Người dân địa phương tập trung tại các sườn dốc chuẩn bị cho công cuộc khẩn hoang. (Ảnh: BBC) |
Quá khứ tăm tối
Trong ánh hoàng hôn màu hồng tím, vùng đồng bằng Hawzen của Tigray nằm ở cực Bắc của Ethiopia hiện lên nổi bật với những cánh đồng xanh mướt và một dòng sông nhân tạo uốn lượn bao quanh. Ít ai có thể hình dung nơi đây từng là một sa mạc nứt nẻ và khô cằn, in dấu một thời ký ức tối tăm của người dân Ethiopia. Ba mươi năm trước đây, trận hạn hán lịch sử đã xóa sổ toàn bộ cây trồng ở quốc gia này và ước tính đã giết chết khoảng một triệu người, đẩy hàng triệu người khác bên bờ vực chết đói.
Thời kỳ đen tối đó, ca sĩ Bob Geldof và nhạc sĩ Midge Ure của ban nhạc Ultravox từng sáng tác bài hát Do They Know It's Christmas? để nhắc nhở người dân thế giới về hoàn cảnh đáng thương của những người sắp chết đói tại Ethiopia, kêu gọi thế giới cứu giúp các nạn nhân. Kể từ khi thu âm và phát hành vào cuối năm 1984 với mục đích gây quỹ, bản thu âm đã chiếm kỷ lục về bài hát bán chạy nhất tại Anh cho tới tận năm 1997.
Thời điểm đó, nhắc đến Tigray là nhắc đến tị nạn, viện trợ và nỗi thống khổ. Còn người Tigray được mô tả như hình mẫu của sự thụ động, chỉ biết sống nhờ vào nguồn viện trợ bên ngoài.
Hiện tại tươi mát
Từng bao quanh bởi vùng sa mạc cằn cỗi, giờ đây ngôi làng Abr'ha Weatsbaha nằm phía Bắc Tigray đang dần thay da đổi thịt từ những dự án khẩn hoang táo bạo. Từ lúc tờ mờ sáng, sau một hồi hiệu lệnh bằng tiếng tù và, cư dân trong làng lại đổ ra đường và tiến về phía thung lũng lởm chởm sỏi đá gần đấy để tham gia lao động cộng đồng. Công việc của họ đơn giản là "chế ngự sa mạc".
Chỉ với cuốc, xẻng, sắt và bàn tay trần, những người dân nơi đây đã biến những sườn dốc lởm chởm đầy gạch, đá thành những khoảng ruộng bậc thang gọn gàng, đẹp mắt. Ruộng bậc thang không chỉ giúp giữ lại nguồn nước mưa quý giá để tưới tiêu cho cây trồng mà còn giúp chống xói mòn và lũ quét.
"Đây là cách mà tổ tiên chúng tôi - vua Axumite vẫn làm vào khoảng 2.000 năm trước, với nông cụ tương tự", anh Zablon Beyen, một cư dân trong làng cho biết.
Kiến trúc sư trưởng của dự án khẩn hoang táo bạo này là lão nông Aba Hawi, 58 tuổi. Dáng người thấp, đậm đà nhưng ông Hawi nhanh nhẹn lạ thường. Công việc hàng ngày của ông là hướng dẫn cho người dân trong làng cải tạo đất và canh tác hiệu quả trên mảnh đất của mình. Nỗ lực không biết mệt mỏi của ông và mọi người đã dần mang lại sự biến đổi thần kỳ cho vùng núi Tigray.
Chỉ trong vòng một thập kỷ, toàn bộ vùng núi Tigray đã được phủ kín bởi những khoảng ruộng bậc thang. Nếu như trước đây, người dân phải đào gần 15m để tìm nước thì nay chỉ còn 3m. Gần 38ha sa mạc đã được phủ xanh bởi những cánh đồng màu mỡ. Các gia đình trong vùng mỗi năm đều có thể canh tác ba vụ từ các cánh đồng ngô, ớt, hành tây và khoai tây. Những bãi chăn thả gia súc trước đây được cải tạo và thay vào đó là rừng bạch đàn, rừng keo mới.
Để có đủ nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, ông Hawi đã vận động người dân xây dựng đập và hồ chứa nước nhân tạo. "Chúng tôi đã xây dựng được gần 85 con đập như vậy. Khi mùa khô đến, những hồ chứa mini sẽ giữ toàn bộ lượng nước mưa và cung cấp nguồn nước cho đồng ruộng. Những vùng đất vốn trước đây là sa mạc thì giờ đã trở thành những hồ nước xanh mát", ông Hawi chia sẻ.
Tuy nhiên, sự thành công của mô hình "xanh hóa sa mạc" cũng đặt ra nhiều thách thức đối với làng Abr'ha Weatsbaha khi rất nhiều người dân ở các vùng lân cận đổ về đây định cư, sinh sống.
"Nếu thấy mô hình của chúng tôi hay và hữu ích, họ có thể áp dụng ngay chính tại khu vực của mình chứ không cần thiết phải di cư đến làng chúng tôi. Dân số ngày một đông đang gây áp lực cho cơ sở hạ tầng nơi đây", ông Hawi lo lắng.
Hoàng Hà (theo BBC)