Hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn có thể phải đối mặt với những rủi ro lớn do biến thể Omicron có khả năng lây truyền cực cao. (Nguồn; Reuters) |
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11 vừa qua với tên gọi khoa học B.1.1.529.
Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron là “một biến thể không quá nguy hiểm”, nhưng điều chắc chắn là Omicron sẽ lấn át biến thể Delta trong thời gian tới.
Omicron xuất phát từ đâu?
Cho đến giờ, nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn là một ẩn số.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học hướng đến giả thuyết rằng, các bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch có thể là môi trường thuận lợi để các đột biến sinh sôi và tạo ra một biến thể mới.
Từ nhiều tháng nay, giới chuyên gia đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa những người có hệ miễn dịch bị suy giảm (đang chờ ghép tạng, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV nhưng không được điều trị) với sự phát triển của các biến thể đáng lo nhất.
Nhà virus học Morgane Bomsel làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Viện Cochin ở Paris, nói: “Khi một bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, virus sẽ ở lại rất lâu trong cơ thể người đó, đôi khi là nhiều tháng, chứ không phải vài ngày như ở người bình thường. Hệ miễn dịch của người đó quá yếu và không thể thải virus”.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature Communications ngày 4/11 nêu trường hợp một người đàn ông 58 tuổi, bị bệnh thận phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đã bị mắc Covid-19 trong suốt 6 tháng.
Tháng 12/2020, nhiều bác sĩ Mỹ cũng ghi nhận một trường hợp tương tự: một bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch đã qua đời sau khi bị mắc Covid-19 suốt 154 ngày.
Theo giải thích của nhà virus học Morgane Bomsel, “trong suốt thời gian đó, virus có thể đã tích tụ thành hàng loạt đột biến và sinh ra một biến thể mới”.
Cũng như mọi virus khác, SARS-CoV-2 có khả năng tái tạo, nhưng đôi khi xảy ra lỗi trong quá trình này và người ta gọi đó là một “đột biến”.
Giáo sư virus học Vicent Maréchal làm việc tại trường Đại học Sorbonne, giải thích: “Ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, hệ miễn dịch không thắng được virus, nhưng sẽ vẫn chống virus”.
Trong cuộc chiến giữa virus và hệ miễn dịch, virus buộc phải tiến hóa và sẽ chỉ giữ lại những đột biến cho phép virus tiếp tục sản sinh và chống đỡ.
Do đó, sẽ chỉ còn những đột biến nguy hiểm nhất, có khả năng thoát được sức mạnh vô hiệu hoá của các kháng thể. Và virus, với những đột biến đó, sẽ lây lan nếu bệnh nhân lây cho một người khác.
Theo Giáo sư Vincent Maréchal, “với số đột biến nhiều như vậy, có rất nhiều khả năng một bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch là nguồn gốc của biến thể Omicron”.
Nam Phi - Vùng đất màu mỡ cho các biến thể
Nam Phi có lẽ là vùng đất thuận lợi cho kiểu tiến hoá như vậy, trong đó nguyên nhân chính là bệnh AIDS. Nam Phi có 7 triệu người sống với căn bệnh này, chiếm 12% dân số và 19% số người ở độ tuổi 15-45.
Điều đáng nói là tỉ lệ bệnh nhân AIDS được điều trị lại rất ít, chỉ khoảng 57% người bệnh được điều trị trong năm 2017.
Do đó, theo phân tích của Giáo sư Vincent Maréchal, “số người bị suy giảm hệ miễn dịch rất lớn, lại sống ở đất nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp và là nơi virus lây lan nhanh. Rõ ràng, đây là điều kiện để các biến thể có thể xuất hiện”.
Omicron cũng không phải là biến thể đầu tiên của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Trước đó có 2 biến thể là Beta và C.1.2.
Sau khi Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới Omicron, nhiều nước trên thế giới, như Hà Lan thông báo rằng, dường như biến thể Omicron xuất hiện tại nước đây trước ngày phát hiện lần đầu tại Nam Phi.
Dù nguồn gốc địa lý của Omicron hiện vẫn là một ẩn số, nhưng có lẽ biến thể Beta đã xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, theo một bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sciences ngày 9/9/2021.
Cụ thể, biến thể Beta, được tách lần đầu tiên vào tháng 10/2020, được cho là xuất hiện ở những người nhiễm bệnh AIDS ở vịnh Nelson-Mandela, có thể là do khu vực này thiếu phương tiện điều trị bệnh nhân nhiễm HIV.
Vịnh Nelson-Mandela nằm trong số những vùng trên thế giới tập trung đông người nhiễm virus HIV nhất nhưng lại không được điều trị thích hợp.
Biến thể xuất hiện ở khắp nơi
Tuy nhiên, không vì thế mà "chỉ mặt điểm tên" Nam Phi, ngược lại, theo Giáo sư Vincent Maréchal, “điều này cho thấy chuyện gì xảy ra khi cùng lúc gặp hai đại dịch và điều quan trọng là không được quên cuộc chiến chống AIDS để ưu tiên chống Covid-19.
Chúng ta thấy rõ rằng, trong 2 năm gần đây, các biến thể có thể xuất hiện ở khắp nơi, từ vùng Bretagne của Pháp đến Anh và Ấn Độ. Rất nhiều yếu tố cần được chú ý. Có nhiều điều về các biến thể mà chúng ta chưa hiểu hết được”.
Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để làm sáng tỏ cơ chế phát triển của các biến thể này, Giáo sư Vincent Maréchal đưa ra một giả thuyết cuối: “Có thể, các biến thể xuất hiện dễ dàng hơn ở một số nơi, tùy theo bối cảnh văn hóa-xã hội và dịch tễ.
Vì thế, cần phải xác định những khu vực đó và triển khai theo dõi để xem chuyện sẽ xảy ra”.
Biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn?
Một nghiên cứu mới ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn đáng kể so với các biến thể trước đó.
Theo nghiên cứu này, những người bị nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn 80% so với các trường hợp mắc các biến thể khác.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, vẫn chưa rõ Omicron về bản chất ít nghiêm trọng hơn ở mức độ nào so với các chủng trước đó, và điều đó có phải là nhờ dân số có nhiều khả năng miễn dịch hơn hay không.
Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết: "Có nhiều dữ liệu cho thấy trong số những người đã được tiêm chủng và/hoặc bị nhiễm bệnh trước đó, Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta. Liệu điều đó có đúng ở Mỹ - nước có dân số già hơn - hay không?”.
Nghiên cứu ở Nam Phi đã bổ sung thêm cho các thông tin trước đó rằng Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang thu thập dữ liệu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả với một biến thể ít nghiêm trọng hơn thì hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung vẫn có thể phải đối mặt với những rủi ro lớn do biến thể Omicron có khả năng lây truyền cực cao.