Thị trường vàng vừa qua trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. (Nguồn: Kitco News) |
Từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC chính thức lập đỉnh 92 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, hiện vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhưng giá biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bởi khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào vàng sẽ khiến nguồn vốn hao hụt, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Ngoài ra, khi giá vàng lên cao so với giá thế giới sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, kéo theo việc tăng sử dụng đồng USD, dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ. Việc kìm hãm đà tăng, bình ổn giá vàng là điều rất cần thiết.
Có thể kể ra khá nhiều nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng phi mã. Có chuyên gia còn ví von, “giá vàng tăng là do hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Thiên thời, địa lợi” ở đây là mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức thấp, đã tạo nên một môi trường lý tưởng để tạo nên một con sóng cho bất kỳ loại tài sản nào. Bên cạnh đó, vàng trong nước còn được hỗ trợ bởi giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị, kênh chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn dòng tiền.
“Nhân hòa” là do tâm lý đám đông. Người ta kiên nhẫn xếp cả hàng dài chờ mua vàng. Giá vàng trong nước liên tục tăng khi cả giới kinh doanh và người dân đều có tâm lý cho rằng, giá sẽ còn tăng, trong khi nguồn cung hạn chế khiến người bán muốn “giữ hàng” còn người mua thì sẵn sàng trả giá cao.
Tất nhiên, giá vàng trong nước tăng quá nhanh và quá cao còn do nhiều yếu tố liên quan khác, từ chính sách điều hành không còn phù hợp trong giai đoạn mới, vấn đề quản lý thị trường, nguồn cung hạn chế, tiền đồng mất giá…
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN kịp thời đưa ra một số biện pháp cần thiết nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thể tác động tích cực ngay trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu giao dịch vẫn duy trì ở mức cao.
Trong khi đó, bối cảnh chung là giá vàng thế giới cũng đang neo ở mức cao và ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là một số nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang thay đổi các kết cấu dự trữ tài sản - thay thế dự trữ giấy tờ có giá hoặc ngoại tệ mạnh bằng vàng. Nhu cầu vàng vì thế tiếp tục tăng kéo theo kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn, hình thành trên một mặt bằng giá mới cao hơn.
Trong tình hình này, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5 với các biện pháp hành chính mạnh trở nên đặc biệt quan trọng để bảo đảm sự ổn định, minh bạch, kiểm soát bong bóng tài sản và ngăn chặn thao túng giá... và có thể mang tới hiệu quả tức thì. Theo đó, yêu cầu NHNN tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các quy định đối với hoạt động kinh doanh vàng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời xử lý; phải hoàn thành thanh, kiểm tra thị trường vàng trong tháng Năm...
Kỳ vọng các chỉ đạo của Chính phủ sớm được thực thi, bởi bình ổn thị trường vàng cũng là ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Chỉ khi có sự ổn định, tăng trưởng kinh tế mới thật sự bền vững.