Một nghiên cứu của McKinsey Global Institute (MGI) được công bố hồi tháng Tám cho thấy, các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.
Đến năm 2050, từ 8-13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này có thể bị thiệt hại do các tác động từ hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Khả năng xảy ra các cơn mưa rất lớn có thể tăng lên gấp ba hoặc bốn lần vào năm 2050 ở Indonesia.
Ngoài ra, 75% lượng vốn toàn cầu đối mặt rủi ro vì lũ lụt liên tiếp xảy ra ở châu Á”. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng duyên hải Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Homero Paltan Lopez, chuyên gia và nhà nghiên cứu về nước tại Đại học Oxford (Anh) nhận định: “Có một sự nhất quán trong các mô hình nghiên cứu và cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ khiến châu Á hứng chịu lũ lụt và mùa mưa với cường độ và tần suất lớn hơn”.
Sự biến đổi như vậy được cho là sẽ ảnh hưởng đến gió mùa, làm cho mưa xảy ra nhiều và tập trung hơn, trong khi mùa khô trở nên dài hơn. Đó chính xác là những gì đang xảy ra và đang cướp đi nhiều sinh mạng.
Trung Quốc mùa hè vừa qua 2020 đã chịu những cơn lũ kinh hoàng và tồi tệ nhất nửa thế kỷ qua. (Nguồn: Getty) |
Thực tế đáng sợ
Bà Nobiron, một góa phụ 54 tuổi sống gần sông Brahmaputra, miền Bắc Bangladesh đã phải chứng kiến cảnh ngôi nhà và toàn bộ tài sản của mình bị cuốn trôi và phá hỏng khi một cơn lũ kinh hoàng quét qua làng của bà hồi tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua. “Tôi chưa bao giờ phải chịu mất mát như vậy vì lũ lụt. Ngôi nhà vườn do tổ tiên để lại đã trôi xuống sông cùng tất cả những gì tôi dành dụm được suốt cuộc đời. Tôi không còn gì cả”, bà Nobiron nói.
Bangladesh, quốc gia chủ yếu là đồng bằng thường xuyên chịu những trận lũ lụt mỗi khi gió mùa tới. Tuy nhiên, năm 2020, quốc gia Nam Á này lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi vào tháng Bảy, có lúc một phần ba diện tích Bangladesh chìm trong biển nước.
Mùa mưa năm nay tại Bangladesh diễn biến phức tạp hơn thường lệ, với lượng mưa được ghi nhận ở mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Kaiser Rejve, Giám đốc tổ chức nhân đạo CARE Bangladesh cho biết, trong những năm gần đây, tần suất lũ lụt bất thường trong nước đã tăng lên đáng kể, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Chưa dừng lại ở đó, cả khu vực châu Á cũng đang phải liên tục hứng chịu những trận lũ lụt kinh hoàng. Kể từ tháng Sáu, những cơn mưa lớn gây ra lũ lụt các khu vực phía Đông, Đông Nam và phía Nam châu lục.
Tình hình nghiêm trọng ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ và Ấn Độ. Hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng.
Chỉ riêng ở Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và ước tính khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt trong năm 2020. Tổng cộng 53 con sông tại đây đang đạt hoặc gần đạt mực nước cao lịch sử, sức chứa của các con đập ở lưu vực sông Dương Tử đang quá tải và gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua.
Nâng cao cảnh giác
Theo tờ Nikkei Asian Review, châu Á chiếm phần lớn tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và tỷ lệ đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của châu Á trong nhiều thập kỷ qua tuy tích cực, nhưng đã khiến các loại khí nhà kính bị thải ra không khí liên tục, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu.
Giám đốc MGI Jonathan Woetzel cho rằng trong khi cả thế giới đang tập trung chú ý vào việc đối phó với dịch Covid-19 thì tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo ông Woetzel, châu Á đối mặt với các hiểm họa khí hậu và các tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng tiềm tàng, do đó phải rất quan tâm trong việc “đóng vai trò tuyến đầu giải quyết các thách thức này”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên rằng, châu Á nên tránh đầu tư vào những giải pháp ngăn chặn lũ lụt truyền thống như kênh, đập cũng như các cơ sở vật chất quy mô lớn mà chuyển sang việc tập trung phát triển hệ thống thoát nước của các thành phố, đồng thời phục hồi các hệ thống sinh thái như rừng, các bãi ngập, đất ngập nước và rừng ngập mặn.
Chính vì là lục địa đông dân nhất thế giới, châu Á có thể có tiềm năng dẫn dắt các nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách đề cập tốt hơn những rủi ro biến đổi khí hậu vào trong quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, là khu vực kinh tế tăng trưởng ngày một năng động, càng tránh được thiên tai bao nhiêu, châu Á sẽ ngày càng phát triển bấy nhiêu.