Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết, những người đứng đầu các vùng và cộng đồng ngôn ngữ của nước này đã đưa ra văn bản chung nhằm xoa dịu những lo ngại về việc nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp và một hệ thống giải quyết tranh chấp gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào đạt được tại Bỉ đều phải được 27 nước thành viên khác trong EU nhất trí trước khi ký kết CETA.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, có thông tin rằng Hội nghị thượng đỉnh EU - Canada dự kiến diễn ra tại Brussels có thể bị hoãn vô thời hạn do Bỉ chưa sẵn sàng ký CETA - xuất phát từ sự phản đối mạnh mẽ của vùng Wallonie của nước này.
CETA sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới, gồm hơn 500 triệu dân, với Canada - nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu. Những người ủng hộ CETA cho rằng, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, song những người phản đối lo ngại việc ký kết CETA sẽ khiến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu bị hạ thấp.
Giới phân tích cho rằng, nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) và tình trạng tăng trưởng trì trệ.