Người dân Lebanon chào đón tỷ phú Carlos Slim tại thị trấn Jezzine quê hương ông ở miền Nam Lebanon, ngày 15/3. |
Mặc dù thế giới chưa thoát khỏi cơn bão tài chính nhưng gia tài của Slim vẫn tăng 18,5 tỷ USD so với năm ngoái, lên mức 53,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 16 năm qua, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates để tuột mất danh hiệu này. Gia tài của Bill Gates kém gia tài của Carlos Slim 500 triệu USD (53 tỷ USD). Xếp thứ 3 trong danh sách của Forbes là nhà đầu tư Warren Buffett với 43 tỷ USD. Danh sách tỷ phú năm 2010 có thêm 97 gương mặt mới và đón nhận sự quay trở lại của 164 tỷ phú bị loại khỏi danh sách năm 2009 do tác động của khủng hoảng tài chính. Danh hiệu tỷ phú trẻ nhất đã thuộc về nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, với gia tài trị giá 4 tỷ USD.
Người phát ngôn của Carlos Slim không xác nhận thông tin mà Forbes đã công bố về gia sản của nhà tài phiệt Mexico này nhưng ông bày tỏ vui mừng vì thông tin này sẽ giúp gia tăng niềm tin của giới đầu tư vào các công ty của Slim. Tổng biên tập Forbes, ông Steve Forbes cho biết “Trong một vài năm trở lại đây, Slim đã nhích dần lên trong bảng xếp hạng và năm nay là năm bứt phá ngoạn mục nhất. Ông không chỉ thống trị các doanh nghiệp ở Mexico mà còn làm chủ nhiều doanh nghiệp tại Mỹ”.
Hiện tại, gia đình Slim làm chủ hơn 200 công ty, chiếm lĩnh hơn 90% thị phần điện thoại di động tại Mexico. Các công ty của Slim kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, truyền thông, kinh doanh bán lẻ… Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của nhà Slim là America Movil, hãng điện thoại di động lớn nhất Mỹ Latinh, hoạt động tại 11 quốc gia và có hơn 150 triệu khách hàng. Để duy trì và mở rộng kinh doanh, Slim đã trao quyền quản lý một số doanh nghiệp cho các con trai và con rể của mình.
Khi mới tốt nghiệp đại học, vốn liếng của Slim không nhiều và ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Lúc 26 tuổi, Slim đã có trong tay gia tài trị giá 40 triệu USD. Điều đáng ngạc nhiên là Slim có thể làm giàu và tạo nên tên tuổi của mình ngay trong trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tại Mỹ Latinh đầu những năm 1980. Ông đã mua một số công ty gặp khó khăn về tài chính với giá thấp sau đó cải tổ lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và đem lại cho chúng số phận mới. Giống như Buffett, Slim đã tiến hành một số phi vụ hết sức khôn ngoan trên thị trường chứng khoán. Điển hình là ông đã mua cổ phiếu của hãng Apple ở thời điểm giá mỗi cổ phiếu chỉ 17 USD, đến nay giá đã tăng lên trên 200 USD/cổ phiếu.
Là con trai của hai người nhập cư Lebanon, Slim không chỉ nổi tiếng vì tài khoản khổng lồ mà còn được biết đến là một người thích làm từ thiện. Gần đây, doanh nhân 70 tuổi này đã cùng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và tỷ phú khai thác mỏ Canada Frank Giustra mở một chiến dịch đấu tranh với nghèo đói ở Mỹ Latinh. Trong tháng 3/2010, Slim đã cam kết ủng hộ 6 tỷ USD cho 3 quỹ từ thiện.
Tuy nhiên, Slim cho rằng làm từ thiện không phải là cách tốt nhất để giúp đỡ người khác. Trả lời phỏng vấn tạp chí USA Today, Slim cho rằng “Bill Gates phải nhận ra rằng đấu tranh với nghèo đói cũng giống như làm kinh doanh. Không thể dùng từ thiện hay hỗ trợ cộng đồng để chống lại nghèo đói mà phải chiến đấu với nó thông qua giáo dục và tạo ra việc làm”. Hiện tại, Slim chưa có ý định giã từ sự nghiệp để tập trung làm từ thiện như Bill Gates.
Gần đây, Carlos Slim đã bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Năm 2008, ông đã đầu tư vào tạp chí New York Times, ngân hàng Citigroup (Mỹ), và tạp chí Independent on Sunday (Anh). Các nhà phân tích cho rằng Slim đang muốn nhân rộng mô hình thành công tại Mỹ Latinh ra quy mô toàn cầu. Cần phải có thời gian mới trả lời được liệu ông có thực hiện được tham vọng đó hay không nhưng việc leo lên vị trí đầu bảng trong danh sách tỷ phú của Forbes chứng tỏ rằng suy thoái kinh tế toàn cầu không thể ngăn nổi sự phát triển của nhà tài phiệt này.
Khai Tâm