TIN LIÊN QUAN | |
"Kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên" | |
Thượng đỉnh liên Triều: Hai nhà lãnh đạo ký kết tuyên bố chung |
Ngày 19/9, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đặt bút ký Tuyên bố chung tại Nhà khách quốc gia Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng, kết thúc thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba. Phát biểu sau cuộc họp báo, ông chủ Nhà Xanh cho biết hai bên đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau khi ký kết tuyên bố chung của Thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba tại Bình Nhưỡng ngày 19/9. (Nguồn: AP) |
Hàn - Triều đạt được điều gì?
Đầu tiên, Triều Tiên sẽ cho phép các quan sát viên quốc tế tới theo dõi quá trình đóng cửa “hoàn toàn” các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này, trong đó có tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ diễn ra một khi Mỹ “có hành động tương xứng”. Hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn sẽ đưa bán đảo Triều Tiên thành “vùng đất của hòa bình, vắng bóng đe dọa từ vũ khí hạt nhân”.
Thứ hai, theo ông Moon, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành đóng cửa bãi thử tên lửa Tongchang-ri, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên hai miền nhất trí về những bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn”.
Thứ ba, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ thành lập một Ủy ban quân sự chung để hạ nhiệt căng thẳng, đảm bảo liên lạc thông suốt [giữa hai miền] nhằm giải quyết khủng hoảng kịp thời. Ông chủ Nhà Xanh cho rằng kế hoạch này là một phần trong cam kết loại bỏ “bất kỳ mối đe dọa nào có thể dẫn đến chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng sẽ gỡ bỏ 11 trạm gác mỗi bên tại Khu vực phi quân sự (DMZ).
Thứ tư, dự án khu công nghiệp liên Triều Kaesong và khu du lịch Kumgang sẽ được nối lại; một dự án hợp tác trên vùng biển phía Tây có thể được triển khai thời gian tới.
Thứ tư, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ triển khai dự án đường sắt liên Triều, kết nối hai miền.
Thứ năm, hai nước quyết định sẽ tổ chức gặp mặt cho các gia đình bị ly tán thường xuyên hơn và tại một địa điểm cố định, cho phép trao đổi thư từ và video.
Cuối cùng, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí sẽ đồng tổ chức Thế Vận hội Mùa hè năm 2032, đồng thời sẽ cùng tham dự Thế Vận hội 2020 tại Tokyo trong một đội tuyển chung.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong gặp gỡ Phó Thủ tướng Triều Tiên Ri Ryong-Nam bên lề Thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba ngày 19/9. (Nguồn: Kyodo) |
Trong khi ông Moon và ông Kim đang “bàn đại sự” thì cũng tại Bình Nhưỡng, đại diện của các tập đoàn Samsung, Hyundai, LG và SK đã gặp gỡ Phó Thủ tướng Triều Tiên Ri Ryong-Nam để thảo luận về hợp tác và phát triển kinh tế, đưa người dân hai miền xích lại gần nhau hơn. Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong và đoàn đại biểu khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai miền một khi cấm vận được dỡ bỏ, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Giao lưu văn hóa cũng được chú trọng khi trong sự kiện lần này, ca sĩ nổi tiếng Ailee sẽ có buổi biểu diễn tại Bình Nhưỡng. Tiếng hát của “Beyonce Hàn Quốc” vang vọng tại trung tâm thủ đô của Triều Tiên có thể báo hiệu khởi đầu mới trong quan hệ liên Triều, nhất là khi ông Kim Jong-un đồng ý sẽ tới làm khách tại Seoul thời gian tới.
Mối lo vẫn còn đó?
Thượng đỉnh hai miền lần thứ Ba có thể làm ấm lại quan hệ Bình Nhưỡng – Seoul, song nó lại chưa cho thấy đóng góp cụ thể tới tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hầu hết những đồng thuận trong tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo hai nước vẫn còn tương đối mơ hồ, đặc biệt là về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trước thềm Thượng đỉnh, quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia là lộ trình cụ thể, cùng mốc thời gian cho tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Song tuyên bố chung của Thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba đã không thỏa mãn những mong đợi này.
Lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn là dấu hỏi lớn, khi Bình Nhưỡng vẫn có động thái nâng cấp lò phản ứng hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon hồi tháng Sáu. (Nguồn: Reuters) |
Trả lời phỏng vấn của Arirang sau khi tuyên bố chung được ký kết, Chuyên gia Triều Tiên của Viện Nghiên cứu RAND, ông Bruce Bennett, tỏ ra tương đối bi quan, cho rằng không loại trừ khả năng đây tiếp tục là một lời hứa nữa của Triều Tiên. Tại hai lần Thượng đỉnh trước và trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un đều cam kết sẽ tiến phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sau một vài động thái “thiện chí”, Bình Nhưỡng đã tái khởi động lại quá trình sản xuất cơ sở hạt nhân, đi ngược lại với những tuyên bố trước đó.
Quan trọng hơn, kết quả Thượng đỉnh liên Triều này có thể khiến khả năng diễn ra Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai trở nên mong manh hơn. Sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Donald Trump và nội các đã liên tục thúc giục Chủ tịch Kim Jong-un cụ thể hóa cam kết của mình, xây dựng lộ trình và có mốc thời gian cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa, song điều này dường như đã không diễn ra. Washington từng hủy chuyến công du Bình Nhưỡng lần thứ Ba của Ngoại trưởng Mike Pompeo, úp mở khả năng mở lại tập trận Mỹ - Hàn. Thiếu vắng sự tham dự của nhân tố chủ chốt là Mỹ, xem ra hòa bình tại khu vực này sẽ khó có thể đạt được nhanh chóng. Tín hiệu tích cực từ Washington chỉ mới nhen nhóm trở lại khi Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi tuyên bố chung ở Bình Nhưỡng là “đáng mừng”, song chưa chắc chừng đó đã là đủ để Mỹ cân nhắc về dỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên.
Cũng như Washington, Bắc Kinh cũng là một “player” lớn trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 18/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kỳ vọng vào thành công của Thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba, mang tới những kết quả tích cực. Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của hai miền Triều Tiên trong cải thiện quan hệ, duy trì ổn định tại khu vực, cụ thể là nối lại liên lạc Hàn – Triều, thực hiện cam kết trong tuyên bố Panmunjom và thúc đẩy hòa giải dân tộc.
Tuần trước, tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở Vladivostok, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ngỏ ý có thể tham gia ký kết một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ. Ngoại trưởng Vương Nghị, cùng người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự buổi họp của Liên hợp quốc (LHQ) về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày 27/9 tới tại New York. Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh có thể là động lực đáng kể thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đàm phán, song cam kết của Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là chưa đủ độ "nặng ký".
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thượng đỉnh liên Triều lần thứ Ba đã đạt được những bước tiến nhất định trong cải thiện tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một lần nữa lại thắp lên niềm hy vọng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Để hiện thực hóa những cam kết trong tuyên bố chung, tiến tới phi hạt nhân hóa "hoàn toàn" trên bán đảo Triều Tiên, lập lại hòa bình dài lâu, Hàn Quốc, Triều Tiên nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung sẽ phải nỗ lực hết mình để mối lo về vũ khí hạt nhân sớm lùi sâu vào dĩ vãng như lời Tổng thống Moon Jae-in từng nói.
Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Khoảng 16 giờ 00 (giờ địa phương), tức 14 giờ 00 (giờ Hà Nội), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều ... |
KCNA đưa tin về lễ khai trương Văn phòng Liên lạc liên Triều Ngày 15/9, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đưa tin vắn tắt về lễ khai trương Văn phòng Liên lạc liên Triều, một ngày ... |
Triều Tiên bổ nhiệm ông Kim Song làm tân Đại sứ tại Liên hợp quốc Triều Tiên vừa bổ nhiệm ông Kim Song làm tân Đại sứ tại Liên hợp quốc, thay cựu Đại sứ Ja Song-nam đã về nước ... |