Nhỏ Bình thường Lớn

Biến chủng Covid-19: Delta chưa qua, 'bóng ma' lambda đã tới - sự thật nên biết về chủng virus đột biến mới

Một biến thể mới khác của virus corona được gọi là lambda đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức y tế khi khả năng lây lan rộng khắp thế giới và độc lực của nó được đánh giá không thua kém, thậm chí có phần nguy hiểm hơn người họ hàng - biến chủng Delta.
Covid-19: Delta chưa qua, lambda đã tới - sự thật nên biết về biến thể bất thường mới
Số lượng người chết do Covid-19 ở Peru được cho là cao hơn nhiều so với con số báo cáo. (Nguồn: DW)

Lambda là một "biến thể đáng quan tâm"

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể này, còn được gọi là C.37, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8/2020. Vào ngày 14/6, cơ quan này đã phân loại C.37 là một "biến thể đáng quan tâm" trên toàn cầu, hay VOI và đặt tên cho nó là lambda, sau khi nó xuất hiện đồng thời ở một số quốc gia trong khu vực.

VOI có nghĩa là biến thể ngày càng xuất hiện rộng rãi trong các cộng đồng và có các đột biến được dự đoán là có một số ảnh hưởng đến các đặc tính của virus, chẳng hạn như làm tăng khả năng lây truyền.

Trong khi đó, các quan chức Y tế thường sử dụng thuật ngữ "biến thể đáng lo ngại" hoặc VOC - khi các dữ liệu đáng tin cậy cho thấy, biến thể đó đã tăng khả năng lây truyền - chẳng hạn như những gì được thấy với biến thể delta - hoặc các đặc điểm đáng lo ngại khác.

Cho đến nay, lambda đã được phát hiện ở 29 quốc gia, với mức độ lây lan cao ở các nước Nam Mỹ, đang lây lan nhanh khắp châu Mỹ Latinh. Trong những tháng gần đây, theo kết quả giải trình tự gen của WHO, biến thể lambda đã được phát hiện trong 82% trường hợp Covid-19 ở Peru.

Ở Chile, biến thể này đã được phát hiện trong khoảng một phần ba số trường hợp và nó cũng đang lây lan nhanh chóng ở Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico, theo thông tin từ WHO.

Gần đây nhất, biến thể này đã được thấy xuất hiện lần đầu ở Vương quốc Anh. Vào 25/6, Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England – PHE) đã báo cáo 6 trường hợp mắc biến chủng lambda, tất cả đều liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài.

Báo cáo của PHE gần đây cũng đã công nhận, lambda có “khả năng tăng khả năng lây truyền hoặc có thể tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa”. Tuy nhiên, Tổ chức này cũng cho biết, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Như vậy, lambda đã tìm được đường đến châu Âu - nơi trận chiến chống lại biến thể Delta vẫn đang rất căng thẳng, chưa thấy điểm kết thúc. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về biến thể bất thường mới này, nên vẫn chưa rõ yếu tố chính gây lo ngại hiện nay có thể như thế nào.

Sự thật về biến chủng lambda?

Các quan chức Y tế đang theo dõi chặt chẽ biến thể lambda vì nó mang một số đột biến có thể khiến sự lây lan mạnh mẽ, không kém biến chủng Delta. Lambda còn được các nhà khoa học chú ý bởi đột biến trên biến thể này có thể kháng vaccine.

Biến thể này có tới 7 đột biến trong "protein đột biến" của virus, so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Theo WHO, một số đột biến này có khả năng làm tăng khả năng lây truyền của virus hoặc làm giảm khả năng trung hòa hoặc bất hoạt của một số kháng thể nhất định đối với virus.

Ví dụ, lambda có một đột biến được gọi là F490S nằm trong vùng liên kết thụ thể của protein đột biến (RBD), nơi virus đầu tiên bám vào tế bào người. Một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Genomics số tháng 7 đã xác định, F490S có khả năng là một "đột biến kháng vaccine", có thể khiến khả năng lây nhiễm của virus dễ dàng hơn và phá vỡ khả năng nhận ra biến thể của các kháng thể do vaccine tạo ra.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, những mối nguy hại này vẫn mang tình lý thuyết nhiều hơn. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn, hoặc làm cho các loại vaccine hiện đang được triển khai kém hiệu quả hơn", theo thông tin ban đầu của PHE. Bởi vậy sẽ cần có nhiều nghiên cứu hơn để xem liệu những đột biến này có thực sự ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của virus hay không.

Theo quan điểm của nhà virus học Jairo Mendez-Rico, một chuyên gia thuộc WHO, biến thể lambda có thể có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, nhưng “đây là một hiện tượng chưa được nghiên cứu và ghi chép đầy đủ và chúng tôi chưa thể so sánh với các biến thể khác như Gamma và Delta". Cũng theo chuyên gia này, khi virus SARS-CoV-2 tiến hóa, nó có thể trở nên dễ lây lan hơn, nhưng độc lực sẽ không mạnh hơn.

Chuyên gia Jeff Barrett, Giám đốc Sáng kiến gen Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger (Anh) cũng cho biết, lambda có những đột biến bất thường so với các biến thể khác. Đó là lý do khiến việc tìm hiểu mối đe dọa từ lambda thông qua các dữ liệu máy tính và phòng thí nghiệm trở nên vô cùng khó khăn”.

Một nghiên cứu công bố ngày 3/7 của trường Y khoa NYU Grossman, hiện chưa đánh giá được các loại vaccine đã đề xuất hiện nay có hiệu quả chống lại biến thể lambda trên thực tế hay không. Các nhà nghiên cứu cũng chưa có câu trả lời chính xác liệu biến thể này có khiến người bệnh nặng hơn hay không. Bởi các nghiên cứu về nguy cơ này chỉ mới đang được tiến hành.

Các nhà khoa học tin rằng, đại dịch do các biến chủng của virus corona sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 80% dân số thế giới được tiêm phòng. Các biến thể như lambda có thể còn tiếp tục xuất hiện cho đến khi thế giới đạt được tỷ lệ an toàn.

Chuyên gia Mendez-Rico cho biết, việc tiêm chủng là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất: "Tất cả các loại vaccine mà chúng tôi đã phê duyệt trên toàn thế giới nói chung đều có hiệu quả chống lại các biến thể của virus corona đang lưu hành và không có lý do gì để nghi ngờ chúng ít khả năng chống lại lambda."

Sự hoành hành của biến chủng Delta cho thấy, không có nhiều thời gian để nghi ngờ về mối nguy hiểm từ các biến chủng Covid-19 mới. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6, khoảng 10,4% dân số thế giới đã được tiêm chủng, nhưng tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ chiếm 0,9%. Ở một số quốc gia đang phát triển, ngay cả nhân viên y tế hoặc nhân viên chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng chưa được tiêm phòng.

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (2-8/7): Trung Quốc dùng 9/71 vaccine Covid-19 nội địa; Myanmar tổ chức đấu thầu dự án điện mặt trời

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (2-8/7): Trung Quốc dùng 9/71 vaccine Covid-19 nội địa; Myanmar tổ chức đấu thầu dự án điện mặt trời

Fed có thể tăng lãi suất; Trung Quốc dùng 9/71 vaccine sản xuất trong nước; Myanmartổ chức đấu thầu quốc tế các dự án điện ...

Cập nhật Covid-19 ngày 8/7: Thái Lan nhận kỷ lục buồn; biến chứng nặng của người trẻ khi gặp biến thể Delta; Đức nhường vaccine AstraZeneca

Cập nhật Covid-19 ngày 8/7: Thái Lan nhận kỷ lục buồn; biến chứng nặng của người trẻ khi gặp biến thể Delta; Đức nhường vaccine AstraZeneca

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 185,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,02 triệu ca tử ...

Covid-19 ở Việt Nam tối 7/7: Thêm 330 ca mắc mới; TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội 15 ngày; Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người

Covid-19 ở Việt Nam tối 7/7: Thêm 330 ca mắc mới; TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội 15 ngày; Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người

Bản tin dịch Covid-19 tối 7/7 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 330 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca trong ngày ...

(theo Livescience, Euronews)