Hàng triệu người Thái thường tập trung bên các con sông và kênh rạch với những chiếc đèn Krathong trên tay trong lễ hội Loy Krathong. |
Theo truyền thống, cứ vào lễ hội Loy Krathong (dịp trăng tròn của tháng 12 Phật lịch, khoảng giữa tháng 11 dương lịch), hàng triệu người Thái lại tập trung bên các con sông và kênh rạch với chiếc đèn Krathong trên tay, ước một điều ước và nhẹ nhàng thả chiếc đèn trôi lênh đênh trên dòng sông.
Trong tiếng Thái, "Loy" có nghĩa là "thả" và "Krathong" có nghĩa là "hoa đăng". Lễ hội thả hoa đăng là dịp để người Thái bày tỏ lòng biết ơn đến Nữ thần Nước Phra Mae Kongka đã ban phát nguồn nước dồi dào cho con người và đây cũng là dịp mà người dân gửi lời tạ lỗi đến Nữ thần vì đã gây ô nhiễm nguồn nước mà Nữ thần ban cho. Người ta tin rằng "Mẹ nước", cội nguồn của sự sống sẽ ban phước và che chở cho cuộc sống của họ trong suốt cả năm. Ngày nay, người ta tin rằng Lễ hội là lúc mà những lời ước nguyện của con người sẽ trở thành hiện thực. Đặc biệt, những cặp yêu nhau cũng cùng nhau thả đèn trong ngày này với hy vọng tình cảm của họ sẽ lâu bền mãi mãi.
Lễ hội Loy Krathong bắt nguồn từ triều đại Sukhothai ở thế kỷ 13. Truyền rằng, một phụ nữ xinh đẹp có tên là Noppamas, Tổng quản Hoàng cung, đã làm một số đèn lồng đặc biệt cho lễ hội. Chúng được kết từ lá chuối mang hình dáng như những bông hoa sen. Nhà Vua trông thấy ấn tượng và truyền rằng từ nay trở đi, hàng năm mọi krathong sẽ được thả trên sông. Ngày nay, trong lễ hội, để tưởng nhớ người phụ nữ đã làm chiếc krathong đầu tiên, người ta tổ chức một cuộc thi sắc đẹp và gọi tên là "Nữ hoàng Noppamas".
Lễ hội bắt đầu cũng là lúc mùa mưa chuẩn bị kết thúc và mùa màng vừa thu hoạch xong. Tất cả các nghi thức của Lễ hội bao gồm thắp nến, ước nguyện và thả krathong với niềm tin rằng nếu có thể giữ cho nến trong krathong cháy tận cho đến khi krathong trôi khuất tầm mắt có nghĩa là krathong đó đã mang đi những nỗi lo âu, buồn phiền cùng những điều không may mắn.
Krathong truyền thống phải là những chiếc thuyền nhỏ hình hoa sen làm từ lá chuối, thân chuối, hoa được xếp rất cầu kỳ, trên thuyền có thức ăn, cau, hoa, nhang, nến và tiền đồng. Nhưng ngày nay, do sự phát triển của xã hội, hoa đăng làm bằng nhựa, xốp hay bột, mô phỏng theo hình dáng hoa đăng làm bằng lá chuối dần trở nên phổ biến. Giá trung bình cho mỗi krathong là 30 baht (khoảng 15.000 đồng). Chính quyền Bangkok ngày nay khuyến khích người dân thả krathong làm từ vật liệu thiên nhiên để bảo vệ môi trường và khuyên mỗi gia đình chỉ nên thả 1 krathong tượng trưng, tránh cho các con sông bị quá tải và ô nhiễm.
Lễ hội Loy Krathong được tổ chức khắp đất nước Thái Lan, nhưng lớn nhất là tại 4 tỉnh Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya và Bangkok. Ở những nơi này, ngoài hoạt động thả đèn trên sông, thành phố còn tổ chức bắn pháo hoa, diễu hành có trống chiêng và các tiết mục biểu diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống của Thái.
Tuy nhiên, cùng là Lễ hội Loy Krathong, song mỗi địa phương lại có màu sắc riêng. Ví dụ, ở tỉnh Tak (phía Tây Thái Lan giáp với Myanmar) có truyền thống Loy Krathong độc đáo: từng lễ vật riêng được kết vào nhau và thả cùng lúc để một chuỗi ánh sáng lấp lánh dọc con sông Ping (con sông nối từ Tak đến trung tâm Thái Lan). Và ở Tak, hoa đăng được kết bằng những tán lá dừa, thay vì lá chuối như phần lớn những nơi tổ chức Loy Krathong ở Thái Lan. Tại một số địa phương khác của Thái Lan còn tổ chức các hoạt động thi thả krathong đẹp, thi làm krathong to với những krathong đường kính lên tới 2-3m. Những krathong khổng lồ này được thả có thể trôi hàng tuần trên sông và người dân bên sông thường tiếp tục thắp sáng các ngọn nến bên trong nó.
Thanh Bình