📞

Biến đổi khí hậu: Những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra trong tương lai

16:31 | 09/11/2016
Các báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc đều cảnh báo thời tiết sắp tới sẽ vô cùng khắc nghiệt.

Các đặc phái viên của Liên hợp quốc và đại diện của 190 quốc gia đang tham dự một hội nghị tổ chức tại thành phố Marrakesh, Morocco về việc triển khai thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo các báo cáo của Liên hợp quốc tại hội nghị, những đợt nắng nóng, bão, hạn hán và lũ lụt gây chết người trong thập kỷ này đều mang dấu ấn của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Tuy nhiên, các báo cáo này đều cảnh báo về những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra trong tương lai.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những sự kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. (Nguồn: UN) 

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), giai đoạn 2011-2015 là những năm nóng nhất được ghi nhận. Hai năm nóng cao điểm nhất trong thập kỷ này là 2014 và 2015.

Một báo cáo của Liên hợp quốc tại hội nghị cảnh báo về những tác động ngày càng rõ rệt hơn của con người vào thời tiết và khí hậu cực đoan.

Biến đổi khí hậu "đã làm tăng nguy cơ của những sự kiện cực đoan như những đợt nóng, khô hạn, lượng mưa kỷ lục và lũ lụt gây thiệt hại lớn", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết tại hội nghị.

Trong một báo cáo khác, các nhà phân tích rủi ro của tổ chức Germanwatch cho biết hơn nửa triệu người trên thế giới đã chết do kết quả của gần 11.000 sự kiện thời tiết cực đoan từ 1996 đến 2015. Những sự kiện này đã gây thiệt hại 3 nghìn tỷ USD.

Bốn trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong năm 2015 là các nước ở châu Phi, Germanwatch cho biết.

Mozambique đứng đầu danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu, tiếp theo là Dominicana, Malawi và Ấn Độ. Myanmar, Ghana và Madagascar cũng nằm trong top 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.

Hiệp định Paris (hiệp định đầu tiên trên thế giới về khí hậu toàn cầu) đặt mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19).

Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc kiềm chế phát thải lượng khí nhà kính nhân tạo, chủ yếu là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

(theo Yahoo News)