Tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 của NASA. (Nguồn: NASA) |
Tàu thăm dò Voyager 1 được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên vũ trụ vào ngày 5/9/1977 để khám phá các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời.
Con tàu đã bay ngang qua sao Mộc vào năm 1979 và sao Thổ vào năm 1980, trước khi vượt ra khỏi rìa của hệ Mặt trời (biên giới của hệ Mặt trời với không gian giữa các vì sao) vào tháng 8/2012 để tiếp tục hành trình bay vào không gian vũ trụ xa xăm.
Tàu Voyager 1 hiện cách Trái đất 23,3 tỷ km, trở thành vật thể xa nhất do loài người tạo ra.
Con tàu được dự kiến sẽ hoạt động trong thời gian năm năm, nhưng đến nay, nó vẫn tiếp tục gửi dữ liệu về Trái đất.
Tuy nhiên, dường như có điều bí ẩn vừa xảy ra gần đây.
NASA cho biết, hôm 18/5, khi tàu Voyager 1 vẫn hoạt động bình thường, các dữ liệu từ hệ thống kiểm soát và kết nối với Trái đất (AACS) của con tàu lại không khớp với chuyển động của tàu.
Voyager 1 có vẻ bối rối về vị trí của nó trong không gian. Đôi khi, tàu bỗng nhiên tự thoát khỏi chế độ an toàn hoặc phát ra âm thanh báo động.
Bất thường liên quan đến hệ thống AACS - thứ giúp con tàu và ăngten của nó hoạt động đúng hướng. AACS đang hoạt động tốt, nhận lệnh trơn tru, nhưng lại gửi về Trái đất mớ tín hiệu “rác”.
Dữ liệu bí ẩn
Các kỹ sư của NASA cho biết, hệ thống AACS của con tàu đang gửi về những dữ liệu được tạo ngẫu nhiên, không “phản ánh những gì đang thực sự xảy ra”.
Do Voyager 1 đã ở quá xa trong vũ trụ, thông điệp của NASA phải mất 20 giờ 33 phút để đến được vị trí hiện tại của con tàu. Một thông điệp khứ hồi giữa NASA và tàu Voyager 1 phải mất đến hai ngày.
NASA khẳng định, đến nay, sự cố hệ thống vẫn chưa gây ra bất cứ điều gì để phải đưa tàu vào “chế độ an toàn”. Trong chế độ an toàn, tàu vũ trụ chỉ thực hiện những hoạt động cần thiết, để các kỹ sư có thể chẩn đoán các sự cố khiến con tàu gặp rủi ro.
Hiện tại, tín hiệu của tàu Voyager 1 vẫn hoạt động mạnh. Nhóm điều khiển đang cố gắng xác định nguyên nhân của những dữ liệu không chính xác này.
“Cho đến khi bản chất của vấn đề được hiểu rõ hơn, nhóm nghiên cứu không thể đoán trước liệu điều này có thể ảnh hưởng đến việc tàu vũ trụ thu thập và truyền dữ liệu khoa học về trong bao lâu”, theo thông cáo của NASA.
Bà Suzanne Dodd, giám đốc Dự án Voyager 1 và 2 tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, bang California (Mỹ) cho biết: “Bí ẩn này tương đương với một ‘khóa học mới’ cho các nhà khoa học trong giai đoạn hiện nay về sứ mệnh Voyager”.
“Cả hai tàu vũ trụ Voyager 1 và 2 đều đã gần 45 tuổi, vượt xa những gì mà các nhà hoạch định sứ mệnh Voyager dự đoán. Các tàu đang ở trong không gian giữa các vì sao - một môi trường bức xạ cao mà chưa có tàu vũ trụ nào bay vào trước đó. Vì vậy, đây là thách thức lớn đối với nhóm kỹ sư, nhưng nếu có cách giải quyết vấn đề này cho AACS, nhóm của chúng tôi sẽ tìm ra cách đó”, tiến sĩ Suzanne Dodd cho biết.
Nếu nhóm kỹ sư không xác định được nguồn gốc của vấn đề, họ phải tìm cách điều chỉnh và thích ứng với nó, bà Dodd cho biết thêm. Và nếu có thể tìm ra, vấn đề có thể được giải quyết bằng cách thay đổi phần mềm hoặc dựa vào hệ thống phần cứng dự phòng.
Tàu thăm dò Voyager 1 đã dựa vào hệ thống dự phòng để tồn tại từ khi mới được phóng vào vũ trụ. Năm 2017, con tàu đã phải kích hoạt lại các động cơ đẩy được sử dụng lần đầu từ những năm 1970 và chúng vẫn hoạt động sau khi không được sử dụng trong 37 năm.
Các tấm pin năng lượng cũ kỹ của tàu tạo ra rất ít điện năng, vì vậy, các hệ thống phụ và lò sưởi trên tàu đã bị tắt trong nhiều năm để tiết kiệm năng lượng cho các hệ thống quan trọng và thiết bị khoa học có thể tiếp tục hoạt động.
Hiện nay, Voyager 1 và 2 là hai tàu vũ trụ duy nhất của loài người có khả năng thu thập dữ liệu từ không gian giữa các vì sao cách Trái đất 19,5 tỷ km. |
Con tàu song sinh
NASA cho biết, con tàu song sinh của Voyager 1 là tàu thăm dò Voyager 2 hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Voyager 2 hoạt động tốt trong không gian giữa các vì sao cách Trái đất 19,5 tỷ km. Để so sánh, sao Hải Vương (hành tinh thuộc hệ Mặt trời và ở xa Trái đất nhất) chỉ cách chúng ta 4,7 tỷ km.
Cả hai tàu thăm dò này đều được phóng vào năm 1977 và đã vượt xa mục đích ban đầu là bay ngang qua các hành tinh trong hệ Mặt trời. Giờ đây, chúng đã trở thành hai con tàu vũ trụ duy nhất của loài người có khả năng thu thập dữ liệu từ không gian giữa các vì sao.
NASA hy vọng sẽ giữ cho các con tàu này hoạt động được đến năm 2025. Dữ liệu gửi về từ các tàu thăm dò giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tương tác trong môi trường giữa các vì sao và gió Mặt trời (một dòng của các hạt mang điện phát ra từ Mặt trời).