📞

Biến đổi khí hậu: Giải pháp phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn

An Hải 14:54 | 11/06/2020
TGVN. Hiện nay, tình hình hạn, mặn ở một số địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn gay gắt như trước, các đợt mưa chuyển từ mùa khô sang mùa mưa đã xuất hiện nhiều nơi, người dân đang bắt tay vào việc khôi phục vườn cây ăn quả.
Hạn mặn đã làm cho trên 5.000 ha diện tích lúa có nguy cơ mất trắng. (Nguồn: nongnghiep.vn)

Vì vậy, ngày 11/6, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chức hội thảo "Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước, trong và sau hạn mặn" nhằm hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật phù hợp để người dân phục hồi sinh trưởng, phát triển của cây sau hạn, mặn.

Mùa khô năm 2019-2020, huyện Châu Thành trải qua đợt hạn mặn gay gắt, khốc liệt hơn rất nhiều so với mùa khô năm 2015-2016. Ngay từ giữa tháng 11/2019 mặn đã bắt đầu xâm nhập và đến đầu tháng 12/2019 mặn xâm nhập nhanh và sâu, độ mặn trên 2 phần nghìn bao phủ toàn huyện.

Theo khảo sát của Hội Nông dân huyện Châu Thành, diện tích cây ăn quả chủ lực của huyện như chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng bị thiệt hại nặng, chiếm khoảng 50% diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện; gần 3.000 ha diện tích bị thiệt hại từ 30 -70% và trên 1.200 ha bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, gần 1.000 ha dừa bị giảm năng suất, cây chậm phát triển, rụng trái non...

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, hầu hết diện tích các loại cây trồng đều có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất do hạn, mặn diễn biến gay gắt, xâm nhập sớm và sâu, độ mặn cao hơn mùa khô năm 2016. Ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt đến nay trên 1.448 tỷ đồng.

Ông Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô năm 2019-2020, tổng diện tích cây ăn quả trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 130.000 ha bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng. Cụ thể, Tiền Giang 28.360 ha, Bến Tre 12.350 ha, Long An 12.900 ha, Trà vinh 12.350 ha, Vĩnh Long 8.580 ha, Sóc Trăng 13.650 ha,...

Các chủng loại cây ăn quả bị ảnh hưởng là xoài, chuối, thanh long, dứa, cây có múi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, vú sữa,...;trong đó, các cây ăn quả thuộc nhóm mẫn cảm với mặn (chịu mặn kém) bị thiệt hại nhiều nhất.

Cây sầu riêng là chủng loại cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích tăng mạnh trong vài năm gần đây với hơn 47.000 ha và trồng nhiều ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng,...

Sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn dưới 1 phần nghìn, đồng thời cũng là cây chịu hạn kém). Chính vì vậy đợt hạn, mặn kéo dài từ đầu tháng 12/2019 đến nay đã làm nhiều vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng nề về năng suất và sinh trưởng, phát triển của cây, biểu hiện qua cháy lá, rụng lá, rụng hoa, dẫn đến cây sầu riêng bị suy kiệt. Hiện nay, nông dân trồng sầu riêng gặp nhiều khó khăn để khôi phục vườn cây.

Hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng tới sầu riêng ở Bến Tre. (Nguồn: kenhthoitiet.vn)

Hiện vùng đã bước vào mùa mưa, tình hình hạn, mặn đã giảm nhưng tại nhiều nơi hạn, mặn vẫn còn ở mức cao nên nông dân không được chủ quan. Đặc biệt, nhiều vườn cây sau hạn, mặn đã bị suy kiệt vẫn còn có nguy cơ bị chết cây và thiệt hại về năng suất sản lượng quả do cây và đất đã bị nhiễm mặn trước đó.

Theo ông Hồ Văn Xuyên, Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương, để cứu cây trồng, việc cần thiết trước hết là phải rửa được lượng muối trong đất, giải độc cho đất, cho cây ngay khi có đủ điều kiện thuận lợi.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, lượng mưa còn quá ít, không đủ để rửa mặn nên người nông dân cần chú ý khi chưa đủ nguồn nước ngọt để rửa mặn thì không tưới nước cho cây. Với tình trạng nhiễm mặn như hiện tại, do đất chứa quá nhiều muối hoà tan, tạo áp suất thẩm thấu quá lớn nên rễ cây không hút được nước.

Tưới nước trong lúc này chỉ làm tăng nồng độ muối trong đất, gây thêm bất lợi cho rễ cây.

Ông Hồ Văn Xuyên cũng khuyến cáo, người dân không bón bất cứ loại phân hoá học nào. Bón phân hoá học đồng nghĩa làm tăng nồng độ muối, tăng áp lực thẫm thấu đối với rễ cây. Khi có được nguồn nước sạch có thể tận dụng cung cấp cho cây để duy trì sự sống bằng cách phun sương trên bề mặt lá vào chiều tối.

Ông Võ Hữu Thoại lưu ý, để rửa mặn, người dân cần chú ý bón vôi cho cây và dùng nước tưới lên liếp vườn cây để đưa nước mặn trong đất thoát theo nước xuống mương và ra sông.

Sau hạn, mặn người dân cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch phục hồi vườn cây. Nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây trong vườn và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng dặm hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt. Việc đánh giá thiệt hại của từng cây trong vườn rất quan trọng để lựa chọn giải pháp chăm sóc phù hợp.

Đối với tán cây thiệt hại nhiều cần chăm sóc cây như giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm phục hồi tán cây, không để ra quả. Đối với tán cây thiệt hại không nhiều, chăm sóc cây như giai đoạn mang quả để cây có thể ra hoa, đậu quả.

Tùy theo mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn và mức độ thiệt hại của cây ăn quả trên vườn mà người dân có các giải pháp chăm sóc phù hợp để giúp cây sớm phục hồi.

Vườn sầu riêng của bà Huỳnh Thị Đặng, ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành có dấu hiệu cháy lá do tưới nước bị nhiễm mặn. (Nguồn: TTXVN)

Người dân có thể thực hiện cắt tỉa những cành khô héo, cành chết, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh; tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều. Khi hệ thống rễ đã bị thiệt hại do mặn nếu vẫn để quả trên cây thì khả năng hấp thu dinh dưỡng của rễ để nuôi quả bị giảm mạnh, dẫn đến chất lượng quả kém còn làm suy kiệt cây, trường hợp nặng sẽ dẫn đến chết cây.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cũng lưu ý, do mặn làm bộ rễ cây bị hư hại nặng nên người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất, kích thích cây ra rễ non, đồng thời sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ sinh học phun lên tán cây để hỗ trợ kịp thời nguồn dinh dưỡng cho bộ lá non phát triển, tiếp đến bón phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK và bổ sung các dinh dưỡng trung vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục hơn.

Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích hơn 300.000 ha, để lại tác hại nặng nề đối với đất đai và cây ăn quả, rất khó đối phó và khắc phục trong một thời gian ngắn. Vì vậy, theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, thời gian tới các cơ quan chức năng cần đánhgiá nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng, từ đó quy hoạch lại vùng trồng thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp cũng cần đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của các loại cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ồng Hồ Văn Xuyên cho rằng, trong thời gian tới, hạn hán, nước biển dâng cao có thể gây xâm nhập mặn bất thường. Vì vậy, cần phải có các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất cho người dân là nhiệm vụ cần thiết. Nhà nước nên tập trung xây dựng và củng cố các đê bao ven các cửa sông, các đập ngăn mặn tại các điểm xung yếu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất phạm vi bị ảnh hưởng khi có hiện tượng hạn, mặn xảy ra.

Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn dọc bờ biển cũng là giải pháp hạn chế ảnh hưởng của nước biển xâm nhập vào đất liền. Bên cạnh đó, đối với người dân cần dự trữ nước ngọt để phục vụ tưới cho cây trồng trong mùa khô. Người trồng cây phải có phương án dự trữ nước ngọt trong các mương tưới tiêu bằng cách lót bạt.

(theo TTXVN)