📞

Bình đẳng giới - nền tảng hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững

Viết Chung 21:15 | 25/12/2023
Thế giới hiện chưa đạt được bình đẳng giới bất chấp những nỗ lực toàn cầu.

Đó là thực tế đáng lo ngại trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 Liên hợp quốc (LHQ) nêu ra trong Báo cáo mang tên “Tiến triển về các mục tiêu phát triển bền vững: Thực trạng về giới năm 2023” hồi tháng 9 vừa qua.

Báo cáo đánh giá sự tiến bộ của phụ nữ trong việc đạt được 17 mục tiêu tại Liên hợp quốc đến năm 2030, liên quan tới các vấn đề từ xóa đói giảm nghèo và giáo dục đến biến đổi khí hậu và nhân quyền. Tuy nhiên, qua đó khoảng cách giới và cam kết trên toàn cầu về bình đẳng đối với phụ nữ càng trở nên rõ rệt hơn.

Trong một thế giới đa dạng, biến động khó lường như hiện nay, con đường đạt được mục tiêu bình đẳng giới gian nan hơn bao giờ hết. (Nguồn: Getty Images)

Con đường gian nan

Một nửa hành trình tiến tới năm 2030 đã qua đi, các thành viên của LHQ đã và đang nỗ lực đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có bảo đảm bình đẳng giới. Thế nhưng, trong một thế giới đa dạng, biến động khó lường như hiện nay, con đường đạt được mục tiêu bình đẳng giới gian nan hơn bao giờ hết.

Về mục tiêu chính là xóa đói giảm nghèo, báo cáo khẳng định, cứ 10 phụ nữ sẽ có 1 người sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày. Nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng thì 8% dân số nữ trên thế giới (hầu hết ở châu Phi cận Sahara) sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Ngoài ra, mặc dù khả năng tiếp cận giáo dục nói chung đối với trẻ em gái và trẻ em trai đang tăng nhưng báo cáo của LHQ lại nhấn mạnh hàng triệu bé gái chưa bao giờ được đến lớp hoặc hoàn thành chương trình học tập. Với tình trạng này, ước tính có khoảng 110 triệu học sinh sẽ không được đến trường vào năm 2030. Về mục tiêu việc làm bền vững, báo cáo ghi nhận chỉ khoảng 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 25-54 tuổi tham gia lực lượng lao động vào năm 2022 so với 90,6% nam giới.

Đặc biệt, các cuộc xung đột đang leo thang khiến thế giới phải đối mặt với một con số “gây sốc” là 614 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột vào năm 2022, cao hơn 50% so với năm 2017. Thêm nữa, nguồn tài trợ cho các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang “phân bổ không đầy đủ, không có kế hoạch và không nhất quán giữa các quốc gia”.

Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra một thực trạng đáng buồn rằng, thế giới sẽ cần đầu tư thêm 360 tỷ USD mỗi năm để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào năm 2030. Và như vậy, mục tiêu SDG về bình đẳng giới càng trở nên xa vời!

Trước một bức tranh “màu xám” đáng lo ngại đó, Trợ lý Tổng thư ký, bà Maria-Francesca Spatolisano trong một phát biểu đã khẳng định rằng bình đẳng giới đang trở thành “một mục tiêu ngày càng xa vời”. Bà chỉ ra những trở ngại đối với phụ nữ và trẻ em gái sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, tác động của biến đổi khí hậu và “sự phản đối với bình đẳng giới và tình trạng thiếu đầu tư”. Với tính nghiêm trọng của vấn đề, Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC) đưa ra cảnh báo rằng việc tiếp tục không ưu tiên đạt được bình đẳng giới sẽ khiến 17 mục tiêu đặt ra của LHQ chỉ có thể lưu lại trong hồ sơ.

Các đại biểu tham dự đối thoại chính sách "Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức" tại Hà Nội vào tháng 3/2023. (Nguồn: UN Women)

Bước tiến lớn của Việt Nam

Là một quốc gia thành viên LHQ, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với 17 SDG. Phải thừa nhận rằng trong bối cảnh chung của quốc tế hiện nay, Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa các SDG, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới. Nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng xuyên suốt, Việt Nam đang từng bước tháo gỡ khó khăn, triển khai tích cực từ chính sách tới thực tiễn, tăng tốc để “về đích”. Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất SDG về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Về phương diện chính sách, Việt Nam đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, các đề án, chương trình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về bình đẳng giới… và mới đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Không chỉ triển khai các giải pháp trong nước, Việt Nam cũng luôn nỗ lực hợp tác quốc tế trong thúc đẩy bình đẳng giới. Trên nhiều cương vị như Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020- 2021, Chủ tịch Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam luôn hướng tới triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Bức tranh bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực. Trên phương diện kinh tế, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình, có cơ hội để mang lại thu nhập cao hơn. Điều đó góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thập kỷ qua.

Trong lĩnh vực chính trị, theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nữ ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu nữ nhiệm kỳ khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với khoá XIV (26,72%). Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của các nữ đại biểu, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước).

Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam và là nền tảng vững chắc để các cấp, các ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong thúc đẩy bình đẳng giới như: Mất cân bằng giới tính khi sinh còn rất cao và có xu hướng gia tăng với tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái được sinh ra; tỷ lệ tảo hôn và có con sớm là khá cao ở phụ nữ dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại. Mặc dù được cải thiện, song phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm chính công việc chăm sóc gia đình không được trả lương, trong khi đó cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em, người ốm, người khuyết tật và người cao tuổi còn hạn chế đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng tham gia thị trường lao động của phụ nữ... Bên cạnh đó, số liệu để theo dõi, đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới hiện còn hạn chế.

Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa 17 SDG mà trong mỗi SDG đều lồng ghép những yếu tố về bình đẳng giới. Là một thành viên trách nhiệm của LHQ, Việt Nam sẽ không nản lòng trước những khó khăn của hiện tại, chung sức cùng cộng đồng quốc tế để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tháng 9/2015, Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đã được Đại hội đồng LHQ thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Với 17 mục tiêu cụ thể cho tới năm 2030, đây trở thành bộ tiêu chí đầu tiên được công nhận trên toàn cầu để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.