Trong hàng nghìn năm qua, dãy núi đá trắng Aru ở miền tây Tây Tạng đã có sự hiện diện ổn định, nhưng năm nay, hai vụ lở băng lớn đã làm thay đổi hình dạng của khu vực ngay lập tức.
Vụ lở đầu tiên, không hề có dấu hiệu nào cảnh báo trước, xảy ra hôm 17/7, làm đổ 60 mét khối băng và đá xuống một thung lũng hẹp ở vùng Rutog, giết chết 9 người và hàng trăm con cừu và bò Tây Tạng. Các mảnh vỡ bao phủ một diện tích rộng tới 10km2.
Một dòng sông băng ở Tây Tạng. (Nguồn: The Guardian) |
Chỉ hai tháng sau đó, vào ngày 21/9, một sông băng Tây Tạng cũng nổ tung, tạo ra một khối lượng tuyết lở lớn tương tự vụ trên ở hai bên bờ sông, nhưng may mắn không có thương vong trong vụ này.
"Một sự kiện lớn như vậy xảy ra đã là đáng kể; hai vụ liên tiếp xảy ra thì thật là chưa từng có", nhà địa chất học Anh Dave Petley nhận định trong một bài viết trên tờ The Guardian.
Sự việc các vụ lở băng tuyết lớn xảy ra trên các sườn núi có độ dốc không lớn lắm đã làm cho các nhà khoa học bối rối. Một lời giải thích cho sự chuyển động đột ngột này chỉ có thể là do sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ ở Tây Tạng đã tăng trung bình 0,4°C mỗi thập kỷ - gấp đôi mức trung bình trên toàn cầu. Băng tan chảy cộng với lượng mưa tăng lên có thể nhanh chóng bôi trơn phần đáy của các dòng sông băng, do đó các khối băng khổng lồ càng dễ dịch chuyển.
"Giải thích đúng nhất cho các vụ lở tuyết Tây Tạng là do biến đổi khí hậu", ông Petley kết luận.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các hình ảnh do vệ tinh chụp, để nhanh chóng phát hiện các vụ rạn nứt sông băng trước khi nó xảy ra, theo tờ The Guardian.