Đông đảo người dân Chile tuần hành kêu gọi cải tổ mô hình phát triển kinh tế, cải thiện các chính sách an sinh xã hội. (Nguồn: AFP) |
Hứng nhiều chỉ trích từ các phương tiện truyền thông trên toàn cầu về quyết định hủy đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC và COP25 khi chỉ còn 2 tuần nữa là diễn ra Hội nghị theo dự kiến, Chile - quốc gia Nam Mỹ vốn được coi là ốc đảo ổn định và thịnh vượng nhất Mỹ Latinh đành bất lực vì những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục leo thang.
Trong lịch sử, đây là lần đầu tiên một Hội nghị Thượng đỉnh APEC theo kế hoạch bị hủy vào phút chót bởi một cuộc biểu tình nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nước chủ nhà đăng cai.
Nhưng phải đâu chỉ riêng Chile đang đối diện với tình trạng này.
Nhìn rộng ra các nước, thì thấy, sự bất ổn đang tồn tại ở mọi cấu trúc xã hội và ở bất cứ khúc quanh nào, cũng có những đốm lửa có nguy cơ bùng lên thành cơn bão lửa. Thống kê của tổ chức Cross National Time Serries (CNTS) cho thấy, các cuộc biểu tình đã tăng vọt trên toàn thế giới vào thời điểm từ sau năm 2010 - thời điểm đánh dấu mốc với phong trào mùa Xuân Arab. Trong vòng 50 năm, từ 1960-2010, các cuộc biểu tình chống chính phủ trên thế giới ở mức độ khoảng trên dưới 100 cuộc và giữ ổn định như vậy trong suốt thời gian dài. Tới năm 2010, các cuộc biểu tình bạo loạn tăng lên gần 500 cuộc, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó và tiếp tục tăng vọt trong các năm 2014, sau đó, đạt kỷ lục chưa từng có, gần 700 cuộc vào năm 2015. Bức tranh của năm 2019 cũng không sáng sủa gì hơn với những phong trào tương tự diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ Hong Kong (Trung Quốc) tới châu Mỹ Latinh.
Điều đó một lần nữa cho thấy, những nguy cơ tiềm ẩn âm ỉ trong mỗi xã hội có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào. Nó như những đốm lửa nhỏ lóe lên và rồi sẽ lan rộng trong sự cộng hưởng của nhiều nhân tố: sự bức xúc của số đông, tác động và lan tỏa thông điệp để tập hợp lực lượng gần như ngay lập tức từ các phương tiện truyền thông mới khiến cho tình hình trở nên không thể kiểm soát. Khi cơn cháy tràn qua, cái còn lại sau đó chỉ là những đổ nát và hoang tàn. Kinh tế suy giảm không chỉ tác động tới một địa phương, vùng hay một quốc gia, mà còn kéo theo những hệ lụy có tính hệ thống toàn cầu. Bên cạnh đó, hệ lụy của những bất ổn xã hội dẫn đến biểu tình còn tồi tệ hơn, bởi ngay cả khi có thể yên bình trở lại, thì những vỡ nát sau đó cũng mất nhiều tháng năm để “dọn dẹp”.
Vì vậy, một chiến lược quản trị có tầm nhìn là cần nhìn ra những cấu trúc bất ổn đó, để cải tiến và khắc phục, hướng tới một mục đích chung là hợp tác và ổn định của hệ thống xã hội. Đó là bài toán mà các quốc gia ngày nay đang phải đặt ra và tìm câu trả lời.