Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí tại Singapore vừa qua.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trên đường băng phi pháp của nước này ở đảo Phú Lâm. (Nguồn: Sina) |
“Thực sự” áp đặt ADIZ
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành một loạt hoạt động quân sự chính thức trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia trong khu vực lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Liệu đây có phải là những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông vào cuối năm nay hay không?
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean khẳng định, Trung Quốc đang tiến hành những bước chuẩn bị cho việc "thực sự" áp đặt một ADIZ trên Biển Đông. Trước khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) - vốn được cho là sẽ "trói tay" Trung Quốc được ký kết, Bắc Kinh sẽ tận dụng thời gian còn lại để củng cố sức mạnh ở Biển Đông và tìm cách kéo dài quá trình đàm phán COC. Đây là lý do tại sao mọi hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông cần phải được giám sát chặt chẽ.
Cũng theo Tiến sĩ Collin Koh, phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp giữa hai nước tại Biển Đông sẽ không làm thay đổi hiện trạng ở vùng biển quan trọng này. Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, chắc chắn Bắc Kinh sẽ bác bỏ và lên tiếng biện hộ cho lập trường cứng rắn hơn của họ ở Biển Đông. Ngược lại, nếu phán quyết có lợi cho Trung Quốc, đó sẽ được coi là "sự chấp thuận (tạm thời) của cộng đồng quốc tế" cho những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và càng khiến Bắc Kinh có nhiều hành động gây mất ổn định hơn nữa. Phán quyết này cũng có thể sẽ không tác động đến quá trình đàm phán COC, thậm chí ngay cả khi ASEAN muốn lấy vụ việc này để nêu bật tầm quan trọng của pháp luật quốc tế.
Hình ảnh được cho là tháp radar và một số cơ sở phi pháp khác của Trung Quốc ở đá Gạc Ma. (Nguồn: CSIS/AMTI) |
Xây dựng lòng tin bằng hành động cụ thể
Do đó, theo Tiến sĩ Collin Koh, điều mà Mỹ và các nước khác, đặc biệt là ASEAN, cần làm là kiên định duy trì nền tảng luật pháp quốc tế và đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao nhằm hạn chế hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc tiến hành các hoạt động củng cố quân sự là hình thức tự vệ mang tính tự nhiên, song tất cả các bên cũng cần nhận thức về nguy cơ tiềm tàng của một vòng xoáy chạy đua vũ trang có thể gây phương hại cho nền hòa bình và ổn định của khu vực.
Hơn nữa, Mỹ và các nước cần tiếp tục thúc đẩy một biện pháp xây dựng lòng tin trên thực tế, ví dụ có thể kể tới việc các nước ký "Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển" (CUES) mở rộng hoặc những cơ chế thích hợp khác. Đây được xem như biện pháp tạm thời nhằm quản lý xung đột và đảm bảo xung đột không trượt khỏi tầm kiểm soát.
Tiến sĩ Collin Koh cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhận lời mời từ phía Chính phủ Singapore để phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La (SLD) năm nay và vấn đề Biển Đông chắc chắn vẫn sẽ là một trọng tâm của chương trình nghị sự. Được cho là có lập trường “thân” Trung Quốc, song nhiều khả năng Thủ tướng Thái Lan sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu chung của hòa bình và ổn định trên Biển Đông dù không nêu đích danh quốc gia nào, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của ASEAN. Theo chương trình nghị sự sơ bộ, dự kiến SLD sẽ có một phiên họp kín diễn ra vào chiều 4/6 tới với chủ đề "Quản lý căng thẳng trên Biển Đông”.
Tiến sĩ Collin Koh chia sẻ, tại SLD, chủ nhà Singapore sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng CUES mở rộng đối với lực lượng cảnh sát biển còn Mỹ sẽ nêu bật vai trò “lực lượng giúp bình ổn” của họ với việc thực hiện và duy trì các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông. Dù biết chắc chắn sẽ lại có sự chỉ trích lẫn nhau giữa các bên và luôn có sự bất đồng thay vì đồng thuận tại SLD, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Koh, SLD vẫn là một diễn đàn hữu ích để các bên đưa ra quan điểm của mình và từ đó có được sự hiểu biết lớn hơn đối với những vấn đề chung.