TIN LIÊN QUAN | |
Cảnh sát Indonesia dùng đạn hơi cay giải tán biểu tình | |
Đắm tàu ở Indonesia: Bắt giữ 2 thuyền viên, hàng chục người mất tích |
Thách thức đến từ công nghệ
Ngày 4/11 vừa qua, việc hàng trăm nghìn người dân Indonesia xuống đường biểu tình đòi kết tội Thị trưởng Jakarta Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama vì tội phỉ báng kinh Koran, xúc phạm đạo Hồi đã tạo ra những phản ứng khác nhau trong xã hội Indonesia.
Biểu tình bùng phát thành bạo lực tại Jakarta. (Nguồn: smh) |
Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Agus Mutohar, Đại học Monash (Indonesia) đã có một bài viết vừa qua trên Tờ Jakarta Post, trong đó nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy xã hội Indonesia có những tiến triển nhất định kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn phản đối Thị trưởng Jakarta Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama.
Theo Tiến sĩ, xã hội Indonesia đã bị phân chia thành 2 nhóm: một là những người muốn ông Ahok phải bị xét xử như một tội phạm và hai là những người không muốn Ahok bị kết tội. Cả 2 nhóm này đã tích cực sử dụng mạng xã hội như "WhatsApp", "Facebook", "Twitter" và "blog" để tuyên truyền cũng như bảo vệ quan điểm của mình.
Việc người dân Indonesia sử dụng Internet ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ đã khiến các vấn đề xã hội được lan truyền nhanh chóng. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người ta có thể nhanh chóng "phổ biến" quan điểm của mình trên phạm vi toàn quốc cũng như cả thế giới. Sự lan truyền các quan điểm này đôi khi rất nguy hiểm bởi một phần do nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, hơn nữa đất nước này vẫn còn những luật lệ tôn giáo nghiêm ngặt.
Giáo dục định hướng tư tưởng
Các cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn vừa qua là một ví dụ điển hình về những xung đột tiềm tàng trong xã hội nếu chính quyền Indonesia không nghiêm túc xem xét và có biện pháp giải quyết kịp thời. Tiến sĩ Agus Mutohar lập luận rằng, những xung đột này là kết quả của sự thất bại trong công tác giáo dục để giúp mọi cá nhân không bị mắc kẹt trong những cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
Cảnh sát Indonesia đứng thành hàng bảo vệ giữa đám đông của cuộc biểu tình. (Nguồn: AP) |
Vì vậy, trước hết, cần phải xem xét cách thức giảng dạy trong các trường học. Chúng ta đang sống trong sự biến chuyển nhanh chóng của toàn cầu với sự tác động của truyền thông, Internet... nên cách thức giảng dạy cần phải thay đổi, chuyển sang giảng dạy các vấn đề phức tạp và mang tính toàn cầu để người học có khả năng nhận thức được các vấn đề xã hội xung quanh.
Ví dụ, trong việc giảng dạy các môn xã hội hay tôn giáo, giáo viên có thể nêu và thảo luận về những hình ảnh tích cực trong hành đạo và những hình ảnh tiêu cực truyền bá thông điệp giết người của các đối tượng cực đoan, khủng bố. Giáo viên có thể cho người học thực hành những tình huống có thể trực tiếp thể hiện các quan điểm, hành động cá nhân trong việc chống hay phản bác các quan điểm thù hận tôn giáo, các hành động tôn giáo cực đoan...
Bên cạnh đó, giáo dục của Indonesia nên đề cao các giá trị đã được vun đắp qua bao đời, đó là những truyền thống, lịch sử, văn hóa của Indonesia vốn đã trở thành niềm tự hào của người dân. Người dân Indonesia cần phải coi những truyền thống này như một chân lý phổ quát và là động lực thúc đẩy phát triển. Trên thực tế, việc giảng dạy lịch sử, truyền thống và văn hóa ở Indonesia dường như vẫn chưa được coi trọng, hoặc chưa được đưa vào thường xuyên trong các bài giảng mà có xu hướng áp dụng một cách máy móc các giá trị này trong các dịp lễ, tết, các sự kiện văn hóa xã hội của đất nước.
Việc giảng dạy lịch sử, truyền thống, văn hóa trong các trường học quan trọng ở chỗ nó có thể cho phép những người theo các tôn giáo khác nhau, những người có nguồn gốc khác nhau cùng chia sẻ, trao đổi, bày tỏ quan điểm nhận thức của mình, thậm chí họ có thể tranh luận, phản bác nhau và từ đó giáo viên sẽ giảng giải, định hướng cho họ, từ đó hình thành trong họ những nhận thức đúng đắn, không có sự kỳ thị phân biệt. Tư tưởng này sẽ theo họ trong suốt hành trình của mình sau này.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, mọi người đều có thể tiếp cận, thu nhận các thông tin trên toàn thế giới một cách dễ dàng. Đây là lý do buộc nền giáo dục Indonesia phải dạy cho người học những kiến thức văn hóa cơ bản, truyền thống văn hóa của dân tộc để họ không bị ảnh hưởng, tác động bởi những kẻ cực đoan trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo Tiến sĩ Agus Mutohar, các trường học phải thiết lập một kỷ luật nghiêm minh, có thưởng phạt rõ ràng nhưng cũng phải tính đến các yếu tố về tâm lý, văn hóa, tôn giáo của người học. Các trường cần tăng cường thời gian cho thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia các hoạt động thực tế, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhau để hình thành kỹ năng giao tiếp và sự chia sẻ, cảm thông với nhau.
Tiến sĩ Agus Mutohar đi đến kết luận rằng giáo dục là phương cách tốt nhất để có một xã hội hòa bình và khoan dung, tránh việc có thể xảy ra xung đột khiến đất nước bị chìm vào khủng hoảng, xung đột sắc tộc, tôn giáo như ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
Cảnh sát Indonesia dùng đạn hơi cay giải tán biểu tình Cảnh sát Indonesia đã đụng độ với người biểu tình Hồi giáo cứng rắn khi họ từ chối giải tán cuộc biểu tình ngày 4/11 ... |
Indonesia: Hàng chục nghìn người Hồi giáo biểu tình tại thủ đô Jakarta Ngày 4/11, hàng chục nghìn người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn ở Indonesia đã tuần hành đến Dinh Tổng thống đòi Thị trưởng ... |
Indonesia “khát” vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Thiếu vốn trầm trọng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Indonesia tìm cách huy động vốn từ các ngân hàng lớn, ... |