Nhỏ Bình thường Lớn

Biên giới và những chuyến đi

Ông không nhớ đã bao nhiêu lần đi thực địa biên giới, chỉ nhớ có những thời điểm cứ cuối tuần là “xách ba lô đi”. Ông không nhớ địa điểm ấy ông đã đi lại bao lần, nhưng nhớ như in đường biên ấy dài bao nhiêu cây số, có bao nhiêu cột mốc, cột mốc ấy nằm ở vị trí nào.

Ông chính là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn.

“Cứ thu xếp được là tôi đi biên giới!”

“Làm công tác biên giới là phải đi thực địa. Ngồi ở bàn thì không thể giải quyết được”, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn chia sẻ. Ông gắn bó với các công việc liên quan đến biên giới lãnh thổ gần 40 năm, từ khi còn ở Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đầu những năm 1980. Thời điểm đó, ông đã có những chuyến đi biên giới “nhớ đời” khi mỗi bước chân như đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết vì phải đi “giữa hai vạch vôi các chiến sĩ biên phòng vạch cho, nếu đi ra ngoài là mìn nổ”.

Sau này, khi được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia từ năm 2007, công việc của ông cũng gắn với những chuyến đi tới các vùng biên. Thời điểm đó, công tác phân giới cắm mốc biên giới của Việt Nam với Trung Quốc đã ở giai đoạn cuối cùng nhưng các khu vực như cửa sông Bắc Luân, thác Bản Giốc hay một số điểm ở Lạng Sơn vẫn chưa đi đến thống nhất nên ông vẫn phải thường xuyên đi lại những chỗ này để tìm hướng giải quyết.

bien gioi va nhung chuyen di

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn (thứ tư từ phải) tại Lễ khánh thành cột mốc 275, biên giới Việt Nam - Campuchia, ngày 26/12/2015.

Cuối năm 2008, công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc cơ bản hoàn thành thì chuyển sang đẩy mạnh triển khai công tác biên giới với Lào, Campuchia. Ông cho biết: “Giai đoạn này đi thường xuyên. Cứ lúc nào không bận công việc đối ngoại hoặc phải tham dự các cuộc họp quan trọng ở Hà Nội là tôi thu xếp đi các tỉnh. Không thể nhớ có những chỗ đi đi lại lại bao nhiêu lần”.

Vất vả nhưng vui

Ông nhớ lại lần chuẩn bị cho chuyến đi thực địa tại một địa điểm cắm mốc biên giới Việt – Lào ở vùng Quảng Nam vì “ngồi nhà nhiều khi sốt ruột tại sao có một cái cột mốc mà xây mãi không xong”. Nói thế nhưng ông hiểu rõ hơn ai hết những gian khổ của những người đang ngày đêm xây “phên dậu” cho Tổ quốc, cắm mốc chủ quyền thiêng liêng cho đất nước. Ông kể, các điểm mốc giới giữa tỉnh Quảng Nam với các vùng của Lào là vùng núi rất cao, cả xe cơ giới và trực thăng đều không tiếp cận được vì rất nguy hiểm. Bởi thế, đội cắm mốc phải chia nhau gùi vật liệu, khi thì đi bộ, khi di chuyển bằng bè, rồi có khi leo núi cả ngày. “Phải đi mới thấy sự vất vả của anh em. Ngồi bàn giấy nghe báo cáo thì không thể mường tượng hết được”, người đứng đầu Ủy ban Biên giới quốc gia nhiều lần nhấn mạnh.

Lại có lần ông cùng một Thứ trưởng Ngoại giao Lào đi khảo sát vùng biên giới ở huyện Tương Dương, Nghệ An. Biên giới ở đó chạy theo con suối, nước suối chảy rất xiết và có nhiều ghềnh. Ban đầu, cả đoàn đi thuyền khảo sát nhưng đến đoạn ghềnh thì không dám đi nên phải ghé vào bờ để trèo qua cái ghềnh đó. Trên thuyền chỉ có anh lái thuyền vốn thông thạo địa hình còn cả đoàn phải bám vách đá để trèo qua ghềnh. Nhớ lại chuyến đi đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vẫn còn cảm thấy “hết hồn” vì đối tác của ông lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đã hơn 60 tuổi. “Không thể mường tượng hết được nguy hiểm” nhưng may là “bạn Lào cũng không kêu ca gì vì hai bên thông cảm với nhau, hiểu được những gian nan của công tác biên giới”. Sau này mỗi lần ôn lại, cả ta và bạn lại cười như pháo ran.

Phải đi mới thấy sự vất vả của anh em. Ngồi bàn giấy nghe báo cáo thì không thể mường tượng hết được, người đứng đầu Ủy ban Biên giới quốc gia nhiều lần nhấn mạnh.

“Có những khi hai bên ngồi đàm phán rất lâu mà vẫn không đi đến thống nhất, lại phải cùng đi thực địa”. Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nhắc đến lần đàm phán với Campuchia về biên giới với Việt Nam đi qua địa phận Long An. Qua rất nhiều vòng đàm phán mà tình hình vẫn chưa tiến triển, “lúc đó, tôi nói với ông Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp, Trưởng đoàn biên giới của Campuchia là phải ra thực địa, xem thực tế để rồi bàn cách giải quyết”. Hai Trưởng đoàn đàm phán cùng các thành viên trong đoàn lội ruộng đến thực địa và yêu cầu bộ đội biên phòng, cán bộ và người dân địa phương bày tỏ quan điểm của họ và trao đổi, làm rõ vì sao cắm mốc chỗ này hay chỗ kia. “Sau đó, hai bên ngồi lại và cuộc đàm phán mới đạt được kết quả”, ông hào hứng kể, cứ như câu chuyện mới xảy ra hôm qua.

Những dấu mốc đáng tự hào

Không những được nghe kể về “lai lịch” của các cột mốc quốc giới, trò chuyện với ông còn cho chúng tôi cảm giác như ông đang nắm giữ “đại sử ký” về các sự kiện liên quan đến biên giới lãnh thổ. Hỏi ông về điểm nổi bật của công tác phân giới cắm mốc năm 2015, ông giải thích cặn kẽ lịch sử của từng vấn đề, bắt đầu đàm phán vào thời gian nào, thời điểm nào công việc bị “chững”, ngày tháng nào các bên ký kết nghị định thư, hiệp định…

Về biên giới với Trung Quốc, từ năm 2008, khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên đất liền, hai nước bắt đầu đàm phán về việc hợp tác ở cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc. Nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2015 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tự do đi lại của tàu thuyền ở cửa sông Bắc Luân. Như vậy, với Trung Quốc, “chúng ta không những đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc mà còn tiến hành hợp tác ở hai khu vực vì lợi ích chung của hai nước là phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân khu vực biên giới”, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh.

Về “hàng rào pháp lý” với Lào, vị Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia quay lại thời điểm năm 1977 khi hai nước tiến hành đàm phán song phương, rồi đến hoàn thành phân giới, cắm mốc vào năm 1987. Ông say sưa kể về sự hiện đại, chính quy của các cột mốc quốc giới Việt – Lào sau khi hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo. Với độ dài đường biên giữa hai nước khoảng 2.337 km thì trước đó trung bình 12 km mới có một cột mốc, thậm chí có những đoạn các cột mốc cách nhau 40 km và các mốc giới lúc đó còn thô sơ. Từ chỗ chỉ có 199 mốc giới, đến nay giữa hai nước có hơn 900 mốc với mật độ trung bình khoảng 2,5 km có một mốc giới.

Về biên giới Việt Nam - Campuchia, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho biết, sau khi Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền giữa hai nước ký năm 1985 có hiệu lực, hai bên bắt tay vào công tác phân giới cắm mốc. Tuy nhiên, do một số lý do mà công tác này bị tạm dừng từ năm 1988. Từ năm 1999, hai bên tái khởi động trao đổi về biên giới và ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước 1985 vào ngày 10/10/2005.

Thứ trưởng đánh giá công tác phân định biên giới giữa hai bên trong năm 2015 có tiến triển đáng ghi nhớ. Đến nay, hai nước đã hoàn thành gần 90% công tác phân giới cắm mốc. Biên giới trên bộ giữa hai nước dài khoảng 1.130 km nay chỉ còn khoảng hơn 100 km chưa phân giới cắm mốc được do quan điểm hai bên về những đoạn này còn khác nhau. Ngày 26/12 vừa qua, hai bên đã tổ chức khánh thành hai mốc đại cuối cùng (30 và 275), qua đó hình thành “cột xương sống” của đường biên giới hoàn chỉnh từ điểm đầu đến điểm cuối...

* * *

Không nhớ đã biết bao lần đặt chân lên vùng biên ải, không thống kê được bao nhiêu giờ “đấu trí” trên bàn đàm phán, nghiền ngẫm bao nhiêu trang văn kiện… nhưng Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vẫn khiêm tốn cho rằng công việc của ông chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của những người làm công tác biên giới lãnh thổ – sự nghiệp thiêng liêng mà mỗi người đều phấn đấu vì mục đích chung: tạo ra đường biên giới rõ ràng để bảo vệ chủ quyền đất nước, để việc giao lưu qua lại dễ dàng hơn và tạo cơ sở hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng.

Vân Hồ

Tin cũ hơn

ASEAN ủng hộ Liên hợp quốc ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật ASEAN ủng hộ Liên hợp quốc ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật
Hợp tác và kết nối du lịch giữa Việt Nam với Brunei và tiểu vùng BIMP – EAGA Hợp tác và kết nối du lịch giữa Việt Nam với Brunei và tiểu vùng BIMP – EAGA
Việt Nam bày tỏ đoàn kết với Cuba khắc phục hậu quả cơn bão Oscar Việt Nam bày tỏ đoàn kết với Cuba khắc phục hậu quả cơn bão Oscar
Đại sứ Bùi Văn Nghị: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường là dấu mốc quan hệ đặc biệt Việt Nam-Peru, đóng góp tích cực cho tầm nhìn APEC Đại sứ Bùi Văn Nghị: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường là dấu mốc quan hệ đặc biệt Việt Nam-Peru, đóng góp tích cực cho tầm nhìn APEC
Nâng tầm công tác lịch sử và truyền thống ngoại giao xứng với tầm vóc Việt Nam trong kỷ nguyên mới Nâng tầm công tác lịch sử và truyền thống ngoại giao xứng với tầm vóc Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Chủ tịch nước Lương Cường thăm Chile: Tiếp nối tình hữu nghị truyền thống, đưa hợp tác lên cấp độ cao hơn Chủ tịch nước Lương Cường thăm Chile: Tiếp nối tình hữu nghị truyền thống, đưa hợp tác lên cấp độ cao hơn
Ngày Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hiện diện ở Brazil và Saudi Arabia Ngày Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hiện diện ở Brazil và Saudi Arabia
Đoàn doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Estonia đến Việt Nam, sẵn sàng góp sức trong nỗ lực chuyển đổi số Đoàn doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Estonia đến Việt Nam, sẵn sàng góp sức trong nỗ lực chuyển đổi số
Đối ngoại trong tuần: Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Trung Đông; công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam Đối ngoại trong tuần: Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Trung Đông; công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam
Bộ trưởng Ngoại giao tặng Bằng khen và Tuyên dương tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong xuất bản cuốn sách của cố Tổng Bí thư Bộ trưởng Ngoại giao tặng Bằng khen và Tuyên dương tập thể, cá nhân đóng góp tích cực trong xuất bản cuốn sách của cố Tổng Bí thư
Bộ Ngoại giao tri ân công lao cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám Bộ Ngoại giao tri ân công lao cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh GMS: Chung tay xây dựng một Tiểu vùng Mekong hội nhập, thịnh vượng, bền vững và phát triển toàn diện Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh GMS: Chung tay xây dựng một Tiểu vùng Mekong hội nhập, thịnh vượng, bền vững và phát triển toàn diện