thứ năm, sáng tạo công nghệ và sự luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin có lợi cho việc rút ngắn khoảng cách Nam - Bắc (bán cầu), khoảng cách giàu - nghèo. Các nước cần triển khai một cách linh hoạt, đa dạng phương thức hợp tác công tư, qua đó tích cực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ, hỗ trợ tiến trình luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin, nhằm mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, khu vực, mọi tầng lớp, mọi nhóm đối tượng.
Thứ sáu, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng của toàn cầu hóa kinh tế, các tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương như Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), APEC, chính phủ các nước có liên quan, các tổ chức tư nhân có liên quan cần ủng hộ và tham gia xây dựng cơ chế hợp tác đa phương rộng mở, nhằm cùng thúc đẩy sự kết nối của hạ tầng giao thông, sự kết nối về mặt cơ chế cũng như sự kết nối về giao lưu dân gian.
Với việc đưa ra Tuyên bố BFA 2017 về thúc đẩy Toàn cầu hóa kinh tế, Diễn đàn đã khẳng định hướng đi không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, cũng như sự gắn kết giữa xu hướng này với tương lai phát triển và thịnh vượng của châu Á nói riêng, cũng như của thế giới nói chung.
Chủ tịch Diễn đàn Bác Ngao kêu gọi châu Á ủng hộ toàn cầu hóa Các quốc gia châu Á cần tăng cường đoàn kết nhằm đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa cũng như đạt được mục tiêu phát ... |
Diễn đàn Bác Ngao 2017: "Tương lai của toàn cầu hóa và thương mại tự do" Từ ngày 23 – 26/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2017 lần thứ 17 với chủ đề "Tương lai ... |
Toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội cho nữ doanh nhân Với chủ đề “Lãnh đạo không biên giới”, Diễn đàn nữ lãnh đạo quốc tế 2017 đã gợi mở, cung cấp thêm những kinh nghiệm ... |