📞

Bình luận của TG&VN: Thổ Nhĩ Kỳ - Thân với Nga, xa rời Mỹ

06:42 | 17/08/2018
Tiếp đón thịnh tình Ngoại trưởng Sergey Lavrov và gay gắt trả đũa trừng phạt thương mại của Washington chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Ankara đang cho thấy những biến chuyển rõ rệt trong chính sách đối ngoại của mình.  

Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan luôn biết cách đặt lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua những chuyển biến gần đây trong quan hệ của nước này với Nga và Mỹ.

Thêm bạn bớt thù

Ba năm trước, Ankara từng coi Moscow là “kẻ thù không đội trời chung”, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay SU-24 của Nga trong một tranh chấp trên không phận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và phải đối mặt với cấm vận kinh tế gay gắt từ phía Kremlin.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc gặp tại Ankara ngày 13/8. (Nguồn: Tass)

Tuy nhiên, khi nội chiến Syria tiếp tục leo thang, Nga trở thành một người chơi chính, còn Thổ Nhĩ Kỳ cần giải quyết mối nguy đến từ các chiến binh người Kurd, Ankara đã chủ động bắt tay “làm hòa”, đẩy mạnh hợp tác với Moscow nhằm duy trì lợi ích an ninh và chính trị của mình tại khu vực. Chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ tháng 9/2017, hợp đồng mua hệ thống phòng tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, sự kết hợp chặt chẽ giữa hai bên trong đàm phán hòa bình Syria tại Astana (Kazakhstan) và hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, là minh chứng rõ rệt cho sự chuyển biến đó.

Song đó chưa phải là tất cả. Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu sắt và thép đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được cho là động thái cảnh cáo của Washington sau khi Ankara tiếp tục giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson, bị bắt giữ trong một cuộc truy quét của chính quyền ông Erdogan sau cuộc đảo chính năm 2016. Giờ đây, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều là “nạn nhân” từ lệnh trừng phạt kinh tế của Nhà Trắng.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn” – do đó, không có gì khó hiểu khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt trong chuyến thăm Ankara kéo dài năm ngày của mình. Trong cuộc gặp ngày 13/8, lãnh đạo ngành ngoại giao hai bên đã thảo luận về việc tổ chức thượng đỉnh bốn bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức về vấn đề Syria.

Đáng chú ý, ông Lavrov còn trở thành khách mời danh dự trong Hội nghị Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 10, sóng vai cùng người đồng cấp nước chủ nhà Mevlut Cavusoglu. Trong buổi thảo luận, ông Cavusoglu kêu gọi Mỹ “chấm dứt kỷ nguyên bắt nạt” và Thổ Nhĩ Kỳ “phản đối Mỹ hay bất kỳ quốc gia này sử dụng cấm vận”. Về phần mình, ông Lavrov cho rằng chính sách cấm vận “bất hợp pháp” này sẽ không thể kéo dài. Hợp tác với Nga, và xa hơn là Iran, những nước đối đầu với Mỹ, sẽ khiến Ankara vững tâm hơn trong cuộc chia ly dài hơi với Washington.

Còn đâu anh em một thuở?

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng có nhiều thăng trầm tương tự như với Nga, xong mọi thứ đang diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Ankara từng là đồng minh thân thiết của Washington trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho đến khi khi hai bên tỏ ra bất đồng liên quan đến số phận của người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ liệt Đảng Công nhân người Kurd (YPG) vào danh sách “tổ chức khủng bố”, còn Mỹ lại cho đây là một đối tác then chốt nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường Syria.  Tuy nhiên, quan hệ song phương chỉ thực sự đi vào bế tắc khi Washington từ chối trao trả giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cho là đứng đằng sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 7/2016, cho Ankara.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson vì cáo buộc đảo chính là giọt nước tràn ly, khiến Mỹ nổi giận, áp đặt mức thuế kỷ lục đối với sắt và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/8, đưa quan hệ hai bên ngày một đi vào bế tắc. Đáp lại, Tổng thống Erdogan cho biết Washington đang “đánh mất một đồng minh NATO chiến lược chỉ vì một mục sư” và thề sẽ triển khai một chiến dịch bài hàng Mỹ với quy mô lớn, đồng thời trả đũa bằng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đến từ xứ sở cờ hoa. Có thể thấy dù là đồng minh một thời, song một khi xung đột về lợi ích, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng “quay lưng” lại với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu “thân” với Nga là nước đi khôn khéo của Thổ Nhĩ Kỳ thì “căng” với Mỹ có thể sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Ankara. Chỉ trong hai tuần vừa qua, đồng Lira của nước này đã mất giá tới một phần ba và chỉ hồi phục ít nhiều vào ngày 14/8, sau khi Chính phủ cam kết sẽ cung cấp “mọi thanh khoản” mà các định chế tài chính ở nước này cần.

Trong khi những chính sách kinh tế chưa phát huy hiệu quả thì lời “tuyên chiến” ngoại giao với Washington của Tổng thống Erdogan chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa và khiến tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Những “người bạn mới” của Thổ Nhĩ Kỳ như Nga hay Iran, đều có những vấn đề của riêng mình và khó có thể giúp gì cho một Ankara đang gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh lợi ích quốc gia một lần nữa bị đe dọa, liệu Tổng thống Erdogan và chính quyền của mình có thể tiếp tục thay đổi để tồn tại?

Phan Quân