📞

Biết tiếng Anh, chưa đủ!

16:11 | 14/11/2013
“Ngoại giao là nghệ thuật thấu hiểu các nền văn hóa khác nhau và sử dụng sự thẩm thấu này để dự đoán và tác động đến cách cư xử. Nói được một ngôn ngữ của một quốc gia khác là bước đầu tiên thiết yếu trong quá trình này”.
Anna Bradbury đang học tiếng Quan Thoại theo hình thức “một thầy, một trò”.

Đó là một phần trong bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ năng ngôn ngữ đối với các nhà ngoại giao của Ngoại trưởng Anh William Hague trong buổi khai trương Trung tâm đào tạo ngôn ngữ đặt tại trụ sở Bộ Ngoại giao Anh vào tháng 9 vừa qua.

Ngoại ngữ - kỹ năng then chốt

Đầu tháng 1 năm tới, Anna Bradbury tới Bắc Kinh nhận nhiệm vụ phụ trách Nhóm truyền thông và báo chí của Đại sứ quán Anh ở Trung Quốc. Cô không biết nói tiếng Quan Thoại (tiếng Hoa phổ thông) trước khi tới Bắc Kinh và điều này gây cho cô không ít căng thẳng.

Nhưng khi ngày lên đường bắt đầu nhiệm kỳ cận kề, tiếng Quan Thoại của cô ngày càng lưu loát nhờ chương trình đào tạo ngôn ngữ của Bộ Ngoại giao Anh (FCO). Bắt đầu từ tháng 4, Bradbury bắt đầu học tiếng Quan Thoại 4 giờ một ngày theo kiểu “một thầy một trò” và cô sẽ tiếp tục duy trì việc học khi đến Bắc Kinh.

Cô là một trong nhiều nhà ngoại giao Anh đang nỗ lực nâng cao các kỹ năng ngoại giao trong đó có khả năng ngoại ngữ là một yếu tố then chốt. FCO đang đặt mục tiêu nâng số nhân viên có thể nói tiếng Quan Thoại và tiếng Ảrập ở các cơ quan đại diện ở nước ngoài lên 40% so với năm 2010 và số người nói được tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lên 20%.

Trung tâm ngôn ngữ khai trương tháng 9 vừa qua không chỉ đào tạo ngoại ngữ cho các nhà ngoại giao mà còn cho các bộ ngành khác trong chính phủ. FCO đã từng có một trung tâm ngôn ngữ nhưng bị đóng cửa năm 2007 do chính sách cắt giảm chi tiêu của Thủ tướng Gordon Brown. Bắt đầu từ năm 2011, Ngoại trưởng Hague đã lên kế hoạch mở lại trung tâm và đưa ngôn ngữ trở thành vấn đề quan trọng trong các chương trình ngoại giao. Bradbury, 35 tuổi, nói: “Trong khi chờ trung tâm mới đang xây dựng, chúng tôi được học ở một cơ sở y tế cũ. Phòng giáo viên thậm chí còn có một bức rèm cũ của bệnh viện. Bởi thế trung tâm mới thực sự là một nơi thật tuyệt”.

Trung tâm sẽ có khoảng 70.000 giờ dạy ngôn ngữ mỗi năm cho khoảng 1.000 nhân viên của FCO và đào tạo khoảng 80 ngôn ngữ khác nhau. Khoảng ¾ chương trình dành để giảng dạy các ngôn ngữ chính là tiếng Ảrập, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và tiếng Quan Thoại.

Đối với những công việc cần biết tiếng Quan Thoại, chương trình đào tạo đòi hỏi lên đến 22 tháng. Bradbury sẽ được đào tạo như một sinh viên chính quy trong vòng gần 9 tháng trước khi bắt đầu công việc mới và phần còn lại sẽ được thực hiện trong khi tại nhiệm. “Đó là một khoảng thời gian dài, nhưng bởi tiếng Quan Thoại là một ngôn ngữ khó”, cô cho biết. Bradbury từng học tiếng Pháp và Đức ở trung học nhưng không tiếp tục bất cứ khóa đào tạo ngôn ngữ chính thức nào sau khi ra trường. Bradbury gia nhập FCO bắt đầu bằng các công việc ở bộ phận dịch vụ dân sự, nơi không đòi hỏi phải biết một ngoại ngữ thành thạo nhưng phải tham dự kỳ kiểm tra năng lực ngôn ngữ như một phần của quy trình đánh giá thi tuyển.

FCO yêu cầu các ứng viên phải trải qua bài thi năng lực ngôn ngữ để đánh giá liệu họ có phù hợp để học các ngôn ngữ khó trong nghề nghiệp của họ không. “Nhìn chung, chúng tôi không yêu cầu tất cả ứng viên phải biết ngoại ngữ trước khi nộp đơn vào FCO. Làm thế có thể bỏ nhỡ những người tài năng, những người vì một số lí do không có cơ hội học ngoại ngữ” - một người phát ngôn của FCO cho biết.

Mức độ Bradbury sẽ được đào tạo tiếng Quan Thoại cho công việc của cô ở Trung Quốc được FCO miêu tả là “có thể sử dụng được”. “Mục tiêu là tôi có khả năng điều hành một cuộc họp báo bằng tiếng Quan Thoại”, cô nói.

Chìa khóa cho các mối quan hệ

Nhiều sinh viên của Trung tâm ngôn ngữ cũng ý thức việc học một ngoại ngữ không nên chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp được. Ruth Rajavejjabhisal đang học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bởi vị trí mới ở Istanbul cần mà theo cô đó còn là chìa khóa cho các mối quan hệ đối ngoại tốt hơn.

Khi Rajavejjabhisal làm việc ở Đại sứ quán Anh ở Budapest, vai trò của cô không cần thiết phải biết tiếng địa phương nhưng cô vẫn học tiếng Hungary. Cô không muốn dựa vào mỗi tiếng Anh: “Biết ngôn ngữ địa phương giúp tôi sống ở nước đó một cách thoải mái. Bạn cũng dễ lấy được cảm tình của người địa phương nếu bạn biết nói ngôn ngữ của họ”.

Manley, 46 tuổi, học lịch sử ở Đại học Oxford, sắp nhận nhiệm vụ Đại sứ ở Tây Ban Nha, thấy giá trị của việc học tiếng Tây Ban Nha không dừng lại ở khả năng có thể giao tiếp với các bộ trưởng và chính trị gia: “ Để hiểu một đất nước, bạn cần hiểu lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của nước đó. Để hiểu một dân tộc, bạn cần đọc được văn học, xem phim, truyền hình và nhạc kịch nước đó. Bạn không thể hiểu được nội tại của một đất nước nếu bạn chỉ biết nói tiếng Anh”.

Khi Manley du học ở Mỹ, anh từng học tiếng Tây Ban Nha, một môn học bắt buộc để lấy bằng quan hệ quốc tế. Nhưng đây là lần đầu tiên anh học toàn thời gian ở Trung tâm ngôn ngữ. “Tôi thấy thật may mắn khi có thể dành 4 - 5 tháng chỉ tập trung vào các kỹ năng ngôn ngữ của tôi”, ông nói. Đối với Manley, vị trí mới của trung tâm nằm ngay trong trụ sở của FCO nói lên tầm quan trọng của ngôn ngữ trong các hoạt động ngoại giao.

Vân Hồ (Theo www.gov.uk, Guardian & Telegraph)