| Cần những chính sách để phụ nữ tận dụng cơ hội trong thời đại số (Kỳ 1) |
Nhiều chuyển biến về bình đẳng giới
Là một chuyên gia giáo dục, tâm lý học, ông nhìn nhận thế nào về bình đẳng giới ở nước ta trong tình hình mới?
Trong bối cảnh mới hiện nay, người Việt đã có cái nhìn tích cực hơn về giới tính và bình đẳng giới. Sự kỳ thị, phân biệt giới hoặc các tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “nam quyền gia trưởng”… đã ít nhiều có sự thay đổi so với trước. Đây là một minh chứng cho những bước tiến trong sự thay đổi của cộng đồng cũng như hiệu quả truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở Việt Nam những năm qua, nhất là sự thay đổi tự thân của con người.
Phụ nữ đã khẳng định được vị thế, năng lực, tầm ảnh hưởng đến người khác cũng như xã hội và con người đã dần tích cực từ trong nhận thức, quan điểm sống. Phụ nữ đã hiện diện và minh chứng về vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp đáng trân quý của mình trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trên nhiều bình diện khác nhau, từ những lãnh đạo cao cấp đến các vị trí quản lý.
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, người Việt đã có cái nhìn tích cực hơn về bình đẳng giới. (Ảnh: NVCC) |
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Ông đánh giá thế nào về những con số này?
Những con số này thể hiện rõ sự phát triển nhận thức và các hành động cụ thể của toàn xã hội Việt Nam trong việc hướng đến xây dựng một xã hội tốt hơn, bình đẳng hơn. Ở đó, vai trò và sự quan tâm dành cho phụ nữ là một điểm nhấn, nghĩa là bình đẳng giới đã có sự thay đổi rõ rệt.
Theo dữ liệu này, có thể nhận thấy, phụ nữ thời nay đã được quan tâm phát triển trong giáo dục nhiều hơn. Họ được đi học, đào tạo, thậm chí nhiều người đã đảm trách những vị trí rất quan trọng, có học vị, học hàm rất cao, xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần xem xét nhiều vấn đề để tránh chủ quan. Ở góc độ nào đó, trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực này nói chung chứ không đề cập vấn đề cá nhân hay gia đình.
Ngoài ra, cũng cần hiểu đúng về "ưu thế giới" bởi ở một khía cạnh nào đó, phụ nữ có lợi thế, thậm chí là sở trường trong một số lĩnh vực. Dĩ nhiên, nam giới cũng như vậy nên việc chọn ngành nghề hay công việc cần đảm bảo các yêu cầu này một cách linh hoạt, hiệu quả.
Nên thừa nhận việc trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Đây là biểu hiện thay đổi trong bình đẳng giới từ thực tiễn và xét ở khía cạnh hiệu quả. Nghĩa là, phụ nữ đã minh chứng về sự thành công trong việc hoàn thành các nhiệm vụ của mình.
Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Vậy thực trạng bất bình đẳng giới diễn ra thế nào ở nước ta?
Bất bình đẳng giới là một vấn đề ẩn trong tâm thức và nếp sống của nhiều gia đình, trong mỗi con người. Hơn nữa, đây là vấn đề tồn tại không hẳn của một cá nhân, một nhóm mà là câu chuyện chung của xã hội. Dù nhận thức và các hành động giảm bất bình đẳng giới hiện nay đã có cải thiện hơn trước, nhưng rất khó để xóa hết dấu vết bởi những “tàn dư” trong tư tưởng Nho giáo truyền thống để lại trong nếp tư duy của nhiều gia đình Việt.
Tư tưởng muốn sinh con trai, tư tưởng con trai mạnh mẽ và gách vác, con trai lo cho dòng tộc, hương tự, giao nhà cửa và đất đai, tài sản cho con trai phần hơn. Bên cạnh đó, lối sống gia trưởng, đàn ông làm chủ gia đình, đàn ông là tự hào của dòng họ vẫn còn tồn tại đâu đó ở các gia đình. Đây là thực tế không thể phủ nhận và phải từng bước nhận thức, điều chỉnh cũng như phát hiện kịp thời, tác động tích cực để xây dựng một gia đình bình đẳng hơn về giới, tạo nền tảng để có một xã hội bình đẳng giới thực chất, bền vững.
Khó có thể đánh giá thực trạng về bình đẳng giới ở nước ta khi chưa có những dữ liệu công bố rộng rãi với quy mô thuyết phục nhưng có thể đề cập vài biểu hiện sau từ góc độ khái quát.
Đó là, công tác giáo dục bình đẳng giới trong nhà trường đã được cải thiện, nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học, giáo dục học, xã hội học trong giáo dục phòng chống bạo lực dựa trên bình đẳng giới được đưa vào trường học và triển khai bằng nhiều hình thức.
Sự đổi mới chương trình giáo dục, với các trọng điểm về ngữ liệu dạy học đã tập trung nhiều hơn về sự cân bằng giới tính xuất hiện trong từng trang sách giáo khoa và được thực thi tích cực. Các mạng xã hội và truyền thông đã xuất hiện nhiều hơn các chủ đề liên quan về giới, bình đẳng giới, các chương trình truyền hình thực tế về giới ngày càng được xã hội công nhận, cũng như ủng hộ.
Đặc biệt, quan điểm của người trẻ trong công việc và phát triển cá nhân ngày nay đã không còn quá ưu tiên việc phải kết hôn sớm để duy trì nòi giống mà họ tập trung nhiều vào lối sống tập trung vào thực tại, thậm chí là độ tuổi kết hôn có xu hướng già hóa.
Các trường đại học, cao đẳng trước đây đào tạo các ngành học dành riêng cho nam giới nay đã có sinh viên nữ nhập học, thậm chí là số lượng sinh viên nữ tăng đáng kể. Những hình ảnh thành công về các nghề nghiệp tưởng chừng đặc thù cho nam giới dần thay đổi.
Ngay cả quan điểm giới cũng bắt đầu cởi mở, không chỉ là nam, nữ mà LGBT cũng được thừa nhận bằng nhiều mức độ, hình thức làm cho vấn đề giới cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người chứ không phải một sản phẩm sinh ra từ các khuôn mẫu xã hội. (Nguồn: SK&ĐS) |
Để tránh "trật đường ray"
Vậy cần những giải pháp truyền thông thế nào để tránh trường hợp "trật đường ray" về bình đẳng giới?
Để tránh những trường hợp “trật đường ray” về bình đẳng giới trong truyền thông, cần hiểu rõ nội hàm của bình đẳng giới hiện nay không chỉ dừng ở khuôn khổ người “nam” và người “nữ” mà còn đa dạng giới hơn rất nhiều. Đồng thời, bình đẳng giới có xu hướng số hóa và quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Hơn thế, bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người chứ không phải một sản phẩm sinh ra từ các khuôn mẫu xã hội.
Khi bàn về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, sự tham gia của mạng xã hội và tư duy xuyên quốc gia về vấn đề này là cần thiết tham khảo. Từ đó để có những phát ngôn đúng trọng điểm, không tạo hoặc thổi phồng sự việc. Bình đẳng giới không chỉ là biểu hiện của văn minh mà đó còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng.
Ở nước ta, tư tưởng “đàn ông phải là trụ cột trong gia đình” là một áp lực đối với nam giới. Nên tránh những suy nghĩ chưa đúng về bình đẳng giới để xây dựng một xã hội bình đẳng thực chất?
Khi ai đó bị xem phải là trụ cột trong gia đình, họ đều chịu áp lực vô hình, có nghĩa vụ phải chăm sóc, chăm lo, thậm chí là gánh vác các trách nhiệm của gia tộc (trách nhiệm duy trì nòi giống, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xây dựng mái ấm…). Nhưng thực tế không phải người đàn ông nào cũng có thể thực hiện trách nhiệm này.
Trong bối cảnh hiện nay, quan điểm này không còn phù hợp. Bởi trong một xã hội hiện đại, dù nam hay nữ đều có một cuộc sống độc lập và phát triển theo lối sống của riêng họ.
Nên lưu ý, khi nào chúng ta còn nhận thức được thế nào là tư tưởng lỗi thời, kỳ thị giới và thế nào là tư tưởng phù hợp, bình đẳng giới thì khi đó, mỗi người sẽ dễ dàng lựa chọn trên bước đường tìm kiếm, đấu tranh cho hạnh phúc của mình.
Chúng ta thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ cho nữ giới mà cho cả nam giới; thúc đẩy bình đẳng giới không phải là san bằng giới tính, mà nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi giới. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi đồng ý với quan điểm này và xin được mở rộng ra thêm khái niệm giới ở đây không chỉ nằm trong khuôn khổ nam giới và nữ giới, mà còn đa dạng sắc màu giới hơn trong cuộc sống xã hội hiện đại.
Ai cũng có quyền được sống hạnh phúc dựa trên lựa chọn của mình. Dù có lựa chọn sống theo xu hướng giới nào đi chăng nữa, chỉ cần chúng ta nhận thức được các thế mạnh của mình, sống tốt đời đẹp đạo, sống và làm việc tạo ra các giá trị, lan tỏa được các giá trị này cho thế hệ tiếp nối. Đó vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của từng người dân không phân biệt giới tính.
Đặc biệt, phát huy được thế mạnh của mỗi giới còn được hiểu là phát huy tính cân bằng trong tư duy, giáo dục và sử dụng nguồn nhân lực, hướng đến xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và hiện đại. Chúng ta được quyền hạnh phúc với lựa chọn sống một cuộc đời ý nghĩa theo chính mình.
Xin cảm ơn ông!
Đón đọc Kỳ cuối: Phụ nữ "đón đầu" cơ hội, chuyển mình để luôn tự tin, tỏa sáng