Lý giải về sự 'vênh' giữa điểm thi và học bạ, Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế. |
Bộ GD&ĐT vừa công bố kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 từng môn. Theo đó, ở một số môn như Lịch sử, Tiếng Anh, điểm thi thấp nhưng điểm học bạ cao, "vênh" gần 4 điểm.
Cụ thể, môn số môn như Toán, Ngữ văn,… có chênh lệch giữa điểm thi và học bạ khá thấp, trung bình trên dưới 1 điểm. Điều đặc biệt ở môn Giáo dục công dân, điểm thi của các tỉnh thành hầu hết cao hơn so với điểm học bạ.
Riêng môn Lịch sử, một loạt tỉnh có điểm thi thấp nhưng điểm học bạ khá cao, có tỉnh "vênh" giữa điểm học bạ và điểm thi lên tới gần 4 điểm.
Cụ thể, Hà Nội có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử là 4,855 nhưng trung bình điểm học bạ của môn này lên đến 8,231 (vênh 3,376 điểm).
Tỉnh Phú Yên có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử là 4,561 nhưng trung bình điểm học bạ của môn này lên đến 7,926 (vênh 3,366 điểm).
Tỉnh Sóc Trăng có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 4,707 nhưng mức trung bình điểm học bạ của môn này là 8,046 điểm (vênh 3,339 điểm).
Tỉnh Long An có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 4,931 nhưng mức trung bình điểm học bạ của môn này là 8,302 điểm (vênh 3,371 điểm).
Hải Phòng có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 5,142 nhưng mức trung bình điểm học bạ 8,310 điểm (vênh 3,168 điểm).
Tỉnh Bến Tre có trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 5,132 nhưng mức trung bình điểm học bạ của môn này lên đến 8,265 điểm (vênh 3,133 điểm)...
Mặc dù không "vênh" nhiều như Lịch sử nhưng môn Tiếng Anh, ở nhiều tỉnh thành cũng có chênh lệch giữa điểm thi so với học bạ đến hơn 2 điểm như: Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Phú Yên…
Lý giải về sự chênh lệch khá lớn này, Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác.
10 tỉnh có số điểm "vênh" cao nhất giữa trung bình điểm thi và trung bình học bạ ở môn Lịch sử. |
Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Qua đó thấy rằng, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần "rộng" hơn.
Đây là lý do dẫn tới độ chênh giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, Lịch Sử cao hơn các môn khác.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng, khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020. Có những môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch chỉ trên dưới 1 điểm.
Cụ thể, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của hầu hết các môn thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12. Riêng môn Giáo dục công dân có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình học bạ lớp 12 ở hầu hết các tỉnh/thành phố.
Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng.
Đồng thời, Sở GD&ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.
Được biết, theo quy định, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh điểm thi và học bạ theo hướng so sánh điểm trung bình của tổng 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của tổng 9 môn học tương ứng, theo các môn thi thực tế mà mỗi học sinh lựa chọn.
Cụ thể: Học sinh chọn thi bài thi môn khoa học xã hội sẽ tính trung bình các điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) và đối sánh với trung bình các điểm học bạ của 6 môn học tương ứng ở lớp 12.
Việc đối sánh chỉ dừng lại ở lớp 12 bởi phạm vi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ tập trung ở lớp học này.