TIN LIÊN QUAN | |
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em | |
Bất bình đẳng giới khiến châu Phi thiệt hại 95 tỷ USD/năm |
Đó là quan điểm của bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) trong cuộc trò chuyện với TG&VN nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017, từ ngày 15/11 đến 15/12.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW). |
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ vẫn đang gặp nhiều thách thức. Làm sao để đẩy mạnh xóa bỏ bạo lực đến mọi tầng lớp, để không ai bị bỏ lại phía sau?
Theo tôi, cần thay đổi nhận thức của các bên liên quan về khuôn mẫu, định kiến. Bình đẳng giới thực chất, quyền trẻ em, quyền phụ nữ cần được tôn trọng ngay trong gia đình và là nền tảng để thúc đẩy bình đẳng ở ngoài xã hội. Khi một cá nhân được tôn trọng và bảo vệ từ trong gia đình sẽ tự tin để bảo vệ mình và người khác ở nơi công cộng.
Do đó, hiện nay, chúng tôi đang hướng đến giáo dục cho thanh niên về các giá trị phổ quát, bao gồm bình đẳng thực chất. Bởi lẽ, thanh niên là đối tượng đứng trước ngưỡng cửa tự lập và hôn nhân. Qua đó, giúp họ có những thay đổi về thái độ và hành vi với người khác. Có lẽ, đây là cách phòng, chống bạo lực gia đình một cách bền vững.
Khi thực hiện những hoạt động tuyên truyền các thông điệp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, có những khó khăn gì thường gặp phải?
Thường trong gia đình, người lớn sử dụng thái độ và hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nhưng lại nhìn nhận là dạy dỗ. Ở trường cũng vậy, bạn bè bạo lực nhưng lại cho là trêu đùa nhau. Do đó, khó khăn đầu tiên là nạn nhân không nhận thức được mình bị bạo lực. Nếu nhận ra được nhưng đối tượng gây ra là người thân, bạn bè lại không “vạch áo cho người xem lưng”. Do đó, bạo lực cứ âm thầm xảy ra mà không được báo cáo và giải quyết bởi pháp luật.
Một mặt, chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào biện pháp hòa giải cộng đồng để giải quyết bạo lực. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới và Uỷ ban Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ cho rằng biện pháp này không hiệu quả. Đồng thời, họ khuyến nghị Việt Nam cần điều chỉnh về mặt luật pháp cũng như biện pháp can thiệp khi các vụ bạo lực xảy ra.
Theo bà, đâu là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái?
Qua nhiều năm làm việc, tôi nhận thấy các cơ quan nhà nước và cộng đồng cần sớm triển khai đề án giáo dục như tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử, khoan dung, nhân quyền và nhân phẩm. Từ đó, mỗi cá nhân ý thức được quyền của mình để lên tiếng khi bị bạo lực cũng như tôn trọng quyền của người khác.
Về mặt luật pháp, cần hình sự hoá tất cả các hành vi bạo lực với người khác dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay người không quen biết. Toà án và các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với người gây bạo lực, dù gây bạo lực với ai.
Tôi đã có gần 20 năm làm trong lĩnh vực này, cũng có nhiều can thiệp và nghiên cứu về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội. Nhưng tôi nhìn nhận, nạn nhân của bạo lực không chỉ phụ nữ và trẻ em gái mà còn có cả nam giới và trẻ em trai. Có thể do định kiến về vai trò và giá trị của nam giới nên họ ít báo cáo tình trạng, đặc biệt là bạo lực gia đình mà âm thầm chịu đựng.
Có người nói, bạo lực gia đình như cơn bão âm thầm trong cuộc đời mỗi người mà sự càn quét của nó không thể tính bằng giờ mà bằng những năm tháng tuổi trẻ, thậm chí bằng cả cuộc đời. Vậy làm sao để người trong cuộc có thể tự phá vỡ sự im lặng để cứu mình?
Thực tế, bạo lực không chỉ tổn hại đối với nạn nhân, người gây bạo lực và người xung quanh họ mà còn tổn hại cho cả nền kinh tế quốc gia. Tôi được biết, ở Việt Nam đã có nghiên cứu về tổn hại kinh tế đối với bạo lực gia đình và con số thiệt hại không hề nhỏ. Bởi lẽ, giải quyết bạo lực không chỉ là câu chuyện của người trong cuộc mà còn là nguồn lực của xã hội và quốc gia dành cho công cuộc phòng, chống tệ nạn này.
Tại một số quốc gia tôi có kinh nghiệm nghiên cứu như Australia, Canada, Mỹ thì việc phá vỡ sự im lặng thường đến từ người khác như hàng xóm hay thầy, cô giáo ở trường. Khi thấy có người bị bạo lực dù người đó là ai, họ có trách nhiệm thông báo cho cảnh sát và sau đó tòa án sẽ có can thiệp kịp thời.
Tham gia đối thoại với Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa qua, có thông điệp nào về phòng chống bạo lực được đưa ra để bàn bạc hay không, thưa bà?
Tại buổi đối thoại, chúng tôi không trao đổi cụ thể về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi tập trung trao đổi về việc cần mở rộng không gian cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động, trong đó có các tổ chức phi chính phủ đang thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em gái.
Canada cũng có nhiều chương trình hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ, trẻ em gái bằng các dự án song phương cũng như thông qua các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Tại buổi trao đổi, chúng tôi cũng đề cập đến việc cần sử dụng các chuẩn mực phổ quát trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn để thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các dự án này.
Xin cảm ơn bà!
Hưởng ứng cuộc thi viết về phòng, chống bạo lực gia đình Công đoàn Bộ Ngoại giao vừa có công văn gửi Công đoàn các đơn vị trong Bộ đề nghị hưởng ứng và tham gia cuộc ... |
“Tôi phát biểu, tôi la hét, tôi không sợ” Từ trải nghiệm đau thương của chính mình, Linor Abargil đã trở thành “người hùng” trong cuộc chiến chống bạo lực tình dục. |
Việt Nam ủng hộ các nỗ lực quốc tế chống bạo lực trẻ em Chiều 13/3, tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 25, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành Phiên đối thoại với hai ... |