Giảng viên Nguyễn Đồng Anh (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sinh viên tìm hiểu thực tế ứng dụng các công nghệ vận hành sản xuất chương trình Truyền hình tại Trường quay. |
Mới và cũ
Đã qua rồi cái thời sinh viên trầm trồ hay xôn xao về những slide bài giảng động, với kỹ xảo chuyển cảnh nhịp nhàng, hình ảnh màu sắc hay video sinh động. Những điều tưởng như rất "mới mẻ" đó đang dần trở nên "cũ kỹ" bởi tốc độ phát triển chóng mặt của các loại hình công cụ mới hơn mỗi ngày. Khi phương pháp giảng dạy với máy chiếu, slide ảnh động... trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho mỗi bài giảng thì sinh viên bắt đầu không còn cảm thấy hứng thú.
Trong cuộc sống hàng ngày, sinh viên liên tục được tiếp cận với các khái niệm mới như công nghệ 3D, kính thực tế ảo VR (virtual reality), công nghệ video 360o... Bên cạnh đó, các em được sở hữu và thường xuyên sử dụng thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, liên tục kết nối mạng xã hội, các phần mềm, ứng dụng di động, mang tính tương tác và cá nhân hoá cao... Đây đều là những thiết bị cá nhân mà nhà trường không thể cung cấp cho giảng viên cũng như sinh viên ở mức độ phổ cập. Chính vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, các công cụ E-learning do nhà trường cung cấp hiện chưa theo kịp tốc độ phát triển về mặt công nghệ của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Đại học Monash (Melbourne, Australia) thực hiện qua khảo sát 1.600 sinh viên tại hai trường đại học ở Australia, cho thấy: Dù công nghệ kỹ thuật số hiện là yếu tố trung tâm trong giáo dục bậc đại học nhưng nó hoàn toàn không thể thay đổi "bản chất của việc dạy và học".
Lợi ích lớn lao mà công nghệ có thể đem lại trong môi trường giáo dục hiện đại như giúp giảng viên lẫn sinh viên quản lý quá trình dạy và học tốt hơn (sắp xếp thời gian, địa điểm linh hoạt theo từng nhu cầu, môn học, qua đó tiết kiệm thời gian cũng như công sức đi lại...) liệu có thể cùng lúc nâng cao chất lượng bài giảng hay khả năng tiếp thu của sinh viên?
Dựa trên quan điểm giáo dục hiện đại là "lấy người học làm trung tâm", giảng viên cũng như những người làm giáo dục bậc đại học cần phải nhìn nhận việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số dưới cái nhìn của người học. Điều gì cần thiết? Điều gì hữu dụng và mang lại lợi ích cho việc dạy cũng như học? Quan trọng hơn là kỹ năng biến các thiết bị công nghệ số trở thành công cụ có chất lượng cho việc giảng dạy, học tập trong môi trường thực tế, nâng cao hiệu quả truyền đạt và tiếp nhận, dựa trên nền tảng là nội dung những kiến thức được chia sẻ.
Thiếu và thừa
Việt Nam còn nhiều khó khăn về mặt kinh tế cũng như thiếu vắng các quan điểm giáo dục mang định hướng dịch vụ, thị trường hiện đại - nhưng lại luôn là một quốc gia biết đi tắt đón đầu các thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới.
Theo Internet World Statistics, tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam tính đến hết tháng 6/2015 là hơn 45,5 triệu người (48% dân số), xếp thứ sáu ở châu Á và đứng thứ 17 trong 20 quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam có hơn 128 triệu thuê bao di động (tương đương 141% dân số), hơn 30 triệu người sở hữu tài khoản mạng xã hội (32% dân số) cùng với thời lượng sử dụng các thiết bị, công nghệ ở mức cao (từ ba đến hơn năm tiếng mỗi ngày), theo thống kê của tổ chức We are Social.
Thực hành tác nghiệp môn Thiết kế sản phẩm Truyền thông của các Nhóm sinh viên Khoá Truyền thông 39 – Học viện Ngoại giao |
Tuy nhiên, tất cả số liệu trên đều không chỉ ra tỷ lệ ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới vào công việc, học tập hay nghiên cứu khoa học; cũng không có số liệu thống kê hay báo cáo chính thức về hiệu quả việc ứng dụng công nghệ trong cuộc sống nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Chúng ta chỉ thấy đâu đó trên báo chí thông tin về việc sử dụng các thiết bị công nghệ để gian dối trong kỳ thi hay thực trạng cộng đồng mạng Việt Nam với những "anh hùng bàn phím" trở thành nỗi ám ảnh của các diễn đàn công nghệ, mạng xã hội thế giới...
Thực tế cho thấy, chúng ta đã đi quá nhanh, phát triển quá nóng trên khía cạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, nhưng lại chỉ chú trọng vào phần "ngọn" là máy móc và các phần mềm liên tục cập nhật mà quên đi mất những giá trị cốt lõi mang tính nền tảng. Cái "gốc" của công nghệ, dù hiện đại tân tiến đến mấy vẫn phải là quy trình vận hành, hệ thống cách thức khai thác và sử dụng của con người, bên cạnh đó là những quy định có giá trị pháp lý, những hướng dẫn có giá trị văn hoá, gần gũi và có tính lan toả, chia sẻ trong cộng đồng, giúp định hướng mục đích sử dụng của mỗi người.
Cụ thể, trong lĩnh vực đào tạo ở bậc đại học, điều cần thiết nhất là xây dựng một nền tảng hệ thống các phương tiện, ứng dụng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Nền tảng này bao gồm công nghệ mới nhất được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của sinh viên và giảng viên, bao gồm: hệ thống cơ sở dữ liệu, chia sẻ kiến thức tài nguyên học thuật, công cụ trực tuyến và quy trình vận hành, phối hợp kết nối giữa người dạy và người học.
Dù công nghệ sẵn có, dù các thiết bị ngày càng nhiều và có giá thành rẻ hơn, nhưng nếu thiếu một tư duy mang tính hệ thống với những quy trình, nền tảng, chuẩn mực để kết nối công nghệ với con người và với những giá trị sử dụng của nó, mọi sự đầu tư vào công nghệ kỹ thuật ở các môi trường đào tạo sẽ chỉ là một sự lãng phí.
***
Dưới góc nhìn giáo dục là một ngành dịch vụ thì giáo dục bậc đại học hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thử thách đến từ chính "khách hàng" là thế hệ trẻ (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 đến năm 2000), được tạm gọi là thế hệ Z, một thế hệ được "định hướng bởi công nghệ". Chính vì vậy, để có thể phục vụ tốt đối tượng khách hàng này, những người làm giáo dục nói chung và những người làm giáo dục bậc đại học ở Việt Nam nói riêng cần cảm nhận được sức ép phải đi trước các em, ít nhất là về mặt công nghệ là thứ mà các em đang phụ thuộc.
Dựa trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm, sử dụng chính những lợi thế của công nghệ, bao gồm các kênh truyền thông mạng xã hội để kết nối với sinh viên, xây dựng các nhóm cộng đồng trực tuyến, phổ biến văn hoá của ngôi trường, ngành học..., từ đó nâng cao hiệu quả của các phương tiện khoa học kỹ thuật khác trong hoạt động giảng dạy.
Đó chính là "chiến lược số" của những giảng viên trẻ trong kỷ nguyên công nghệ số.