Nhỏ Bình thường Lớn

Biển Đông: Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

Kỳ 1: Hành động của Trung Quốc - mục tiêu và hệ quả pháp lý
bien dong giai quyet tranh chap tren co so luat phap quoc te
Hoạt động xây dựng và nạo vét được Trung Quốc tiến hành tại đảo Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 16/3/2015. (Reuters)

Từ năm 2009, sau khi chính thức công bố yêu sách "đường lưỡi bò'' tại Liên hợp quốc, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động ở Biển Đông nhằm áp đặt yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, chèn ép việc thực thi quyền lợi trên biển của các nước láng giềng, thách thức các nguyên tắc luật biển mà Trung Quốc đã cam kết tuân thủ với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982.

Chạy đua với thời gian

Mức độ nghiêm trọng của các hành động của Trung Quốc ngày càng leo thang, từ ban hành các văn bản pháp quy khẳng định quyền quản hạt của Trung Quốc đối với lãnh thổ và vùng biển nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò'', ngăn cản các nước láng giềng tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, mời thầu quốc tế và trực tiếp đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Từ  đầu năm 2014, Trung Quốc gấp rút nạo vét cát từ đáy biển để bồi đắp, mở rộng diện tích trên cả bảy thực thể địa lý Trung Quốc đang chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã biến thực thể này từ chỗ chỉ là các bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành đảo nhân tạo có tổng diện tích khoảng 2.000 hecta. Trung Quốc công bố ý định xây dựng công trình bền vững phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, trên thực tế đã xây dựng đường băng có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay quân sự, bố trí các loại vũ khí và thiết bị quân sự được đánh giá là vượt quá yêu cầu phòng thủ tại các đảo nhân tạo này.

Đồng thời, Trung Quốc từ chối thảo luận các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, trì hoãn tiến trình soạn thảo một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tẩy chay vụ kiện tại Tòa trọng tài do Philippines khởi xướng. Trung Quốc khẳng định hành động của họ là hợp pháp, nhằm thực thi chủ quyền của họ đối với lãnh thổ và các quyền liên quan tại vùng biển, cáo buộc các nước có động thái thách thức hành động của Trung Quốc là gây rối, làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Trong các Công hàm của Chính phủ Trung Quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 7/5/2009 và ngày 14/4/2011, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ ''đường lưỡi bò'' và đòi hỏi: i) chủ quyền đối với toàn bộ các thực thể địa lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh hải 12 hải lý xung quanh các thực thể địa lý đó; ii) các quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, bao gồm quyền riêng biệt đối với việc thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên và quyền tài phán đối với việc quản lý môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và một số hoạt động sử dụng biển khác. Yêu sách chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông dựa chủ yếu vào căn cứ lịch sử, trong khi bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không những thiếu xác thực, không nhất quán, mà còn không thể hiện được rằng nhà nước Trung Quốc đã thực sự chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục tại Biển Đông.

Trung Quốc rõ ràng đang chạy đua với thời gian và tận dụng thế lực vật chất vượt trội của mình trong khu vực để tạo dựng thêm bằng chứng về sự có mặt, cai quản và khai thác với tư cách nhà nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của các nước ven Biển Đông mà ''đường lưỡi bò'' lấn vào. Trung Quốc cũng muốn biến các vị trí mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành những ''đảo'' có người sinh sống, có hoạt động kinh tế, thậm chí trở thành những cơ sở cung cấp dịch vụ hàng hải, khí tượng thủy văn, cứu nạn trên biển để có thể chứng minh rằng các "đảo'' này có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Tất cả nhằm củng cố thế đứng chiến lược và quyền kiểm soát Biển Đông.

Dư luận phản đối

Cho đến nay, dường như chưa có dấu hiệu nào cho thấy những hoạt động nói trên của Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn trên thực địa. Nhưng không có nghĩa là những hành động đó không thể bị thách thức về mặt pháp lý. Các nước ven Biển Đông trực tiếp bị ảnh hưởng cũng như các cường quốc hàng hải ngoài khu vực đều đã có phản ứng bằng hình thức và ở diễn đàn khác nhau.

Phản ứng của dư luận quốc tế tỏ rõ không đồng tình với yêu sách vùng biển dựa trên ''đường lưỡi bò'' phi lý, cũng như các hành động dùng sức mạnh để áp đặt yêu sách của Trung Quốc, vi phạm các quy định của Công ước Luật Biển 1982 về xác định các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và sử dụng biển một cách hòa bình, thiện chí. Dư luận quốc tế đặc biệt lo ngại trước việc Trung Quốc liên tục thay đổi thực trạng chiếm đóng và tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông. Những hành động này đi ngược với cam kết của Trung Quốc về duy trì nguyên trạng và không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông theo Tuyên bố về Ứng xử của các Bên (DOC), làm gia tăng  nguy cơ xung đột đe dọa hòa bình ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Indonesia, nước không có yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa lý nằm trong ''đường lưỡi bò'' của Trung Quốc, đã chính thức phản bác yêu sách ''đường lưỡi bò'' và yêu sách vùng biển 200 hải lý tính từ quần đảo Trường Sa của Trung Quốc trong một Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 8/7/2010.

Yêu sách chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông dựa chủ yếu vào căn cứ lịch sử, trong khi bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không những thiếu xác thực, không nhất quán, mà còn không thể hiện được rằng nhà nước Trung Quốc đã thực sự chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục tại Biển Đông.

Mỹ, một nước ở bên ngoài khu vực và luôn khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc chèn ép các nước khác ở Biển Đông. Ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Tài liệu số 143 có tên "Trung Quốc: Yêu sách biển ở Biển Đông" bình luận về "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc chưa làm rõ yêu sách biển gắn với bản đồ đường chín đoạn theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc đưa ra những bằng chứng mâu thuẫn nhau về bản chất và phạm vi yêu sách biển của mình ở Biển Đông.

Trước những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ triển khai một số hoạt động trong khuôn khổ Chương trình FON (Tự do Hàng hải) của Hải quân Mỹ ở vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo đó. Trung Quốc cho rằng Mỹ không có lý do gì để làm như vậy vì Trung Quốc luôn tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và hành động của Mỹ chính là quân sự hóa Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực. Phía Mỹ giải thích động thái này nhằm thể hiện lập trường của Mỹ không công nhận các yêu sách vùng biển không rõ ràng và không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thực tế, Mỹ đang răn đe khả năng Trung Quốc áp đặt ''lãnh hải'' và ''vùng đặc quyền kinh tế'' của các đảo nhân tạo đó để cản trở hoạt động của tàu và máy bay quân sự  Mỹ.

Vụ kiện tại Tòa trọng tài do Philippines khởi xướng năm 2013 là một nỗ lực sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật biển 1982 để thách thức căn cứ pháp lý của các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông qua vụ kiện này, Philippines về căn bản muốn khẳng định rằng: i) yêu sách về ''các quyền lịch sử'' đối với các vùng biển nằm trong ''đường lưỡi bò'' của Trung Quốc không  phù hợp với Công ước Luật biển 1982. Trung Quốc, cũng như mọi quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 khác, chỉ có các quyền đối với các vùng biển trong phạm vi mà Công ước quy định; ii) Bãi cạn Scarborough và các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa, bất kể thuộc chủ quyền của nước nào, đều không phải là các đảo có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Do vậy, giả dụ Trung Quốc có chủ quyền đối với các thực thể nói trên, Trung Quốc cũng chỉ được hưởng vùng biển tối đa là 12 hải lý tính từ các thực thể đó; iii) các hành động của Trung Quốc nhằm cản trở Philippines thực hiện quyền thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, cũng như hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa vi phạm các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982.

Mặc dù PCA (Tòa Trọng tài thường trực) chưa phán quyết về các nội dung vụ kiện, nhưng việc Tòa quyết định thụ lý vụ kiện và xem xét toàn bộ các nội dung khởi kiện của Philippines đã khẳng định rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra những tranh chấp pháp lý, lập trường pháp lý của Trung Quốc không được nước khác công nhận. Phán quyết của PCA về ba nội dung nêu trên sẽ cung cấp căn cứ pháp lý quan trọng để đánh giá cách ứng xử của các Bên trong tranh chấp ở Biển Đông và hỗ trợ cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, do phạm vi thẩm quyền của PCA bị hạn chế bởi chính quy định của Công ước Luật biển 1982, vụ kiện sẽ không giải quyết vấn đề chủ quyền đối với các lãnh thổ bị tranh chấp và không phân định ranh giới các vùng biển bị chồng lấn do yêu sách vùng biển dựa trên cơ sở Công ước Luật biển 1982 của các nước liên quan.

(Còn tiếp)

Kỳ 2: Lựa chọn biện pháp pháp lý của Việt Nam

Hà Linh Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - thành viên Hội Luật gia Việt Nam