Đại sứ Trần Hải Hậu. |
Singapore có diện tích trên 700km2, với dân số 5,5 triệu người bao gồm cả người nước ngoài, trong đó 75% dân số là người Hoa, 14% là người Mã, 7% người Ấn, còn lại 5% là các sắc tộc khác. Tổ tiên người Singapore đến hòn đảo này để tìm kiếm kế sinh nhai và mang theo tập quán, phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Mỗi sắc tộc có nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của mình cũng như đoàn kết với nhau, chung tay vì thịnh vượng của cả đất nước. Việc không có tài nguyên thiên nhiên, càng thôi thúc các sắc tộc phải gắn kết với nhau hơn.
Những thập kỷ gần đây, đồng hành với tiến trình mở cửa ra bên ngoài, khá đông chuyên gia và người lao động nước ngoài đến Singapore sinh sống và làm việc. Họ cũng mang theo bản sắc văn hóa riêng du nhập vào Singapore.
Bên cạnh đòi hỏi khách quan, chủ nghĩa đa văn hóa còn là chủ trương của Chính phủ nhằm đáp ứng tính đa dạng của xã hội đảo quốc Sư tử.
Kim chỉ nam trong xây dựng một dân tộc thống nhất
Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chính phủ Singapore đã chủ trương lựa chọn chính sách đa dạng văn hóa và coi đó là hòn đá tảng trong nỗ lực xây dựng một dân tộc thống nhất.
Trước hết thấy rõ sự can thiệp ở mức độ cao của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách này. Chính phủ thừa nhận ngôn ngữ của các cộng đồng lớn như tiếng Mã, tiếng Hoa phổ thông và tiếng Tamil, coi ba ngôn ngữ này là ngôn ngữ chính cùng với tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên. Chính phủ quy định giảng dạy kiến thức trong trường công lập bằng tiếng Anh, đồng thời dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh.
Ngoài ra, Chính phủ còn thông qua chính sách nhà HDB (căn hộ thuộc Cơ quan Phát triển Nhà của Chính phủ). Theo đó, Chính phủ xác định số lượng căn hộ cho từng nhóm sắc tộc chính ở trong mỗi tòa nhà. Khi đạt giới hạn được xác định số căn hộ đối với một sắc tộc, các nhà chức trách sẽ không bán tiếp cho dân sắc tộc đó. Biện pháp này nhằm ngăn chặn hình thành khu cư trú biệt lập giữa các sắc tộc. Có khoảng bốn phần năm dân số Singapore sống trong căn hộ HDB.
Tính hài hòa giữa các sắc tộc ở đảo quốc này còn thể hiện rất rõ ràng qua tôn giáo. Hiện có khoảng 33% dân số theo Phật giáo, 18% theo Thiên chúa giáo, 13,9% theo đạo Hồi, 10% theo Đạo giáo (Taoism), 5% theo đạo Hindu và 17% dân số không theo đạo nào. Chính phủ chủ trương tách biệt nhà nước và tôn giáo, duy trì tính trung lập đối với tôn giáo. Ở Singapore, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các ngôi chùa, nhà thờ Thiên chúa, nhà thờ Hồi giáo và đền thờ Đạo giáo nằm cạnh nhau. Đôi khi, người ta còn thờ tự các tôn giáo khác nhau cùng chung một địa điểm hoặc một số lễ hội các tôn giáo khác nhau cùng được phối hợp tổ chức chung. Xích mích đôi khi nổi lên giữa các nhóm tôn giáo đều được giải quyết ổn thỏa trong hòa bình.
Tấm gương sáng trong công tác gắn kết cộng đồng
Nếu các bạn từng có dịp tham gia lễ hội Chingay, hẳn sẽ không khỏi choáng ngợp. Chingay được tổ chức hàng năm vào tuần đầu năm mới Âm lịch. Đây là dịp biểu dương văn hóa và tình đoàn kết của các sắc tộc ở Singapore.
Chingay được coi là lễ hội đường phố có quy mô lớn nhất châu Á. Nhắc đến Chingay là nhắc đến những màn trình diễn hoành tráng, đậm đà bản sắc các sắc tộc cùng màu sắc và âm thanh rộn ràng của lễ hội. Tại đây, hơn chục ngàn người chủ yếu là diễn viên quần chúng biểu diễn theo từng nhóm, di chuyển trên quãng phố dài. Mỗi Chingay có một chủ đề, nhưng đều xoay quanh mục tiêu biểu đạt tình đoàn kết và sự thịnh vượng của Singapore. Việt Nam đã cử đoàn nghệ thuật tham gia Chingay 2015 và để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với người dân đảo quốc.
Cơ quan tổ chức lễ hội Chingay là Hiệp hội Nhân dân Singapore, tổ chức tương tự như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiệp hội có nhiệm vụ quảng bá thúc đẩy hài hòa giữa các sắc tộc, tăng cường đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư, kết dính xã hội và kết nối người dân với Chính phủ. Bên cạnh đó, Hiệp hội thường xuyên hỗ trợ hoạt động thể thao, thanh niên, phụ nữ, người già… Hiệp hội Nhân dân đã lập ra 1.800 tổ chức cơ sở, 100 câu lạc bộ cộng đồng ở các khu dân cư. Điều đáng nói là hoạt động của Hiệp hội nhận được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ rất đông đảo tình nguyện viên ở cơ sở.
Có thể nói, Singapore là tấm gương sáng trong công tác gắn kết cộng đồng, hài hòa các nền văn hóa, sắc tộc, đáng để cho các nước khác, trong đó có Việt Nam tham khảo. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, việc một bộ phận người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài ngày càng đông hơn sẽ tiếp tục là một xu thế. Ngược lại, một bộ phận người nước ngoài làm ăn sinh sống ở Việt Nam cũng là một tất yếu. Bài học kinh nghiệm của Singapore trong ứng xử với các sắc tộc mới hình thành trong xã hội do quá trình mở rộng giao lưu quốc tế rất đáng để chúng ta học hỏi. Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Nhà nước cần tích cực hỗ trợ hơn nữa để bà con thực sự là cầu nối cho hội nhập quốc tế và mỗi người đóng vai trò là sứ giả văn hóa Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam đã và đang là lực lượng hùng hậu mang tinh hoa văn hóa Việt Nam tỏa sáng với bạn bè năm châu.