TIN LIÊN QUAN | |
Phó Tổng thống M. Pence cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào nền chính trị Mỹ | |
Mất “dầu bôi trơn”, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đối mặt nguy cơ trượt dốc |
Ngày 4/10 tại Viện Hudson, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu mang tính bước ngoặt khi chính thức công bố chính sách của Washington với Bắc Kinh thời gian tới. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới học giả Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai cường quốc thế giới ngày một leo thang. Đây cũng là động thái đáp lại chỉ trích cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa xây dựng được đường lối đối ngoại bài bản và hiệu quả trong quan hệ với Trung Quốc.
Bài phát biểu của ông Pence, thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ khiến quan hệ song phương tiếp tục xấu đi. Đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ đã tóm tắt lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung và nhấn mạnh vai trò đóng góp của Washington vào sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Tiếp theo, ông mô tả cách mà Trung Quốc đã “phản bội” lại ý định tốt đẹp và hành động thiện chí của Mỹ, gây tổn hại tới lợi ích của nước này trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh và chính trị. Cuối cùng, Phó Tổng thống Pence khẳng định Washington sẽ có cách “đối phó” với Bắc Kinh, ưu tiên cạnh tranh thay vì hợp tác như trước.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Hudson ngày 5/10. (Nguồn: WhiteHouse) |
Chia năm sẻ bảy
Tuyên bố đanh thép từ vị phó tướng của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên một cuộc tranh luận tại Trung Quốc xung quanh việc liệu bài phát biểu của ông Pence sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ - Trung, khơi mào “chiến tranh lạnh” giữa hai cường quốc. Có ba luồng ý kiến lớn nhận định về động thái này của Mỹ và tác động của nó tới quan hệ song phương.
Đầu tiên, một số nhận định bài phát biểu của ông Pence là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ không còn che giấu tham vọng kiềm chế Trung Quốc, điều mà nước này đã làm với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Quan ngại hơn, động thái của Washington sẽ đặt hai nước vào thế đối đầu và khó có thể đảo ngược trong thời gian tới. Thêm vào đó, việc ông Pence nhấn mạnh sự đồng thuận của lưỡng Đảng trong vấn đề Trung Quốc cho thấy Washington đã sẵn sàng “một chọi một” với Bắc Kinh và lập trường này không thay đổi, ngay cả khi ông Donald Trump bị thay thế bởi một Tổng thống khác. Do đó, những người này kêu gọi chính phủ Trung Quốc đáp trả bất kỳ hành động gây chiến nào của Mỹ.
Lập trường thứ hai cũng cho rằng Mỹ sẽ ngăn cản mọi bước tiến của Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, nhưng tin tưởng vào một tương lai lạc quan hơn nếu có những thay đổi đột ngột về vị trí người đứng đầu Nhà Trắng, biến động chia rẽ chính trường Mỹ, nền kinh tế xứ “cờ hoa” giảm tốc hay Washington trở nên ngày một cô lập trên bàn cờ quốc tế. Quan hệ song phương thời gian tới có thể không được tốt đẹp, song một Tổng thống mới có thể thay đổi điều này. Luồng ý kiến về duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc, dù không chiếm ưu thế hiện tại, sẽ dần được nhìn nhận một cách chính xác hơn.
Quan điểm cuối cùng lại khẳng định bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence đơn thuần chỉ là “bình mới rượu cũ”, cho rằng đây vẫn là luận điệu chỉ trích quen thuộc của ông dành cho Trung Quốc. Quan trọng hơn, nó được “đo ni đóng giày” nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, giúp đảng Cộng hòa duy trì đa số tại lưỡng Viện. Luồng ý kiến này cho rằng thay vì bị cuốn vào xung đột thương mại, mở cửa và cải tổ sâu rộng, chuyển hướng nền kinh tế mới là mục tiêu mà Trung Quốc cần hướng tới.
Lối ra còn xa
Có thể nói, hầu hết luồng quan điểm trên đều cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn căng thẳng và tháo gỡ bế tắc này cần sự tham gia tích cực từ cả hai bên. Bốn ngày sau bài phát biểu của ông Pence, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến đi Bắc Kinh và gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Song khác với hình ảnh thân mật trên bậc thềm của Nhà khách Điếu Ngư Đài, cả hai đã có nhiều “lời qua tiếng lại” xung quanh nhiều điểm nóng của khu vực và quốc tế. Ngoại trưởng Vương Nghị yêu cầu Mỹ không có cách hành động “gây tổn hại niềm tin song phương và phủ bóng đen lên quan hệ hai nước, đi ngược lại với lợi ích chung của hai dân tộc”, từ tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence đến quan hệ ngày một thân thiết giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Về phần mình, ông Pompeo cho rằng đây là những vấn đề mà hai bên có nhiều khác biệt cơ bản và mong muốn có thể thảo luận thêm trong thời gian tới. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cũng lấy làm tiếc vì quyết định của Trung Quốc khi hủy bỏ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước trong tháng 10 này.
Cuộc gặp vừa qua, cùng với phản ứng của người Trung Quốc sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho thấy Bắc Kinh đang bối rối trước những động thái chớp nhoáng và quyết liệt từ chính quyền Washington. Một mặt, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình gây dựng hình ảnh của cường quốc mới nổi, song mặt khác, Bắc Kinh cũng cần tránh “một đổi một” với Washington. Cân bằng giữa hai thái cực này sẽ là bài toán không hề đơn giản cho Trung Quốc.
Mỹ, Trung lên kế hoạch nhằm chấm dứt bế tắc trong vấn đề thương mại Ngày 18/8, theo nguồn tin đáng tin cậy, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán ... |
Bốn lý do Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung sẽ không xảy ra Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây tổn hại cho trật tự thương mại mở toàn cầu, thậm chí có ... |
Mỹ hay Trung Quốc nắm "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại? Theo trang mạng nationalinterest.org, Mỹ đang ở tình thế không biết chắc về Trung Quốc khi xét đến bản danh sách dài vô tận những ... |