TIN LIÊN QUAN | |
Nga sẵn sàng xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân "tàng hình" | |
Hạm đội Biển đen Nga tiếp nhận tàu Kilo thứ 6 |
The Irish Times cho rằng, vụ việc tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina biến mất cùng thủy thủ đoàn 44 người từ ngày 15/11 khi đang tuần tra làm dấy lên những nghi ngại về tai nạn có thể xảy ra với loại tàu này.
Tàu ngầm ARA San Juan. (Nguồn: NBC News) |
ARA San Juan, hạ thủy năm 1983, là tàu ngầm mới nhất trong ba tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu. Đây là loại tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo, dài 66 m, tốc độ tối đa 45 km/h khi lặn. |
Rủi ro hàng đầu
Cạn kiệt dưỡng khí được cho là rủi ro hàng đầu khi tàu ngầm bị đắm. Bởi vậy, việc tìm kiếm những tàu này là cuộc chiến với thời gian. Như trong trường hợp tàu ARA San Juan, lượng oxy chỉ đủ để cung cấp cho các thủy thủ trong một tuần, tối đa là 10 ngày liên tục dưới nước. Nhà sử học, chuyên gia về tàu ngầm Don Keith cho biết rất khó để xác định vị trí của một tàu ngầm khi nó đã chìm sâu dưới nước. Đến nay, các quốc gia mới bắt đầu tìm thấy một số tàu bị mất tích từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai bằng cách sử dụng các thiết bị quét đáy vô cùng tinh vi được phát triển để dùng trong các hoạt động như thăm dò dầu khí. Thực tế, việc tìm thấy vị trí tàu gặp nạn rất khó khăn không chỉ do lòng biển sâu, mà còn do chính công nghệ tàng hình giúp nó qua mặt các hệ thống cảm biến của đối phương. Tuy nhiên, khả năng đặc biệt này lại trở thành “con dao hai lưỡi”. Mỗi khi tàu gặp sự cố, tính năng tàng hình sẽ cản trở các đội cứu hộ tìm thấy nó một cách nhanh chóng.
Theo chuyên gia Don Keith, khi tàu đang lặn dưới nước, chỉ một trục trặc nhỏ trong động cơ cũng có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc như trong trường hợp tai nạn xảy ra với tàu ngầm hạt nhân USS Thresher (SSN-593) của Hải quân Mỹ, tháng 4/1963. Cơ quan điều tra kết luận thảm kịch USS Thresher khiến 129 người thiệt mạng nhiều khả năng bắt nguồn từ các mối hàn bị bung khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện. Ngay cả khi tàu trồi lên, các thủy thủ phải bảo đảm rằng không có các tàu khác trên bề mặt nước, nếu không hậu quả cũng là khôn lường. Vụ tàu ngầm USS Greeneville của Mỹ đâm phải tàu đánh cá của Nhật Bản vào tháng 2/2001, cướp đi sinh mạng của 9 người là một ví dụ.
Những vụ mất tích khó hiểu
Lịch sử thế giới từng chứng kiền nhiều vụ tàu ngầm mất tích một cách bí ẩn. Các quốc gia đã mất tới hàng chục năm để tìm kiếm và tốn một thời gian dài để giải mã bí ẩn quanh những tàu ngầm này mà nhiều vụ cho đến nay, người ta vẫn không thể đưa ra câu trả lời thích đáng. Trong số đó, bốn chiếc tàu ngầm của bốn quốc gia liên tiếp mất tích vào năm 1968 đã khiến thế giới chấn động.
Tàu ngầm K-129. (Nguồn: Youtube) |
Ngày 24/1/1968, chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Israel INS Dakar đang tiến vào Địa Trung Hải thì đột nhiên biến mất. Khi ấy, INS Dakar mang theo thủy thủ đoàn 69 người. Dù những mảnh vỡ của INS Dakar được phát hiện rất sớm, nhưng tới năm 1999, người ta mới tìm thấy xác của con tàu. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Ai Cập từng lên tiếng khẳng định, chính hải quân nước này đã phát hiện và đánh đắm INS Dakar, nhưng phía Israel phủ nhận thông tin trên. Sự kiện INS Dakar mở đầu cho một năm đen tối với các vụ tai nạn tàu ngầm khác.
Ba ngày sau vụ biến mất khó hiểu của INS Dakar, tàu ngầm Minerve (S647) của Pháp cùng thủy thủ đoàn 52 người đang thực hiện một hoạt động huấn luyện ngoài khơi bờ biển Toulon thì mất liên lạc. Hải quân Pháp ngay lập tức tiến hành các chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn với các thiết bị tối tân như tàu sân bay Clemenceau và tàu lặn SP-350 Denise, nhưng không phát hiện được bất kỳ dấu vết nào. Đến nay, gần năm thập kỷ trôi qua, tung tích của S647 vẫn là một dấu hỏi.
Năm 1968 còn chứng kiến vụ tàu ngầm hạt nhân K-129 của Hải quân Liên Xô gặp nạn trên Thái Bình Dương. Không lâu sau khi K-129 mất tích, tàu ngầm hạt nhân USS Swordfish của Hải quân Mỹ cập cảng Nhật Bản để sửa chữa. Sự kiện này làm tăng thêm nghi vấn tàu ngầm Liên Xô đã va chạm với tàu Mỹ. Năm 1993, phía Mỹ khẳng định tàu USS Swordfish không có mặt trong khu vực khi K-129 gặp nạn, hoài nghi trên bị bác bỏ. Tháng 8/1968, Hải quân Mỹ tìm thấy K-129 chìm ở độ sâu 4.900 m nhờ Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS). Ngay sau đó, Cơ quan Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA) đã tiến hành chiến dịch tuyệt mật có tên “Dự án Azorian” với mục đích trục vớt con tàu và thu thập thông tin về tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Khi mất tích, trên K-129 có ba quả tên lửa đạn đạo R-13 mang đầu đạn hạt nhân cùng hai quả ngư lôi đầu đạn thường khác. CIA đã huy động hơn 4.000 người tham gia Dự án Azorian tiêu tốn hơn 350 triệu USD trong khoảng 6 năm. Đây được đánh giá là dự án phức tạp và tốn kém nhất trong lịch sử CIA thời Chiến tranh Lạnh.
Tháng 5/1968, hai tháng sau khi K-129 mất tích, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion (SSN-589) - niềm tự hào của Hải quân Mỹ cùng thủy thủ đoàn 99 người gặp nạn ngoài khơi vùng Azores thuộc Bồ Đào Nha, chấm dứt hơn 7 năm phục vụ. Tháng 10/1968, SSN-589 được tìm thấy ở độ sâu 3.000 m, cách 740 km về phía Tây Nam Azores. Năm 1993, nguyên nhân của vụ tai nạn được tiết lộ là do khoang chứa đạn ngư lôi bị quá nhiệt dẫn đến phát nổ. Tuy nhiên, vì vụ việc xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, một số chuyên gia đặt giả thiết nó liên quan tới Liên Xô. Cả Washington và Moscow đều không đưa ra bình luận nào và SSN-589 vẫn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải.
Theo The Irish Times, việc nước Anh tham gia tìm kiếm ARA San Juan với tàu phá băng và tuần tra vùng biển HMS Protector nhận được sự chú ý đặc biệt. Mối quan hệ giữa Argentina và Anh đã trở nên căng thẳng kể từ cuộc xung đột Falklands năm 1982. Do đó, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Mỹ Latin thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) Riordan Roett cho rằng, sự trợ giúp của Anh "sẽ sưởi ấm mối quan hệ" giữa hai nước. "Người Argentina sẽ không quên điều này", ông Roett nhấn mạnh. |
Sức mạnh khủng khiếp
Theo National Interest, năm loại tàu ngầm được đánh giá là "sát thủ" hàng đầu dưới lòng đại dương từng phục vụ trong các cuộc chiến tranh gồm: U-31 và Type XXI của Đức, Balao, George Washington và tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm lớp Los Angeles của Mỹ.
U- 31 là loại tàu ngầm tiên tiến nhất của Đức thời Thế chiến I và II. Với ưu thế về tốc độ và khi nổi nhanh hơn khi lặn, U-31 linh hoạt hơn trong các cuộc chiến chống lại các tàu nổi trên mặt nước. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng cho biết, điều duy nhất khiến ông kinh sợ trong chiến tranh là hiểm họa tàu ngầm U-31 của quân Đức.
Tàu ngầm lớp Balao được Hải quân Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Một chiếc thuộc lớp này là USS Archerfish (SS-311) dưới sự chỉ huy của Hạm trưởng Joseph Enright đã đánh chìm tàu sân bay Shinano lớn nhất của Hải quân Nhật Bản vào tháng 11/1944. USS Archerfish khiến Shinano trở thành tàu sân bay đoản mệnh nhất thế giới khi bị tiêu diệt chỉ sau 10 ngày đi vào hoạt động, đồng thời đây cũng là chiến hạm lớn nhất trong lịch sử chiến tranh từng bị đánh chìm.
Type XXI, còn được biết đến với tên gọi Elektroboote, có ưu thế vượt trội là khả năng lặn xuống rất nhanh khiến đối phương khó phát hiện, đồng thời giúp nó thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ. Trong khi đó, George Washington - loại tàu ngầm hạt nhân đi tiên phong trong công nghệ tàng hình của Mỹ, được trang bị 16 quả tên lửa đạn đạo Polaris, có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 1.800km với những đầu đạn hạt nhân tương đương với 600.000 tấn thuốc nổ. Tàu được tháo dỡ vào tháng 4/1986, sau hơn 25 năm phục vụ.
Được đánh giá là chạy êm nhất thế giới, 9 chiếc tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm lớp Los Angeles của Mỹ đã tham gia tác chiến trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh Persique năm 1991. Los Angeles có nhiệm vụ chính là chiến đấu chống ngầm, tiến hành các hoạt động trinh sát, tấn công các mục tiêu trên mặt nước và bờ biển, rải thủy lôi, cứu hộ trên biển…
Tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines Ngày 21/11, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, tàu USS McCampbell của nước này đã cập cảng Manila Nam sau cuộc diễn tập ... |
Triều Tiên lại phóng tên lửa tàu ngầm Ngày 24/8, Nhật Bản hối thúc mạnh mẽ Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu kích sau loạt vụ phóng tên lửa từ tàu ... |
Trung Quốc phát triển mạng lưới tín hiệu tàu ngầm ở Thái Bình Dương Mạng lưới thiết bị cảm biến và công nghệ thông tin liên lạc dân sự tại khu vực biển sâu ở phía Tây Thái Bình ... |