Khách du lịch chụp hình ở Vịnh Hạ Long. (Nguồn: Bloomberg) |
Trong một bài viết đăng trên Bloomberg ngày 7/6, tác giả Clara Ferreira Marques đánh giá, Việt Nam đang trong cuộc đua mở cửa trở lại để đón những người đi phượt và tắm nắng. Du lịch nội địa đang khởi động lại mạnh mẽ.
Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan vẫn trong tình trạng khẩn cấp và các nước khác trong khu vực vốn thân thiện với du lịch cũng chỉ dần nới lỏng các hạn chế.
Việc mở cửa du lịch ổn định sẽ giúp Việt Nam hồi phục nền kinh tế. Du lịch của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9% trong nền kinh tế 260 tỷ USD - một phần nhỏ so với Thái Lan, nơi ngành công nghiệp "không khói" chiếm tới 1/5 tổng sản phẩm quốc nội và mang lại khoảng 5 triệu việc làm.
"Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", chiến dịch bắt đầu ngay khi ngành hàng không khởi động lại lịch trình bay thường xuyên. Năm 2019, Việt Nam có 85 triệu khách du lịch nội địa, chiếm hơn 80% tổng số khách.
Giảm giá và an toàn là những yếu tố chính thúc đẩy khách nội địa tham gia du lịch.
Nghiên cứu được một tập đoàn công bố vài tuần trước cho thấy hiện nay, khách du lịch có xu hướng thích những kỳ nghỉ ngắn tại các địa điểm gần nhà, trên bãi biển hay hòa mình vào thiên nhiên và tránh phải đi máy bay.
Trang Bloomberg đặt ra câu hỏi, thế còn bước tiếp theo sau đó, sự trở lại của du khách nước ngoài thì sao? Có thể câu trả lời vẫn còn cần thêm nhiều tháng nữa, mặc dù các hãng hàng không bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến bay quốc tế.
Ngành công nghiệp du lịch toàn cầu trị giá gần 9.000 tỷ USD sẽ trở lại khi các quốc gia đạt được những thỏa thuận song phương cho du lịch. Hiện tại, một vài nước đã ký những thỏa thuận ưu tiên khách công tác trước khi mở cửa cho du khách tham quan.
Những cạm bẫy của dịch Covid-19 vẫn có ở khắp mọi nơi. Ai sẽ đến đầu tiên và khi nào? Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Du lịch Việt Nam Ken Atkinson cho rằng, cần phải đưa ra những yêu cầu khách quan đối với khách quốc tế. Ví dụ như họ đến từ nơi trong vòng 1 tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng nào.
Có khả năng một vài địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như đảo Phú Quốc sẽ là nơi mở cửa đầu tiên cho khách quốc tế. Ông Steven Schipani, người nghiên cứu du lịch ở khu vực sông Mê Kông thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, dù khách du lịch không muốn bị cách ly dài nhưng việc xét nghiệm là chắc chắn cần thiết, cả lúc đến và đi.
Đối với Việt Nam cũng như đối với tất cả các nước Đông Nam Á, việc mở cửa cho du lịch trở lại cần đặt trên nền tảng ý thức về sức khoẻ, quan tâm tới hệ sinh thái, tập trung vào những khách du lịch độc lập có biên lợi nhuận cao, giúp tạo nên một tương lai du lịch bền vững hơn.